Kỳ án gỗ trắc tang vật bị đem bán sẽ kết thúc sau 7 năm?

LAM CHI |

Ngày mai (14.8), theo kế hoạch, Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Đà Nẵng mở phiên xử sơ thẩm lần thứ 4 đối với vụ án “Buôn lậu”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và TP. Đà Nẵng.

5 bị cáo trong đó có 2 vợ chồng doanh nhân và 3 bị cáo là cán bộ Hải quan tiếp tục đặt câu hỏi: Liệu đây đã là phiên tòa cuối cùng để họ kết thúc 7 năm dằng dặc mất quyền công dân?

Kỳ án gỗ trắc tang vật bị đem bán sẽ kết thúc sau 7 năm? - Ảnh 1.

Phiên xử sơ thẩm lần thứ 3 tại TAND thành phố Đà Nẵng. Ảnh: P.V

Như Lao Động đã nhiều lần phản ánh, vụ án trên 600m3 gỗ trắc do Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào về Việt Nam bị Tổng cục Hải quan và C44 Bộ Công an khởi tố từ năm 2011.

Trải qua 3 lần xử sơ thẩm tại TAND TP. Đà Nẵng, vụ án đều phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Đáng chú ý là trong khi vụ án chưa kết thúc điều tra, lô gỗ trắc tang vật đã bị đem bán đấu giá.

Theo kế hoạch, vụ án này sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm lại lần thứ 4 tại TAND TP.Đà Nẵng từ ngày 14 đến 22.8.2018. Có 2 bị can bị truy tố tội buôn lậu là vợ chồng doanh nhân Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung (phó giám đốc, giám đốc Cty Ngọc Hưng) và 3 bị can bị truy tố tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm Đỗ Danh Thắng (Hải quan Đà Nẵng) và Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành (Hải quan Quảng Trị).

Cáo trạng số 66/CT-VKSTC ngày 14.5.2018, VKSTC đã kết luận: “Hành vi của các bị can Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung đã vi phạm vào Khoản 1, Khoản 8 Điều 2 Thông tư số 93/2010/TT-BTC ngày 28/6/2010 của Bộ Tài chính”.

Trước đó, kết luận điều tra bổ sung cho lần xử thứ 4 này đề ngày 16.3.2018 của C44 Bộ Công an đã xuất hiện một tình tiết mới: "Tổng cục Hải quan ngày 16.3.2018 đã có kết luận giám định nêu Cty Ngọc Hưng đã khai thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp là 772.189.773 đồng và khai thiếu số tiền thuế xuất khẩu phải nộp là 1.080.109.150 đồng".

Thông tư số 93/2010/TT-BTC ngày 28/6/2010 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn xác định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, là Thông tư quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, trong đó có lĩnh vực Hải quan.

Một luật sư trong nhóm bào chữa của vụ án cho rằng, với kết luận giám định này thì Cty Ngọc Hưng đã có hành vi vi phạm quy định về khai hải quan và khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế GTGT và số tiền thuế xuất khẩu; nó thuộc phạm vi điều chỉnh hành chính trong lĩnh vực hải quan

Liên quan đến vấn đề quan trọng của vụ án này là tang vật gỗ trắc bị đem bán khi vụ án chưa kết thúc điều tra, tin từ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị ngày 13.8 cho biết, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao (KSTC) Trần Công Phàn đã ký các công văn 1713/VKSTC-V1 ngày 2.5.2018 và 2259/VKSTC-V1 về việc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về vụ án "buôn lậu gỗ trắc".

Theo đó, Viện KSTC cho rằng: "Qua nghiên cứu, thẩm tra tài liệu, hồ sơ vụ án, Viện KSTC nhận thấy, việc xử lý vật chứng, bán đấu giá lô gỗ trong giai đoạn điều tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại