Sau 2 thập kỷ tìm thấy hài cốt người phụ nữ Jōmon ở Hokkaido, các nhà khoa học mới giải mã được bí mật di truyền của bà. Đó là một phụ nữ qua đời khi đã lớn tuổi, tóc đen nhưng mắt nâu, da nhiều tàn nhang, vẻ ngoài rắn rỏi và có tửu lượng rất đáng nể, ngược hẳn với chân dung phụ nữ Nhật Bản chúng ta thấy trước đây.
Bà sinh sống trong thời kỳ Jōmon, hay còn gọi là thời kỳ đồ đá mới Nhật Bản, kéo dài từ năm 10.500 đến 300 trước Công nguyên. Kết quả giám định cho thấy bà đã chết vào khoảng 3.550 đến 3.960 năm về trước.
Điều làm các nhà nghiên cứu ngạc nhiên nhất là bà sở hữu một biến thể gene phổ biến ở 70% người sống ở Bắc Cực, giúp tăng cường khả năng tiêu hóa các thực phẩm giàu chất béo, thứ mà người Châu Á ngày nay không sở hữu.
Nhà nghiên cứu Hideaki Kanzawa, đến từ Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Quốc gia (Tokyo, Nhật Bản), một trong các tác giả, cho biết biến thể lạ lùng kia tiết lộ người Jōmon là những thợ săn thiện nghệ. Họ không chỉ săn bắn động vật trên cạn mà còn đánh bắt cá biển, hải cẩu lông mao, sư tử biển và sư tử biển Steller, cá heo…
Nhiều di tích liên quan tới việc săn bắt các động vật đại dương lớn cũng được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Funadomari (Hokkaido), nơi hài cốt người phụ nữ được tìm thấy.
Khả năng dung nạp rượu lớn cũng là một yếu tố rất đặc biệt vì như nhiều nghiên cứu đã chứng minh, người ở khu vực Đông Á có khả năng dung nạp cồn kém, biểu hiện chính là hiện tượng đỏ mặt xuất hiện rất nhanh dù chỉ uống ít rượu hay thức uống có cồn nhẹ như bia.
DNA kỳ lạ của người đàn bà cho thấy người Jōmon huyền thoại của Nhật Bản đã có sự chia tách với người châu Á lục địa từ khoảng 38.000 đến 18.000 năm về trước. Họ cũng có ráy tai ướt, một đặc điểm quy định bởi một biến thể gene khác biệt với 95% dân số Đông Á, những người có ráy tai khô.
Kết quả phân tích cho thấy cho dù có vẻ ngoài và đời sống khác biệt, người Jōmon vẫn có quan hệ gần gũi với người Nhật Bản ngày nay. Ngoài ra, họ còn là bà con gần của người Ulchi (miền Đông nước Nga), người Hàn Quốc, thổ dân Đài Loan, người Philippines….
"Những phát hiện này cung cấp cái nhìn sâu sắc về lịch sử và tái thiết của các cấu trúc dân số cổ xưa ở phía Đông lục địa Á – Âu" – giáo sư di truyền dân số Naruya Saitou, từ Viện Di truyền học Quốc gia Nhật Bản, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định.
Nghiên cứu sẽ được công bố chi tiết trong ít tuần nữa trên tạp chí khoa học The Anthropological Society of Nippon phiên bản tiếng Anh.