Trên mạng xã hội Trung Quốc thời gian gần đây lan truyền mạnh những bức hình được phục chế của các ngôi sao điện ảnh mang tính biểu tượng của Hong Kong ở thập niên 90 như Lâm Thanh Hà, Lý Gia Hân hay Vương Tổ Hiền.
Đây là sản phẩm được tạo ra thông qua một công cụ chỉnh sửa tinh vi, có sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo (AI). Hệ thống này xem xét và đánh giá, phân tích các đặc điểm và từng đường nét khuôn mặt trong các bức ảnh cũ, mờ hoặc có độ phân giải thấp, thậm chí cả các cảnh quay trong phim để phục chế lại.
Các bức ảnh của hai nữ diễn viên nổi tiếng ở trên đã tạo ra hơn 40.000 chủ đề thảo luận và 190 triệu lượt xem Weibo.
AI đã tăng cường độ nét, chi tiết của các bức ảnh xưa cũ.
Trên thực tế, công cụ phục chế ảnh này là một tiểu ứng dụng mang tên "You and I", bên trong ứng dụng WeChat. Nó được phát triển bởi công ty có tên Daxie, trụ sở ở Bắc Kinh, ra mắt vào tháng 12/2018.
Nói một cách đơn giản, việc phục chế bao gồm xử lý và điền vào các vùng thông tin bị thiếu trên hình ảnh. Công cụ này sẽ sử dụng phương pháp khuếch tán, lấy cấu trúc từ khu vực này để bù vào khu vực khác, dựa trên các phân tích và đánh giá chi tiết. Nó thậm chí tự xây dựng các điểm ảnh bị mất dựa trên sự duy trì nhất quán với các điểm ảnh xung quanh.
Tất nhiên, nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh cũng sử dụng phương pháp tương tự nhưng đều thất bại khi phải đối mặt với các bức ảnh có vùng cần sửa lớn. Nhưng với công nghệ học máy, dữ liệu đầu vào được bổ sung một cách đầy đủ và chi tiết dựa trên các nguồn thông tin đa chiều. AI sẽ tìm hiểu sự khác biệt giữa hình ảnh gốc có độ phân giải cao và hình ảnh có độ phân giải thấp trong bộ dữ liệu khổng lồ của hệ thống, từ đó dần lấp đầy các khoảng trống một cách thích hợp dựa trên các thuật toán phức tạp.
Các bức ảnh được phục chế có độ chi tiết và sắc nét, không kém ảnh chụp hiện đại.
Trên thực tế, nhiều công ty như Nvidia của Mỹ đã phối hợp với các trường đại học như Aalto và MIT để xây dựng phần mềm phục chế ảnh, với khả năng tự học dựa trên hệ thống cơ sở gồm 50.000 bức ảnh của ImageNet.
Tencent cũng có ứng dụng có tên AI Multimedia Lab cho phép người dùng quét và tải lên các bức ảnh đơn sắc để hệ thống phối màu cho chúng trông giống tự nhiên. Một số công ty khác như Youtu cũng đang cố gắng phát triển và hoàn thiện các ứng dụng có tính năng tương tự.
Tuy nhiên, điều khiến ứng dụng "You and I" trở nên nổi bật và gây chú ý chính là khả năng tối ưu hóa và phục hồi gương mặt trong các bức hình. Chỉ cần nhìn vào sự khác biệt giữa các bức ảnh trước và sau phục chế, người dùng đã cảm thấy bất ngờ và ấn tượng với công nghệ này.
Trong tương lai, các công nghệ tăng cường hình ảnh bằng AI có thể tiếp tục được ứng dụng phổ biến và rộng rãi hơn nữa trong việc sửa chữa video, làm phim hoạt hình, điều trị y tế…
Tham khảo Medium