Kỷ lục của Công Phượng và nghịch lý cuộc đua đến ngôi "vua"

Domino |

Không phải một danh hiệu chính thức, nhưng Vua phá lưới nội V.League là thành tích đáng tự hào với mỗi cầu thủ.

V.League 2018 chỉ còn 1 vòng đấu nữa, cuộc đua Vua phá lưới nội gần như chỉ còn gói gọn trong 2 cái Tiến Linh (Bình Dương) và Công Phượng (HAGL). Việc xuất hiện trong cuộc đua này của cả 2 chân sút đều gây bất ngờ.

Tiến Linh khởi đầu mùa giải khá chật vật. Nhiều thời điểm, người hâm mộ còn lo tiền đạo này không được ra sân chứ đừng nói đến ghi bàn.

Trong khi đó, Công Phượng dù là trụ cột của HAGL song thường đóng cả vai trò săn bàn lẫn kiến tạo và trước đó chưa từng lập công quá 7 lần trong một mùa giải.

Nhưng Tiến Linh và Công Phượng, bằng sự nỗ lực và những con đường khác nhau, đã liên tiếp điền tên mình lên bảng tỉ số để rồi trở thành đối thủ cạnh tranh ở những vòng đấu cuối.

Nghịch lý nằm ở chỗ dù lập thành tích đáng nể như vậy, cơ hội dành cho cả Công Phượng lẫn Tiến Linh tại AFF Cup 2018 đều khá mơ hồ.

Tiến Linh hiện đang có 13 bàn thắng trong tay. Tính trung bình, cứ 101 phút thi đấu, anh sẽ một lần sút tung lưới đối phương. Chọn vị trí khôn khéo, kỹ năng dứt điểm tốt, Tiến Linh luôn là mối đe dọa cho các đối thủ.

Chỉ có điều, kinh nghiệm thi đấu quốc tế của chân sút 20 tuổi vẫn còn rất ít. Tiến Linh cũng chưa thực sự làm tốt mỗi khi phải tác chiến độc lập. Một số trận đấu, cầu thủ người Hải Dương gần như "mất tích" trên sân.

Về vấn đề, Tiến Linh vẫn cần học hỏi thêm người đồng đội Anh Đức. Tuổi tác đã bào mòn đáng kể sức mạnh và tốc độ, song Anh Đức vẫn biết cách tạo ra đột biến nhờ những tình huống xử lý đơn giản nhưng hiệu quả.

Kỷ lục của Công Phượng và nghịch lý cuộc đua đến ngôi vua - Ảnh 1.

Không dễ để Tiến Linh (trái) có suất trên ĐT Việt Nam.

Bàn thắng gần nhất mà Tiến Linh ghi được tại V.League chính là đến sau một nỗ lực của tiền đạo đàn anh. Tại Asiad 2018, Anh Đức 2 lần kiến tạo cho Văn Đức rồi Văn Quyết ghi bàn. Anh còn có pha tâng bóng trúng xà ngang khi gặp Syria, trước khi Văn Toàn đá bồi chính xác.

Ngay cả trong màu áo U23 Việt Nam, Tiến Linh còn chưa thực sự tạo ra niềm tin cho HLV Park Hang-seo, thì vị trí ở ĐTQG quả là điều không dễ dàng.

Câu chuyện của Công Phượng có chút khác biệt. Mùa giải này, Phượng đang phá sâu kỷ lục ghi bàn cá nhân với 12 pha lập công, gần bằng 2 mùa 2015 và 2017 cộng lại (mùa 2016 thi đấu tại Nhật).

Song số bàn thắng lại không tỉ lệ thuận với cơ hội đá chính ở ĐTQG. Asiad 2018 cho thấy ý tưởng khá rõ ràng của HLV Park Hang-seo với Công Phượng: Một phương án dự phòng, sử dụng trong thời điểm cần đột biến.

Kỷ lục của Công Phượng và nghịch lý cuộc đua đến ngôi vua - Ảnh 3.

Công Phượng không chắc suất đá chính ở ĐT Việt Nam.

Để đá chính, tiền đạo xứ Nghệ cần cạnh tranh với nhiều cái tên xuất sắc như Phan Văn Đức, Quang Hải, Trọng Hoàng, Minh Tuấn, Thanh Trung, Văn Quyết, Văn Toàn, Hà Đức Chinh…

So với trước đây, Công Phượng đã đồng đội hơn, bớt rườm ra hơn. Dù vậy, anh vẫn còn phải chứng minh nhiều điều, trong đó quan trọng nhất là sự ổn định và khả năng liên kết với các cầu thủ khác.

Thực tế cho thấy, Công Phượng chưa thực sự có duyên ở cấp độ ĐTQG. Anh mới ghi được 2 bàn sau 13 lần ra sân.

Trong quá khứ, không ít lần các Vua phá lưới nội lại không đóng góp được nhiều cho ĐT Việt Nam tại AFF Cup. Liệu rằng Công Phượng hoặc Tiến Linh có thể vượt qua cái dớp đó?

Vòng 24 V.League 2018: Nam Định 0-2 HAGL


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại