Khoan nước ra... lửa
Tìm về nhà ông Hiến tại thôn Vân Hòa (xã Triệu Hòa) ai cũng biết bởi cái “giếng lửa” cháy mãi không lụi. Chiếc giếng đặc biệt này nằm ngay sát mé nhà cấp bốn khá giản dị, bên cạnh bể nước và một giếng khoan chỉ cách chừng chưa đến 2m.
Ông Hiến bảo, mọi người quen dần với cái ngọn lửa này. Nhưng nhiều khách lạ mới đến cũng hơi... giật mình, đặc biệt đêm tối, lửa lập lòe khiến nhiều người ở xa nhìn cũng ái ngại.
Gọi là “giếng lửa”, bởi nó có thân trụ là chiếc giếng khoan, cắm sâu xuống lòng đất. Duy chỉ đầu trụ thay vì cần đẩy kéo nước, ông Hiến bỏ trống, để dẫn ống khí thông lên và phát ra lửa khi được châm lửa mồi.
Quan sát của PV, lửa có màu xanh vàng, không mùi. Khi cháy cao màu xanh càng rõ. Đặc biệt, ông Hiến lấy gàu múc nước đổ vào, ngọn lửa càng bốc cao và không thể dập tắt.
Theo thống kê của thôn Vân Hòa, từ năm 2008 đến gần đây có hơn 100 người chết, trong đó 41 người chết do bệnh ung thư. Hiện, còn nhiều người mắc ung thư đang nằm chờ chết. Người dân và chính quyền địa phương cho rằng, nguyên nhân có thể vì sử dụng nguồn nước ô nhiễm nặng từ các giếng khoan đã gây ra tai ương cho thôn Vân Hòa.
Hiện tượng kỳ lạ này bắt đầu từ năm 2007 khi gia đình ông Hiến bàn nhau làm cái giếng khoan và thuê một tốp thợ về khoan để lấy nước sinh hoạt.
“Tôi nhớ số tiền công lúc đó là 500.000 đồng, ban đầu cứ nghĩ như bao nhiều nhà khác đã khoan giếng nên chỉ ước thực hiện khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, khi mũi khoan đạt đến độ sâu 10m thì trúng lớp cát trắng, đến chừng 40m thì gặp đá nên buộc phải dừng lại”, ông Hiến kể.
Mọi việc thêm bất thường, phức tạp hơn. Lúc đội thợ lắp đầu bơm vào giếng thì chiếc van da không thể đóng lại. Nhiều người cho rằng chắc chắn bên dưới phải có một luồng khí nào đó khiến chiếc van da bị đẩy lên với áp lực lớn.
Ông Hiến nghĩ bụng nếu là khí thì thử đo bằng lửa. Ông liền lấy bật lửa châm ở miệng giếng. Bất ngờ thay, miệng giếng bốc cháy dữ dội, phụt lên ngọn lửa màu xanh, không mùi, cao khoảng 50cm, làm cháy một mảng tóc trước trán ông Hiến.
Đặc biệt, khi đổ nước vào dập tắt thì ngọn lửa càng cháy dữ dội hơn. “Gia đình cũng phát hoảng vì thế định lấp lại miệng giếng cho an toàn.
Tôi dùng rất nhiều cát đổ xuống giếng ngăn ngọn lửa nhưng đều vô dụng. Lửa chỉ yếu đi chứ không hề tắt”, ông Hiến nói.
Để có nguồn nước cho gia đình, ông Hiến đành phải khoan tiếp giếng khác. Điều lạ giếng khoan này chỉ cách giếng cũ chưa đầy 2m nhưng lại không có hiện tượng phát lửa mà có nước khá bình thường.
Tuy nhiên theo ông Hiến, nước ở giếng này thỉnh thoảng vẫn bị đổi màu do nhiễm phèn chủ yếu dùng để tắm giặt, rửa ráy, còn lại ông vẫn phải mua nước bình về sinh hoạt với giá 12.000 đồng/bình 20 lít.
“Trước giếng lửa, gia đình cũng từng đào một giếng nhưng chỉ sâu 12m, nước đục và có mùi hôi nên phải lấp lại. Với “giếng lửa”, gia đình ông Hiến cải tạo đổ bệ, đặt trụ giếng khoan để đảm bảo an toàn.
Theo người thân của ông Hiến, gia đình thỉnh thoảng sử dụng ngọn lửa này để thử nấu nướng. Phải mất một tiếng nồi nước mới có thể sôi nên mọi người vẫn dùng bếp ga là chính.
“Từ năm 2007 đến giờ, ngọn lửa ở giếng khoan này vẫn bốc cháy, mặc dù tôi có lấp cát nhưng vẫn không có hiệu quả. Tôi rất băn khoăn vì không biết dưới giếng có tầng khí ảnh hưởng đến sức khỏe không.
Thời gian qua, có nhiều đơn vị, cơ quan chức năng đã về xác minh và lấy mẫu đi kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản kết luận chính thức, gia đình tôi cũng như bà con nơi đây vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân”, ông Hiến bày tỏ.
Kỳ bí “giếng lửa”
Theo lãnh đạo UBND xã Triệu Hòa, khi tiếp nhận thông tin, xã đã báo cơ quan chức năng xuống khảo sát, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân.
Đáng kể, tại thôn Vân Hòa này có 240 hộ dân, phần lớn các hộ đều dùng giếng khoan nhưng duy nhất chỉ giếng nhà ông Hiến “chảy ra lửa”.
Ban đầu, nhiều người dân hiếu kỳ đã tập trung về tận nhà ông Hiến để mục sở thị hiện tượng đặc biệt này. Bà Lê Thị Hoa (trú thôn Vân Hòa) cho hay, giếng khoan bốc cháy của nhà ông Hiến là chuyện lạ hiếm gặp, bà con cũng kéo đến xem rất đông nhưng đến giờ tất cả vẫn không rõ giếng cháy vì nguyên nhân gì.
Hiện tượng này thu hút sự quan tâm chỉ đạo của ngành chức năng, địa phương Quảng Trị. Còn nhớ tháng 4/2017, khi trả lời báo chí về “giếng lửa” nhà ông Hiến, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết đã chỉ đạo huyện Triệu Phong kiểm tra, làm rõ vấn đề, tránh gây hoang mang dư luận.
Bà Nguyễn Triều Thương, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cũng thông tin đã yêu cầu các đơn vị liên quan đi kiểm tra giếng khoan kỳ lạ nói trên. Sở TN&MT tỉnh cũng tổ chức các đoàn kiểm tra xuống khảo sát.
Theo ông Hiến, có cả một số chuyên gia, nhà địa chất học cũng tới để tìm hiểu. Nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức về mức độ có hay không việc mất an toàn liên quan đến “giếng lửa” này.
“Thực tế giếng lửa này vẫn có nước ở dưới, trước khi lấp lại, tôi có lấy thử một ít, đưa vào đun thì nước sôi trong vòng khoảng 30 phút. Nhưng cả nhà không ai dám dùng vì sợ có khí độc”, ông Hiến nói thêm.
Trong những ngày qua, PV trực tiếp liên hệ các cơ quan chức năng Sở TN&MT, Sở Khoa học công nghệ, đến Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường và tiếp tục sang cả Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Trị... nhưng hầu hết không nhận được câu trả lời do lãnh đạo các đơn vị này bận họp, đang đi công tác hoặc không nắm rõ sự việc.
Theo nhận định của ông Giám đốc Sở TN&MT Quảng Trị Nguyễn Trường Khoa, đây có thể là một vùng trũng bị bồi lấp.
Động, thực vật bị bồi lấp sinh khí metan. Dòng khí metan ở dưới lòng đất bị tác động bởi việc khoan đào đi theo ống giếng khoan bốc lên là nguyên nhân khiến giếng nước gặp lửa thì bốc cháy.
Ông Khoa cho rằng: “Hiện tượng này hết sức bình thường, dòng khí yếu nên không thể đưa vào khai thác và người dân cũng không nên lo lắng”.