Kỳ bí làng rèn Phúc Sen

Vương Tâm |

Nếu gặp những cô gái Nùng An duyên dáng, xinh đẹp ở Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng, khó ai có thể tưởng tượng đó là thợ rèn dao kéo. Khi hát múa thì dịu dàng với những lời hẹn hò về tình yêu, vậy mà khi vào đợt trả hàng, họ lại xăm xắn bên lò lửa cùng gia đình tay kìm, tay búa. Những giọt mồ hôi ửng hồng trên đôi má lúm đồng tiền. Những nụ cười như nắng bên ngọn lửa hồng...

Làng rèn đại bác

Nếu hỏi thăm những người già nhất ở Phúc Sen về ông tổ nghề rèn của làng, hay nghề có tự bao giờ, họ cũng không hề hay biết. Ai cũng chỉ nói rằng được ông cha dạy nghề từ bé. Họ ước đoán chừng ba trăm năm, đến bốn trăm năm là cùng.

Còn ông tổ chỉ là do dân gian tưởng tượng rằng, đó là một ông tiên đến đây thương người Nùng An nghèo khó, nên dạy cách đúc rèn dụng cụ lao động, để khai hoang, trồng cây, săn bắt thú rừng.

Chính vì thế làng Phúc Sen không có miếu thờ tổ nghề. Nhưng theo ký ức của một số người được cha ông kể lại, làng rèn Phúc Sen một thuở đã từng chế tác vũ khí cung cấp cho công cuộc kháng chiến chống giặc xâm lược, qua nhiều giai đoạn biến động xã hội.

Theo lịch sử ghi lại cùng những dấu tích là những minh chứng hiện hữu, làng rèn Phúc Sen một thuở đã là công binh xưởng đúc rèn cơ khí, chế tạo vũ khí của triều đại nhà Mạc.

Đó là câu chuyện bi kịch của lịch sử, khi nhà Mạc tháo chạy khỏi kinh đô Thăng Long năm 1593, lên Cao Bằng theo lời tiên đoán của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, lập căn cứ chống lại nhà Lê.

Một thời đoạn chiến tranh, nhà Mạc đã lập đô tại Cao Bằng, hùng cứ một phương, kéo dài đến hơn 80 năm. Chính vì thế binh xưởng chế tác vũ khí cho quân đội nhà Mạc đã hình thành ở Phúc Sen, cách thành phố Cao Bằng chừng 30km về phía đông.

Nếu tính về tuổi làng nghề rèn của Phúc Sen có lẽ hình thành từ thời điểm này, khoảng hơn 400 năm là chính xác.

Có thể căn cứ với những dấu tích ở Phúc Sen, đầu tiên là gần mỏ sắt lớn và vùng rừng rộng lớn với loại gỗ cây “mác rạc”, cho ra một loại than có nhiệt lượng cao, chuyên dùng để luyện sắt làm vũ khí.

Trong xã còn có một hệ thống thủy lợi được xây bằng đá do nhà Mạc khởi dựng, hiện vẫn tồn tại dấu tích. Xưởng sản xuất vũ khí ở đây trở thành căn cứ quân sự quan trọng.

Những người thợ đúc rèn vũ khí ở đây được coi là những người lính và tuyển chọn kỹ lưỡng về tay nghề và sức khỏe. Họ là người Nùng An (một trong số 13 dòng Nùng ở Cao Bằng), cư dân sống lâu đời ở Phúc Sen.

Đây là một ngôi làng có nhiều công trình dân sinh bằng đá, từ giếng, tường bao vườn nhà, đến bao bờ ruộng. Đồng thời Phúc Sen cũng là làng nghề đúc rèn duy nhất, với số lượng người làm lớn nhất trong cả nước.

Còn chuyện làng rèn Phúc Sen đúc súng là có thật vào thời gian kháng chiến chống Pháp. Ngỡ như chuyện cổ tích, nhưng quả là vào thời gian đầu của cuộc cách mạng, quân và dân ta dường như chỉ được trang bị vũ khí thô sơ.

Việc chế tác súng kíp, hay vỏ lựu đạn, hoặc nòng pháo súng thần công của những người thợ rèn Phúc Sen quả là rất đáng trân trọng.

Theo ông Long Văn Thông, một thợ rèn ở tuổi 70 nói, những vũ khí này thường đưa lên căn cứ Pác Bó, để chia xuống các đơn vị du kích địa phương. Phúc Sen trở thành công binh xưởng chuyên chế tạo vũ khí như thời nhà Mạc.

Một không khí rạo rực nhưng lại âm thầm suốt ngày đêm. Bởi đây là một căn cứ phải giữ bí mật.

Riêng việc đúc được súng đại bác quả là thành tựu kỳ lạ của dân làng. Bởi việc thu gom được nguyên vật liệu như gang, sắt, thép không dễ. Nhất là công việc làm khuôn chế tác, sau đó mới nói đến chuyện đúc rèn và đạn pháo.

Cả làng có trên một trăm hộ thì đều cử người đóng góp công việc sản xuất ra những khẩu đại bác để gửi lên căn cứ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài của cách mạng.

Ông Thông nói, đây là niềm tự hào của người Nùng An trong lịch sử. Vì thế nghề đúc rèn được nuôi dưỡng qua hàng chục thế hệ, gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay.

Hiện có tới 6/10 thôn trong xã lấy nghề rèn dao búa, liềm, rìu để mưu sinh, ngoài những công việc đồng áng và dệt vải trong mỗi gia đình. Làng nghề luôn đỏ lửa ngày đêm với những vận đơn đặt hàng từ khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Chỉ rèn dụng cụ, không rèn vũ khí

Thực ra cách đây chừng 20 năm, làng Phúc Sen còn nổi tiếng cả trong việc đúc rèn kiếm, mã tấu, và dao găm. Đó là những vũ khí được chế tác từ xưa mà ông cha truyền lại cùng với những việc rèn các công cụ lao động.

Nghề đúc rèn nông cụ có mặt ở khắp mọi nơi chứ đâu chỉ có ở Phúc Sen, nhưng hàng ở đây bao giờ cũng được ưa chuộng, bởi độ bền và chất lượng cao của nó. Nhiều con dao, cái cuốc được dùng cả chục năm vẫn còn tốt.

Đó là tiếng thơm được nhiều người dùng xác nhận. Nhất là cánh lái xe hay truyền tin vì họ đã mua các thanh kiếm được đúc ở đây đem đi các nơi.

Một thời gian dài, trên những nẻo đường quốc lộ 3 hẻo lánh và quanh co đèo dốc, một chiếc kiếm hay mã tấu là vũ khí tự vệ hữu hiệu của cánh tài xế đường xa.

Tuy biết sản xuất vũ khí là trái phép nhưng không ít hộ vẫn bí mật làm hàng để bán. Hàng tốt giá cao. Nhưng sau này hợp tác xã hình thành, việc làm vũ khí bị cấm tiệt, gần hai trăm lò rèn chỉ tập trung làm nông cụ và dao kéo.

Kỳ bí làng rèn Phúc Sen - Ảnh 1.

Các sản phẩm riêng có bày bán ngay đầu làng Phúc Sen.

Đặc biệt có thời dao kéo ngoại xâm nhập chiếm lĩnh thị trường làm chùng nhịp độ sản xuất và tiêu dùng của khách hàng. Một số chủ hàng ở các chợ rút bớt số lượng dao kéo theo hợp đồng.

Có người thì ngừng hẳn vì trục lợi từ hàng ngoại vừa rẻ vừa đẹp. Một không khí nguội lạnh ập đến làm hàng trăm thợ rèn Phúc Sen ngồi chơi xơi nước. Ngỡ như hơn trăm lò rèn sẽ sập tiệm. Lòng người buồn bã sợ cái đói cái nghèo trở lại.

Nhưng rồi ông trời có mắt. Bất ngờ chính một số chủ hàng người Trung Quốc lại tìm đến mua hàng. Họ còn đặt mua với số lượng lớn mang về nước bán.

Đầu tiên không mấy ai tin, nhưng chính những người khách nói, vì dao kéo của Phúc Sen có chất lượng cao và bền hơn cả.

Những chủ hàng ở nhiều chợ sau này mới tá hỏa vì những chiếc dao hàng ngoại nhập chỉ được cái mã, dùng thời gian ngắn là mẻ hay bị quằn lưỡi.

Có nhiều chủ hàng phở ở thành phố Lạng Sơn, Cao Bằng, hay Hà Giang tìm về Phúc Sen mua cả chục con dao chặt xương về dùng dần. Thời buổi lao đao của làng nghề đã trôi qua bởi chính sự trung thực của những người thợ nơi đây.

Ai đến Phúc Sen đều nhớ đến lời nghệ nhân Long Văn Chiến nói: “Sống cho thật mới có hàng tốt”.

Sự cạnh tranh thị trường bao giờ cũng khắc nghiệt. Nhưng chất lượng mặt hàng mới quyết định thị trường. Khách nhớ nhà hàng là ở đó.

Cái dao, cái cuốc, cái rìu, cái kéo phải sắc và không han gỉ. Càng dùng vật dụng càng sáng bóng không bị sứt mẻ. Phúc Sen lại thêm một lần vang danh khắp chốn.

Khi trao đổi với những nghệ nhân bậc thầy ở đây, mọi người mới hay nghề làm rèn ở đây có nhiều bí ẩn mà không mấy nơi có được. Đầu tiên là vật liệu và sau đó là kỹ nghệ tôi luyện thép.

Nghệ nhân Nông Minh Nhật, đã hơn 80 tuổi và là người nổi tiếng trong làng giải thích, thợ ở đây chỉ dùng nhíp ô tô làm dao và các nông cụ khác.

Đó là một loại thép tốt mà công việc rèn đúc cũng đòi hỏi công phu hơn. Nhất là ở khâu tôi lưỡi dao.

Nghệ thuật tôi thép lại trông cậy ở đôi “mắt thần” của người thợ lành nghề. Nhìn màu của thanh thép nung đến độ nào thì rèn được, rèn đến khi nào mới bong hết vảy thép, hay ở mức nào mới nhúng lưỡi dao vào nước tôi...

Tất cả trông cậy vào sự cảm nhận của người thợ bằng kinh nghiệm hàng chục năm làm nghề.

Chính vì sự tuân thủ khắt khe đó của người Phúc Sen mới có những mặt hàng nông cụ bằng thép tốt nhất. Nếu nhìn con dao được bày trên các cửa hàng tại làng nghề, khách hàng sẽ không thấy sự làm dáng hay cầu kỳ về hình thức.

Có chủ hàng quảng bá mặt hàng của mình bằng cách lấy hẳn con dao chặt xương to bản mang ra cắt ngang một tờ giấy mỏng.

Kỳ bí làng rèn Phúc Sen - Ảnh 2.

Hát giao duyên tại Phúc Sen.

Đường dao đi ngọt xớt. Những sợi giấy được chẻ ra thẳng tắp. Họ muốn khoe độ sắc của con dao như thế nào. Sau đó anh ta muốn chứng minh độ cứng của lưỡi dao thép ra sao, bằng cách lấy dao chặt một thanh sắt tròn có đường kính 8 ly.

Chỉ với 2 nhát thanh sắt đã đứt rời nhưng lưỡi dao không bị mẻ. Mọi người quả là thích thú vì được xem cú chặt sắt bất ngờ đó.

Nhưng chưa hết, anh ta còn đưa con dao cho một khách hàng cao lớn để bổ thử một khối gỗ. Người khách hàng vì tò mò cũng ra tay giáng thật mạnh lưỡi dao xuống khối gỗ. Khối gỗ vỡ đôi. Lưỡi dao không hề bị quăn lại.

Thế là dao tốt chứ gì. Chủ hàng tươi cười hỏi mọi người. Đúng là sau đó ai nấy đều xúm vào mua hàng.

Một người đàn ông còn lấy dao của mình ra chặt lại thanh sắt, xem có đúng như anh ta làm không, rồi cười tít mắt vì vớ được con dao tốt về khoe bà xã.

Giờ đây cánh lái xe đã chuyển sang mặt hàng đưa dao kéo Phúc Sen đi các nơi. Bởi ở đây phố hàng không bày bán kiếm, mã tấu, hoặc các loại dao găm nữa.

Không ít các bác tài rỉ tai hỏi mua, hoặc đặt làm nhưng các lò rèn ở đây đều lắc đầu và bao giờ cũng nói, chỗ em chỉ có dao không có kiếm.

Thợ Nùng An không nói chơi mà thực thà như đếm. Họ luôn khắc tên mình vào con dao hay nông cụ khác như một sự bảo đảm về chất lượng hàng và khẳng định thương hiệu Phúc Sen, với lời dân gian truyền tụng rằng: “Dao Phúc Sen chặt cây, cây ngã rầm rầm, đụng vào đất đá, đất đá bật tung lên”.

Quà tặng mùa xuân

Người ta còn nói, dân xã Phúc Sen ham nhiều việc chẳng cứ chỉ có nghề rèn nông cụ. Chả thế, ai cũng biết xã đạt được danh hiệu Chuẩn nông thôn mới cũng bởi từ tính “tham công tiếc việc” mà nên

. Hơn 2.000 người trong xã đều thực hiện chủ trương “3 nhiều” đã được lãnh đạo xã đề ra: “Trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề”.

Họ làm cái gì cũng giỏi cả. Nhưng để đạt Chuẩn nông thôn mới, không chỉ “3 nhiều” là đủ mà dân Nùng An ở đây còn giỏi cả về gìn giữ nền văn hóa truyền thống với bản sắc riêng biệt trong cộng đồng người Nùng.

Từ cách ăn mặc cho đến lễ hội, người Nùng An có riêng một thể hát dân ca Hèo Phưn (Gọi bạn cùng hát). Đặc biệt về trang phục, dân Nùng An tự dệt lấy vải và nhuộm chàm để mặc, với những họa tiết trắng điểm tô hòa sắc.

Trang sức khi đeo vào lễ hội là những đồ bạc trắng, từ vòng nhẫn, khuyên tai, kiềng cổ đến bộ xà ích ở ngang lưng.

Đặc biệt, người Nùng An gần như ăn tết quanh năm. Tháng nào cũng có tết với những ý nghĩa riêng. Đáng chú ý là tết Thanh minh vào tháng Ba.

Lời hát của những bài dân ca Nùng có những nét độc đáo được hát vào tết Thanh minh chủ yếu là hát gọi bạn và tỏ tình. Những bài hát này gắn với một bi kịch về tình yêu của đôi bạn trẻ người Nùng An.

Không lấy được nhau, hai người nguyện cùng chết để tình yêu mãi mãi bất tử. Họ trầm mình trong con lũ lớn tràn về mó nước ở giữa xã Phúc Sen. Từ đó dân làng lập miếu thờ và tôn vinh tình yêu của đôi bạn trẻ.

Ngày lễ hội lớn được tổ chức ngay bên mó nước và trai gái hát đối giao duyên. Lời ca mới thi vị làm sao, bịn rịn mơ màng: “Dòng chảy suốt đêm ngày. Đổ về đây thành suối.

Giờ hai ta xa nhau. Biết ngày nào gặp lại. Hai ba mùa hoa nở. Núi đồi vẫn như xưa. Núi đồi được rực rỡ. Vì đôi lứa chúng mình...”.

Khi kết thúc lễ hội, các cô gái thường tặng bạn trai những chiếc khăn đẹp nhất mà mình đã dệt trong năm. Còn quà của các chàng trai là những con dao tự tay rèn tặng cho người bạn gái mà mình đem lòng mơ tưởng.

Rồi họ lưu luyến hẹn hò, nếu có duyên sẽ gặp lại mùa xuân tới, trong lễ hội tình yêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại