Đi thâu đêm, trăn trở đến mất ngủ để quyết mua cổ vật
Sau 30 năm kiên trì, ông Đinh Công Tường (54 tuổi, TP.HCM) trở thành kỷ lục gia với bộ sưu tập gốm sứ lớn nhất Đông Dương, lên tới 100.000 món. Nhưng để đạt được điều đó, ngoài tiền bạc thì ông đã phải đánh đổi bởi những chuyến đi xa, những đêm mất ngủ, những lần một mình đi săn trong bóng tối.
Có những món cổ vật, ông phải đi thâu đêm suốt mấy tháng liền. Có lần ông vượt 500 km trong đêm lên một bản ở Buôn Mê Thuột để tìm kiếm những món đồ cổ của văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo. Nhưng lên tới nơi, người sở hữu cổ vật lại tiếc nên không muốn nhượng lại. Ông Tường phải mất công đi lại nhiều lần để thuyết phục.
Kỷ lục gia Đinh Công Tường bên chiếc ang Càn Long được định giá 1,7 triệu USD.
Việc mua chiếc ang Càn Long, báu vật được định giá hơn 1,7 triệu USD, cũng rất khó khăn. Lần đầu khi biết chiếc bình này, ông Tường đã bỏ lỡ vì mức giá của nó quá khủng với khả năng tài chính. Một thời gian sau trong chuyến thăm Bến Tre, ông đã được một nghệ nhân mời đến nhà để xem chiếc bình cổ. Bất ngờ đó lại là chiếc ang Càng Long. Nhưng lần này ông Tường phải khó khăn hơn để chinh phục nó với 90 lần hẹn gặp.
Đây là chiếc ang có giá trị vật chất lẫn tinh thần với gia đình người sở hữu nên họ quyết không nhượng lại dù với mức giá nào. Nhưng càng khó ông Tường lại càng lì lợm. Sự kiên trì, ý chí cũng như khát vọng chinh phục của ông đã khiến người nghệ nhân đồng ý trong cuộc gặp thứ 90.
Một lần khác khi săn chiếc chum đá thêu (cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX), ông cũng đã liên tục đi Bến Tre hơn 3 tháng liền. Vì chiếc chum là vật gia truyền nên ông đã phải tốn nhiều thời gian để thuyết phục từng thành viên trong gia đình chủ sở hữu. Tuy vậy, nếu phải trả thêm cái giá 1-2 năm để họ đồng ý, ông cũng vẫn sẽ làm.
Bộ sưu tập đồ sộ với hơn 100.000 món đồ gốm được chất đầy trong căn nhà 600 m2 của ông Đinh Công Tường tại TP.HCM.
Khi được hỏi về lý do tại sao ông luôn kiên trì rất lâu chỉ để có được một món đồ, ông Tường tâm sự: “Khi mang trong mình một đam mê mãnh liệt, tôi sẽ không biết mệt là gì. Cái máu của người sưu tầm một khi đã xác định mục tiêu thì chắc chắn không thể bỏ lỡ. Khi chưa có được nó, tôi trăn trở đến không ngủ được, không thể đứng nhìn nó vuột mất trong tầm tay. Liều thuốc để chữa căn bệnh kinh niên ấy chỉ có thể là tìm mọi giá để đổi được nó”.
Mù chữ vì quá nghèo, nhặt rác, bán than để kiếm sống
Cho đến nay, khối tài sản hơn 100.000 món cổ vật của ông Đinh Công Tường đã khiến nhiều đại gia trong giới sưu tầm nể phục. Nhưng ít ai biết được rằng trước khi trở thành kỷ lục gia gốm cổ, ông Tường đã trải qua một tuổi thơ cơ cực.
Ông Đinh Công Tường sinh năm 1968 tại Hà Nội. Đến năm 1975, ông theo bố vào Sài Gòn tập kết. Lúc ấy, vì hoàn cảnh gia đình cơ cực, cậu bé Tường phải đi bán báo, bán than… cho đến nhặt rác. Thậm chí cậu còn không có đủ điều kiện để đến trường.
“Những nghề nào bần cùng của xã hội thời bấy giờ, tôi đã kinh qua hết. Đến nay, tôi vẫn không biết chữ. Tuy không học chữ từ trường lớp nhưng bù lại, tôi học từ ‘trường đời’", ông Tường bồi hồi.
Khu vườn đầy cây cảnh được chính ông Tường chăm sóc và thiết kế.
Ông Tường kể: “Là người mê cây, trong một lần về quê nội ở Bến Tre, tôi xin được vài cây cảnh để mang lên TP.HCM chăm sóc. Tôi học cách chăm bón cây cảnh từ các bậc tiền bối. Không lâu sau, nhiều người đến nhờ tôi chăm cây giúp họ, rồi dần dà tôi bán được những gốc bonsai của mình. Từ đó, cuộc đời tôi sang trang mới".
Nhìn thấy được cơ hội từ bonsai, ông Tường mở ra cơ sở nhận chăm sóc cây cảnh, cung cấp cây cho nhà hàng, biệt thự, resort sang trọng. Tiền bán cây được ông đầu tư vào đất đai. Sau này, những mảnh đất ấy lại được ông chuyển nhượng để lấy vốn cho đam mê sưu tầm đồ cổ.
Chiếc bát của bà ngoại đánh thức đam mê gốm cổ
Ông Tường sống trong một gia đình có ông bà nội - ngoại đều yêu chuộng đồ cổ nên tình yêu đặc biệt này đã được nuôi dưỡng từ bé. “Năm 24 tuổi, khi về Hà Nội làm đám giỗ bà ngoại, tôi được người cô tặng cho cái đĩa và một cái bát cổ để làm kỷ niệm. Hai món kỷ vật của bà đã đánh thức niềm đam mê sưu tầm đồ cổ và giúp tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất ”, ông nhớ lại.
Năm 1982, khi chưa có vốn liếng để nuôi đam mê, ông bắt đầu từ những thứ nhặt nhạnh được bên vệ đường. Thời điểm đó, ông cũng chưa biết cách phân biệt đồ cổ mà phải nhờ sự trợ giúp của những người chơi có tiếng tại chợ gốm Lê Công Kiều.
Ông Tường “mê" ngắm những bức tranh phong cảnh in trên mẫu gốm Nhật.
Trong chặng hành trình gom nhặt cổ vật, gốm Nhật chính là những “viên gạch” đầu tiên tạo nền móng cho bộ sưu tập đồ sộ sau này của ông Tường. Bên cạnh việc yêu thích gốm Nhật thì loại gốm này còn khó bị làm giả do chúng có những nét hoa văn đặc biệt, được những người thợ lành nghề sử dụng mực in để trang trí lên men. Với một người mới chơi như ông thì đây chính là lựa chọn an toàn.
Ông Tường tâm sự: “Học về cổ vật thì rất đơn giản, nhưng phân biệt được thật giả để mua thì mới là bài học khó”. Sau hơn 30 năm trong nghề, tôi đã biết rõ bộ mặt của những cổ vật giả. Nhưng để đạt tới trình độ này, tôi cũng từng va vấp rất nhiều.
“Tôi nhớ nhất chuyến đi săn cổ vật tại Vĩnh Long, họ gọi tôi xuống gấp vào lúc nửa đêm. Với một kẻ “si mê cổ vật” như tôi sẽ lập tức lên đường. Đến nơi, căn nhà đó xập xệ với ánh sáng le lói. Nhân lúc trời tối, điều kiện ánh sáng lại không tốt nên họ lừa tôi bằng cách trộn đồ lẫn với đồ giả khiến tôi dính một vố khá nặng. Tôi đã cắn răng bỏ 10 lượng vàng ra mua món đồ giả. Khi đó, 1 lượng vàng có giá 5 triệu đồng”, ông Tường bồi hồi.
Sau nhiều lần bị lừa, ông Tường dần rút ra kinh nghiệm: “Chất của đồ giả rất nặng, không có được chất màu đen và độ thanh đặc trưng như đồ thật. Những món cổ vật ngày xưa dùng lửa để nung gốm nên luôn có “chiếc áo khoác” màu đen đặc trưng của khói bảo vệ. Bề ngoài có thể đen đúa nhưng khi xẻ lớp “thịt” của nó, ta vẫn thấy được chất đỏ, chất vàng của gốm nung”.
Những món quà kỷ niệm được ông Tường trưng bày trong một góc phòng.
Chỉ mua không bán và ước mơ mở bảo tàng tư nhân
“Từ trước đến giờ, tôi chỉ sưu tầm mà không bán. Bởi vì khi bán đi một món đồ cổ, một giá trị văn hoá sẽ thất thoát. Tôi không muốn con cháu mình lớn lên với những trang sử chỉ tồn tại trong sách vở. Chúng cần phải được ‘tai nghe, mắt thấy’ các cổ vật đại diện cho lịch sử văn hoá của nước nhà”, ông Tường bộc bạch.
Dù có hơn 100.00 món nhưng ông Đinh Công Tường vẫn có thể kể rành mạch câu chuyện về nơi chốn, văn hoá của từng món đồ.
Chính vì ước vọng đó, ông Đinh Công Tường dự định sẽ mở 2 bảo tàng tư nhân: Một cái sẽ được đặt ở Nha Trang, cái còn lại tại quận Tân Bình (TP. HCM). Ngoài ra, căn nhà 3 tầng rộng 600 m2 của ông cũng sẽ được sửa chữa để trở thành “quán cà phê bảo tàng".
Kỷ lục gia chia sẻ: “Đồ cổ là vô giá, nhưng nhiều người tham lam lại gán cho nó một cái giá trên trời để buôn bán kiếm lời. Lâu dần, nạn “chảy máu đồ cổ” trở nên nghiêm trọng. Nhưng tôi tin rằng với bộ sưu tập hơn 100.000 cổ vật của mình, tôi có thể giúp thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy nền văn hoá truyền thống lâu đời của dân tộc”.
Cũng bởi cảm động với tấm lòng của kỷ lục gia Đinh Công Tường, nhiều nhà sưu tầm khác đồng ý nhượng lại hoặc trao tặng cho ông những cổ vật gia truyền.
“Tôi tin rằng bất kỳ món cổ vật nào cũng có linh hồn. Và chỉ khi tâm của nhà sưu tập thật sự tốt, linh hồn ấy mới tin tưởng trao món cổ vật của họ cho mình. Tôi may mắn khi là một trong những con người ấy”, kỷ lục gia chia sẻ.
Kho tàng đồ cổ hơn 30 năm sưu tầm của ông Tường đã được Tổ chức Kỷ lục Đông Dương tại Việt Nam trao tặng bằng kỷ lục “Gốm sứ xưa và nay nhiều nhất Đông Dương”. Trước đó, ông đã xác lập 3 kỷ lục tại Việt Nam: Người sở hữu bộ sưu tập lộc bình xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam với hơn 5.000 chiếc (năm 2014); Người sở hữu bộ sưu tập đĩa cổ xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam (năm 2015) và Người sở hữu bộ sưu tập bát (tô) cổ số lượng nhiều nhất Việt Nam (năm 2016).