Kỳ lạ những chuyến bay vào vũ trụ của chó 'nhặt', mèo lạc, tinh tinh

Gia Minh |

Kể từ năm 1948, các nhà khoa học đã gửi nhiều sinh vật sống lên không gian, bao gồm chó, vượn, bò sát, côn trùng, thực vật và các vi sinh vật khác nhau... để phục vụ nghiên cứu.

Kỳ lạ những chuyến bay vào vũ trụ của chó nhặt, mèo lạc, tinh tinh - Ảnh 1.

Chó Laika được Liên Xô đưa lên quỹ đạo Trái đất năm 1957 - Ảnh: NASA

Vào ngày 11-6-1948, con khỉ Albert I trở thành động vật đầu tiên lên vũ trụ. Albert I được đưa lên tên lửa V-2 Blossom, bay đến độ cao dưới quỹ đạo 134km. Kể từ đó, các nhà khoa học đã gửi nhiều sinh vật sống lên không gian, bao gồm chó, vượn, bò sát, côn trùng, thực vật và các vi sinh vật khác nhau.

Nhiều con vật đã chết vì những nhiệm vụ tiên phong này. Nhưng như Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã nói, "họ" đã hy sinh cuộc sống của mình nhân danh tiến bộ công nghệ, mở đường cho nhiều hoạt động xâm nhập không gian của nhân loại.

Chú chó "nhặt" bay vào vũ trụ

Laika là con chó nổi tiếng thế giới được Liên Xô đưa lên quỹ đạo Trái đất năm 1957. Theo trang tin Gizmodo, Laika đã chết trong nhiệm vụ một chiều này.

Trước sứ mệnh Laika, năm 1951, chỉ còn một ngày trước khi lên bệ phóng theo lịch trình, con chó tên Smelaya bất ngờ "bỏ trốn". May thay Smelaya đã quay trở lại vào ngày hôm sau và chuyến bay thử nghiệm độ cao đã thành công.

Cuối năm 1951, chú chó tên Bobik cũng "bỏ trốn" trước giờ bay và không quay lại. Những người lên kế hoạch chuyến bay đã "nhặt" được một con chó đang lang thang gần một quán rượu địa phương. Họ đặt tên cho nó là ZIB - từ viết tắt trong tiếng Nga của "người thay thế chú chó mất tích Bobik" và sau đó đưa nó lên không gian.

Chưa kịp bay, chuột bỏ mạng vì "thích của lạ"

Năm 1959, không quân Mỹ thực hiện một nỗ lực phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo Trái đất từ căn cứ không quân Vandenberg ở bang California. Tuy nhiên, 4 con chuột "phi hành gia" được phát hiện đã chết vì ăn sơn krylon - được phun lên lồng của chúng để che đi các cạnh thô ráp. Những con chuột rõ ràng nhận thấy sơn krylon ngon hơn thức ăn dành riêng cho chúng.

Kỳ lạ những chuyến bay vào vũ trụ của chó nhặt, mèo lạc, tinh tinh - Ảnh 2.

Khi mở cửa tàu, người ta phát hiện các cảm biến đã bị ướt - Ảnh: USAF

Nỗ lực phóng lần 2 với đội chuột dự phòng cũng suýt bị xóa sổ khi các cảm biến trong khoang chứa bị ướt. Khi mở cửa tàu, người ta phát hiện cảm biến nằm bên dưới một trong những lồng chuột. Cảm biến này 'không thể phân biệt được sự khác biệt giữa nước và nước tiểu chuột'.

Sau khi khoang chứa được làm khô, vụ phóng đã được tiến hành. Tên lửa phóng nổ tung vào ngày 3-6-1959, nhưng tầng trên của tên lửa bắn xuống phía dưới, khiến khoang chứa cùng chuột lao xuống Thái Bình Dương.

Tinh tinh mở đường lên không gian

Tinh tinh Ham đã vào trong không gian theo sứ mệnh Mercury-Redstone của NASA ngày 31-1-1961. Mục tiêu chính của sứ mệnh này là xác định xem động vật có thể thực hiện các nhiệm vụ trong không gian hay không.

Kỳ lạ những chuyến bay vào vũ trụ của chó nhặt, mèo lạc, tinh tinh - Ảnh 4.

Tinh tinh Ham đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tàu vũ trụ - Ảnh: NASA

Ham chỉ mới 2 tuổi khi khóa đào tạo bắt đầu. Con tinh tinh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trong con tàu vũ trụ, nó đẩy cần lái liên tục khoảng 50 lần và chỉ phải nhận 2 cú sốc điện.

Nhiệm vụ thành công của Ham đã tạo tiền đề cho phi hành gia Alan Shepard, công dân Mỹ đầu tiên lên không gian vào năm 1961. Còn Ham sống phần đời còn lại của mình trong vườn thú.

Chú mèo duy nhất bay vào vũ trụ

Vào ngày 18-10-1963, chương trình không gian của Pháp đã phóng Félicette - một con mèo Ba Tư đi lạc - vào không gian. Các nhà khoa học đã cấy các điện cực vào hộp sọ con mèo để theo dõi hoạt động thần kinh và kích hoạt các phản ứng thể chất.

Các nhà khoa học đã "hóa kiếp" cho Félicette ngay sau chuyến bay để nghiên cứu não của nó.

Kỳ lạ những chuyến bay vào vũ trụ của chó nhặt, mèo lạc, tinh tinh - Ảnh 5.

Félicette là con mèo duy nhất được đưa vào vũ trụ thành công - Ảnh: CNES

Félicette là con mèo duy nhất được đưa lên vũ trụ thành công. Vào năm 2017, người ta đã phát động chiến dịch huy động tiền xã hội để xây đài tưởng niệm cho Félicette. Bức tượng hiện đặt tại Đại học Không gian quốc tế ở Pháp.

Hai chú chó du hành vũ trụ 21 ngày

Kỳ lạ những chuyến bay vào vũ trụ của chó nhặt, mèo lạc, tinh tinh - Ảnh 6.

Hai con chó Veterok và Ugolyok đã bị mất nước và sụt cân sau khi trở về từ không gian - Ảnh: ROSCOSMOS

Vào tháng 2-1966, chương trình không gian của Liên Xô đã đưa 2 chú chó Veterok và Ugolyok ra ngoài vũ trụ để nghiên cứu tác động của việc du hành vũ trụ dài ngày và các tác động có hại của bức xạ.

Hai chú chó ở trong không gian trong 21 ngày. Khi trở về, chúng bị mất nước và sụt cân. Veterok và Ugolyok cũng có biểu hiện suy yếu tuần hoàn, teo cơ và mất khả năng phối hợp; chúng đã mất cả tháng để hồi phục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại