Kỷ luật cả bí thư và chủ tịch tỉnh: Ít có nhưng không phải lần đầu

Hoàng Đan |

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT, việc Bí thư, Chủ tịch UBND, Ban Thường vụ Thành ủy đều xác định có vi phạm nghiêm trọng, đề nghị kỷ luật như Đà Nẵng không phải lần đầu tiên xảy ra.

Ngày 18/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận xác định Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã có vi phạm nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc nêu rõ vi phạm, đề nghị và xử kỷ luật các cán bộ cao cấp thể hiện "không có vùng cấm" trong công tác kiểm tra của Đảng.

Cũng theo ông Hùng, thực tế, trong lịch sử Đảng, Đà Nẵng không phải là trường hợp đầu tiên mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra xác định vi phạm nghiêm trọng, đề nghị kỷ luật cả Ban Thường vụ, Bí thư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố.

Ông cho hay, trước đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã từng kiểm tra, nêu rõ, đề xuất hình thức xử lý, kỷ luật đối với việc Bí thư và Chủ tịch UBND một số tỉnh thành mất đoàn kết.

Tuy nhiên, do một số vấn đề và một vài cán bộ từng là lãnh đạo tỉnh đã qua đời nên ông Hùng không nêu rõ chi tiết.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kể lại, thời gian năm 1988, khi ông về công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chứng kiến sự mất đoàn kết trong nội bộ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Trong bản thông báo của Bộ Chính trị vào tháng 7/1988, sau khi thành lập đoàn kiểm tra một số vấn đề tại Thanh Hóa, Bộ Chính trị kết luận ông Hà Trọng Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thời điểm đó đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Trong cuộc sống cá nhân, ông Hà Trọng Hòa cũng có nhiều khuyết điểm riêng. Sau đó, Bộ Chính trị đã quyết định cách chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa của ông Hà Trọng Hòa. Tiếp đó, ông Hòa bị cho thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương.

Đồng thời, ông Lê Huy Ngọ được Trung ương điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Ngoài ra, ông Hùng cho biết thêm, thời kỳ ông còn công tác, tại một số địa phương, sau khi phát hiện, xác định rõ tình trạng mất đoàn kết, Trung ương đã từng phải điều một Bí thư tỉnh về Văn phòng Trung ương Đảng và Chủ tịch tỉnh về Văn phòng Chính phủ.

Còn theo một cán bộ từng công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vào năm 2010, sau khi kiểm tra, xem xét, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khóa 10 cũng đã đề nghị kỷ luật 3 lãnh đạo cao nhất của tỉnh Ninh Bình gồm Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong đó, vi phạm của Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình lúc đó là ông Đinh Văn Hùng được xác định là nghiêm trọng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau đó, đã ra thông báo kỷ luật Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình bằng hình thức cảnh cáo, thôi tham gia BCH Trung ương, nghỉ công tác để nghỉ hưu.

Chủ tịch HĐND bị kỷ luật cảnh cáo và Chủ tịch UBND tỉnh bị kỷ luật khiển trách.

Ngoài ra, năm 2010, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô bị cách hết các chức vụ trong Đảng, chính quyền về các vi phạm thì Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc công an tỉnh phải kiểm điểm trước Tỉnh ủy về việc này một cách nghiêm khắc.

Còn theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, từ thời kỳ đầu mới dựng nước và trong kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng và cương quyết xử lý các cán bộ có sai phạm để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.

Ông Hương cũng chia sẻ, trong thời kỳ ông còn là Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương kiêm Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ thì Đảng đã xử lý nhiều cán bộ cả ở cấp Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh về những sai phạm.

Trong đó, có Ủy viên Bộ Chính trị sau khi bị phát hiện sai phạm đã bị kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại