Độc đáo khu tập thể tuổi đời 60 năm, cây mọc xuyên nhà
Giữa lòng Hà Nội, những căn tập thể cũ có tuổi đời hàng chục năm thường nép mình lặng lẽ đằng sau những phồn hoa đô thị. Vào những năm 1959-1960, các kĩ sư Triều Tiên đã hỗ trợ thiết kế, xây dựng một trong những khu tập thể cũ kĩ nhất Hà Nội, nằm trên phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa.
Đó là khu tập thể Kim Liên - tổ hợp bao gồm các công trình, nhà tập thể, nhà trẻ, trường học, khu thương mại, là nơi ở của những cán bộ nhà ga Hà Nội và một số khu công nghiệp khác thời bấy giờ. Xen kẽ các khoảng sân rộng được trồng rất nhiều cây xanh (chủ yếu là xà cừ), đây cũng là khu vui chơi, sinh hoạt của trẻ nhỏ.
Sau năm 1990, trước tốc độ đô thị hoá của Hà Nội, tập thể Kim Liên đã hình thành một quần thể dân cư đông đúc, buộc người dân phải cơi nới tạo thành các khu "chuồng cọp", "chuồng chim" để sinh hoạt.
Chính sự tiện lợi này đã vô tình phá vỡ tính quy hoạch của khu nhà, khiến hình thức kiến trúc ban đầu bị biến đổi hoàn toàn. Bởi lẽ đó, cây xanh được trồng cách đó hàng chục năm vô tình mọc xuyên ngay giữa nhà, vươn lên tầng 2, thậm chí tầng 3.
Những thân cây to sần, 2-3 người ôm mới xuể, tán cây xòe rộng như những chiếc ô khổng lồ che chở cho những ngôi nhà. Nhiều hộ gia đình còn "tận dụng" thân cây làm nơi treo đồ, qua hàng chục năm vô tình xem chúng như những "thành viên" trong nhà.
Tập thể Kim Liên nổi tiếng với độ bao phủ của 30-40 cây xà cừ tuổi đời hàng chục năm.
Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thăm thú khu tập thể này, vì cây mọc khắp nơi, từ sân nhà vươn dài lên bầu trời tạo không gian xanh mát.
Tốc độ đô thị hóa quá nhanh của Hà Nội đã vô tình khiến những cây xà cừ này phải "tựa nhờ" vào nhà dân, hoặc nằm "chình ình" ngay giữa nhà như thế này.
Một căn nhà tại khu B9 Kim Liên, quả không sai khi nói cây xanh đi vào đời sống hàng ngày của người dân.
Nếu có ý định sửa chữa khu nhà, người thợ phải "nương" theo vị trí của xà cừ, thiết kế mái tôn nhường chỗ cho cây vươn lên.
Thích thú trải nghiệm uống cà phê bên cạnh cây xanh...
Mùa hè mát mẻ, mùa mưa điêu đứng
Không thể phủ nhận, khi một cây xanh "chen" giữa nhà giúp không khí bên trong trở nên mát mẻ hơn mà không cần điều hoà. Mùa hè, cả khu tập thể xung quanh được hưởng bóng mát từ cây, người dân thoải mái nằm ngủ dưới sân chơi chung.
Có những người khi mới tìm đến thuê phòng đã thấy cây "chình ình" giữa nhà, họ đều chấp nhận sống chung, một phần vì sợ yếu tố "phong thuỷ", phần khác sống lâu ngày cũng dần cảm thấy "yêu quý" cây.
Tuy nhiên, điều oái oăm là những thân cây to lớn này lại nằm ngay ở tường, giữa nhà, hay chạy qua ban công khiến diện tích những ngôi nhà vốn đã nhỏ lại bị thu hẹp. Nhiều khu nhà nếu muốn sửa chữa phải "chiều" theo cây, thiết kế sao cho không đè hay làm ảnh hưởng tới chúng.
Đặc biệt, vào mùa mưa bão, cành cây lại gãy tả tơi, có khi còn bật cả gốc khiến tường nhà bị nứt. Cách đây 4 năm, một cành cây bất ngờ đổ sập đè lên mái tôn khiến người dân được phen hú vía, bỏ chạy tán loạn. Theo thời gian, để tự bảo vệ tính mạng của các thành viên trong gia đình, họ phải tự đốn cây chặt cành trước mùa mưa bão. Thành thử sống lâu năm, cứ mỗi khi mưa bão kéo về, cành cây rơi lộp độp như tiếng "bom nổ" trớ trêu đã trở thành chuyện thường ở khu dân cư.
"Cây cổ thụ mọc trong khuôn viên nhà dân rất nguy hiểm cộng với đủ các loại dây điện đi trên nóc các ngôi nhà. Nhiều hôm, gió lớn, cành cây chao đảo quẹt trúng dây diện, chập cháy rèn rẹt, có lúc còn gây cháy lớn, ai cũng sợ không dám ra khỏi nhà" - một người dân chia sẻ.
Người dân thậm chí còn tận dụng thân cây để treo các vật dụng khác...
... hoặc treo biển quảng cáo như thế này.
Tại khu tập thể Kim Liên, người dân khá lo sợ trước mùa mưa bão nên đều phải thuê người tỉa bớt cành cây, đề phòng trường hợp khẩn cấp.
Các khu tập thể cũ như Kim Liên dù vẫn tồn tại như những biểu tượng của một kiến trúc, một lối sống của người Hà Nội thời trước nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng.