Kỳ 1:Ngọn lửa tàn độc ở Mỹ Đình Đáy bể mò kim
Kỳ 2: Cuộc truy xét dày công
Kỳ 3: Sự im lặng của lửa
Nghi can lộ diện
Trở lại lần này, với giả thuyết chính Nguyễn Thị Thuận - em dâu của nạn nhân, là mẹ của bé Kiên là kẻ giấu mặt trong đám cháy, vấn đề là phải tìm chứng cứ đủ sức thuyết phục để đặt lên bàn, chứng minh tội ác của thị. Tìm hiểu về người đàn bà này, tôi được biết Thuận là "thiên kim tiểu thư", con một quan chức đầu ngành thuế tại Yên Bái.
Với gia thế và tiền của, chắc chắn việc "đụng" vào thị không phải chuyện dễ dàng. Nếu "non" chứng cứ bắt người, việc bị kiện ngược là điều có thể nhìn thấy trước. Bởi thế, tôi tâm niệm phương châm "kiên quyết tấn công tội phạm, nhưng cũng phải tích cực tự bảo vệ mình", cố tránh những hớ hênh, sai sót để đối thủ lợi dụng, phản công.
Khó khăn khách quan lớn nhất đối với tôi lúc này là vụ án đã trôi qua gần 1 năm, với những dấu vết tại hiện trường đã bị xáo trộn và tiêu huỷ hoàn toàn trong đám cháy và hoạt động cứu hoả, lại không hề có nhân chứng… Đó thực sự là tình huống "điều tra chay", vì không có sự bổ trợ từ các chứng cứ vật chất để chứng minh tội phạm. Tuy nhiên, vì yêu "bộ môn" điều tra, thích thử sức trong những việc khó, nên "đầu bài" này càng kích thích tôi vào trận với niềm hưng phấn cao độ.
Cơ quan ANĐT đang nghiên cứu tài liệu thu thập được (ảnh minh họa)
Thuận thì biết rồi, còn kẻ "được xui đổ xăng" tên Diệp là ai? Nếu thông tin của bé Kiên mà đúng, thì tên này có vai trò là người thực hành, tức kẻ trực tiếp phóng hoả thiêu sống cả nhà anh Hưng. Do đó, tên này sẽ là "nút thắt", hay "đột phá khẩu" quan trọng số 1 của chuyên án này. Bắt được y, mới có tài liệu phản ánh về vai trò chủ mưu của Thuận. Không có tên này, chắc chắn Thuận sẽ "cãi bay cối đá" và kiện ngược.
"Phác đồ" của tôi là đầu tiên phải dựng bằng được người có tên là "Diệp". Nhưng tìm y thế nào đây? Qua nhiều lần tiếp xúc với bé Kiên để hỏi về Diệp, tôi thấy không trông cậy được gì từ thằng bé này nữa, vì chẳng có thêm thông tin nào mới. Có hôm, phòng CSHS được giới thiệu là "trường học của bác Hiếu", các anh lãnh đạo trong vai các thầy giáo để hỏi chuyện bé Kiên. Thằng bé khai ra một đống biển số xe ô tô của "chú Diệp", mà chủ yếu là biển ngoại tỉnh.
Cuộc điều tra lần theo các biển số xe theo lời thằng bé trở nên "tướt bơ", vì cứ vài hôm nó lại thẽ thọt "cho ra" một biển số xe khác. Chỉ huy của tôi đận ấy cứ gọi là phải ký mỏi tay các yêu cầu tra cứu thông tin phương tiện cơ giới! Mãi về sau, sau quá nhiều thông tin "ất ơ" của Kiên, mới phát hiện ra lý do là vì hàng ngày cậu ta hay đứng ở cửa nhà xem các xe ra vào bãi đỗ bên kia đường, lại đang tuổi học đọc, học đếm những chữ số đơn giản, nên cứ hồn nhiên kể cho bác Hiếu nghe!.
Để tìm Diệp, tôi cất công lặn lội các nơi, bí mật dựng danh sách đồng nghiệp, bạn bè ngoài xã hội, người nhà, bạn học phổ thông, đại học, các lớp ngoại ngữ, văn bằng 2… mà Thuận đã theo học, để tìm người mang cái tên này. Hồ sơ dày cả gang nhưng tuyệt nhiên không hề có ai.
Việc mãi không trôi, một hôm nét mặt anh Hải có vẻ rất căng thẳng, bảo tôi: "Này, ngồi lên lưng hổ rồi nhé! Tin mồm thằng trẻ con, không khéo chết cả nút!". Rồi anh kể, Bộ trưởng Bộ Công an đã nghe Giám đốc Công an thành phố báo cáo là Phòng hình sự đang lật lại hồ sơ vụ giết đốt Mỹ Đình vì có manh mối mới. Bộ trưởng đã chỉ đạo bằng mọi giá phải làm rõ vụ này.
Họp án, những khuôn mặt trĩu nặng lo âu. Tôi cũng thoáng hoang mang, nhưng rồi đứng dậy "lên dây cót ngược" cho các "đại ca": "Các anh yên tâm, em có niềm tin trận này sẽ ra. Vấn đề là cái tên Diệp chưa chắc đã chính xác vì bé Kiên còn nói ngọng. Theo em nên mở ra người có âm tiết "iệp" có quan hệ với Thuận, như Hiệp, Điệp, Tiệp…". Tất nhiên là chỉ huy đồng ý, miễn là tìm được ra người có liên quan đến vụ án, còn làm thế nào là việc của chú mày!
Lại bới danh sách quan hệ của Thuận để "soi". Vẫn không có gì. Cứ vài ngày, chỉ huy lại yêu cầu tôi viết báo cáo tiến độ công tác. Không có gì để nói thì chết, vì chính tôi đề xuất lật lại vụ án, kéo cả đơn vị vào cuộc từ những chuyện rất… "trên trời". Không muốn ai vì mình mà bị liên lụy, nên tôi đã dành toàn bộ thời gian, sức lực cho trận đánh còn rất mơ hồ này.
Trong lúc ấy, những biện pháp trinh sát chuyên sâu khác cũng đã được áp dụng với Thuận, với hy vọng tìm ra manh mối hay những quan hệ bí ẩn nào đó. Hàng chồng tài liệu được chuyển về. Đêm nào tôi cũng thức đến gần sáng để đối chiếu, so sánh… thức liên tục cho đến ngày phá án. Tôi chợp mắt ngủ bù ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào rảnh tay. Khả năng ngủ đứng, ngủ ngồi, nhất là ngủ ngay lập tức khi vào ôtô, có được chính từ thời gian này!
Đào Trung Hiếu
Thời gian này, "cộng sự" nhiệt tình của tôi chính anh Tuấn (chồng Thuận). Đau xót trước sự ra đi của gia đình người anh trai, mong muốn làm rõ sự thật vụ án đã dẫn Tuấn đến gặp chúng tôi. Khi tái khởi động cuộc điều tra, bất cứ khi nào cần thông tin về Thuận, Tuấn đều sẵn lòng hỗ trợ tìm kiếm, vì hơn ai hết, anh biết các quan hệ của vợ mình. Một hôm tôi hỏi anh về ngôi nhà mới xây của mình cạnh hiện trường do ai quản lý, sử dụng thế nào. Tuấn nói Thuận đã cho sinh viên trọ học thuê từ lâu.
Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu (Hieubaocand@gmail.com)
Tôi giật mình, yêu cầu Tuấn cho biết tất cả những người đã thuê ngôi nhà này kể từ lúc bắt đầu. Cũng may là Tuấn lưu lại được số máy của một nữ sinh tên là H. (người Uông Bí), trước đây đã từng thuê trọ tại đó. Khi dò hỏi về nam giới cùng thuê trọ ở nhà Thuận, thì H. nhớ ra có một cậu sinh viên tên Tiệp, hơn 20 tuổi, là đồng hương của Thuận, đâu như học nghề nấu ăn tại Hà Nội. Tiệp đã ở nhà Thuận cho thuê vài tháng sau khi vụ án xảy ra, giờ đã chuyển đi đâu không rõ.
Thông tin quý hơn vàng, tôi linh cảm người này có liên quan vì thoả mãn mấy dấu hiệu: tên có âm "iệp", là đồng hương Yên Bái với Thuận, từng ở cạnh hiện trường…Vấn đề là tìm Tiệp ở đâu vì không ai biết mặt hay công việc của anh ta. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định bám vào chi tiết "học nghề nấu ăn ở Hà Nội".
Tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin, được biết tại Hà Nội có tới cả chục cơ sở dạy nghề nấu ăn. Lấy tọa độ hiện trường vụ cháy làm tâm, tôi mở bán kính ra những cơ sở đào tạo gần nhất, vì nhận định việc thuê trọ của sinh viên ngoại tỉnh sẽ không cách quá xa nơi học.
Như một sự "dun dủi" hay "đưa đẩy" nào đó, giữa Hà Nội 7-8 triệu dân và người ngoại tỉnh nhập cư mà tôi lại chọn điểm đến đầu tiên là trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội ở số 236, đường Hoàng Quốc Việt. Sáng ấy, tôi chở cô giáo Nga (giảng viên khoa Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân đang đi thực tế tại đội) xuống thẳng trường này. Lấy lý do tìm bị hại trong một vụ cố ý gây thương tích, chúng tôi được cán bộ phòng quản lý học viên cho xem tất cả hồ sơ sinh viên các lớp học nấu ăn.
Tìm từ sáng đến trưa vẫn không thấy gì. Chán ngán, chúng tôi chào họ rồi ra bãi lấy xe để về cơ quan. Thế nào mà trong lúc trả vé, tự dưng tôi hỏi người bảo vệ rằng ngoài các lớp chính quy, trường này còn hệ đào tạo nào khác không. Anh trông xe nói còn có hệ liên kết với các địa phương. Bỏ cả xe, tôi kéo Nga tức tốc chạy trở lại phòng quản lý học viên. Lúc này đã gần 12h trưa. Thấy chúng tôi quay lại, bà giáo vụ sa sầm mặt mày rồi miễn cưỡng mở tủ lấy ra hàng chồng hồ sơ tuyển sinh đặt lên bàn, rồi đứng bên cạnh quan sát, chờ đợi để cất đi.
Mắt tôi lướt nhanh rồi đọng lại ở chiếc hồ sơ thứ 15, mang tên Hoàng Hải Tiệp, sinh 1980, quê thị trấn Cổ Phúc, Trấn Yên, Yên Bái. Lấy vẻ mặt thản nhiên, tôi mở hồ sơ này ra. Trong lúc nheo mắt đọc theo kiểu chụp thông tin trên tờ lý lịch sinh viên, thì cái ảnh chân dung của anh ta đã bong ra và rơi gọn vào ống tay áo của tôi, trước cặp mắt tròn xoe ngạc nhiên của cô giáo đồng nghiệp!. Xong, tôi xem thêm vài hồ sơ nữa rồi nói với vẻ ngao ngán: "không có đâu" rồi cảm ơn nhà trường đã giúp đỡ.
Trở lại bãi gửi xe, thấy tôi cứ tủm tỉm cười, Nga ngơ ngác nom đến là tội. Vì tính chất đặc biệt quan trọng của chuyên án, tất cả những người không có trách nhiệm, kể cả cùng Đội, cũng không được phép biết công việc của tôi. Cho đến lúc ấy, Nga vẫn tưởng tôi đang đi xác minh vụ đánh nhau thật.
(Còn nữa)