Những câu kết luận nói trên do cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra được đọc đi, đọc lại trong các phiên tòa xét xử anh Vi Văn Phượng (sinh năm 1968) vẫn ám ảnh từng người thân trong gia đình Phượng cho đến tận bây giờ.
Ký ức về một câu chuyện đau lòng và rúng động cả vùng quê nghèo cách đây hơn 5 năm cũng vẫn chưa hề nguôi với những người dân nơi đây.
Bài 1: Buổi trưa định mệnh
Thảm án ở thôn Hòn Ngọc
Anh Vi Văn Phượng là con trai út trong gia đình. Ngày xưa có câu: “nghèo con út, khó con út” và có lẽ cũng chính vì thế, bà Nguyễn Thị Vui chọn anh Phượng để dựa dẫm nốt trong những năm tháng cuối đời.
Anh Phượng nghèo thật, cả gia đình 7 người sống chung trong một căn nhà cấp 4 nằm chênh vênh giữa lưng con đồi thuộc thôn Hòn Ngọc, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Bà Vui hơn 70 tuổi, đã nhiều năm bà bị mù lòa, không nhìn thấy thế giới xung quanh. Tài sản đáng kể của bà là đôi khuyên tai bằng vàng trị giá hơn 2 chỉ.
Hai vợ chồng với 4 đứa con anh Phượng sống bằng nghề nông mãi ở đất này, thấy khó có thể giàu lên được, trong khi Tam Dị là vùng đất xuất ngoại đi lao động nước ngoài nên vợ chồng anh Phượng cũng nghĩ cách đi nước ngoài làm thuê.
Nhưng nghĩ còn con cái, mẹ già nên anh Phượng quyết định chị Mai sẽ là người đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền nuôi cả nhà.
Tiền nong không có, vợ chồng anh Phượng phải vay mượn khắp nơi để đủ hơn 200 triệu đồng đóng cho đơn vị môi giới. Bà Vui thấy vợ chồng con trai mượn tiền thì cũng đưa đôi bông tai cho người con, bảo bán đi khi nào có trả bà cũng được.
Bí tiền, anh Phượng cũng đành lấy đi bán. Xong vụ lo đủ tiền cho vợ, chị Mai bay sang Đài Loan còn anh Phượng ở nhà chăm mẹ già và lo cho các con học hành.
Chị Mai đi được hơn một năm thì bất ngờ vào một buổi trưa tháng 10/2012, bà Vui bị phát hiện đã bị chết ngay trên chiếc giường của mình với nhiều vết dao chém ở cổ, vai, mặt.
Khi những nhân chứng đầu tiên có mặt, tại hiện trường mọi người chỉ thấy có duy nhất người con trai Vi Văn Phượng đang khóc lóc thảm thiết bên cạnh thi thể của bà.
Lực lượng công an cũng nhanh chóng có mặt tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và xác định bà Vui bị giết chết bởi nhiều vật sắc nhọn.
Ngay lập tức, cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án giết người ở thôn Hòn Ngọc. Một thời gian sau đó, cơ quan công an tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can.
Rất bất ngờ với nhiều người dân xung quanh và cả những người trong gia đình bà Vui, người bị khởi tố tội giết người lại là Vi Văn Phượng, con trai út và là người đang nuôi dưỡng bà Vui.
Các tình tiết hoàn hảo
Theo kết quả điều tra và xét xử mà các cơ quan tố tụng địa phương này đưa ra, thì khoảng 5 giờ sáng ngày 5/10/2012, Vi Văn Phượng dậy dọn dẹp nhà cửa cùng lúc đó bà Vui cũng dậy vệ sinh cá nhân và tập thể dục.
Phượng ăn sáng xong thì gọi con út của Phượng là Vi Văn Hồ ( đang học cuối cấp trung học cơ sở) tới đưa cho 40 nghìn đồng để mua mì tôm cho hai bà cháu ăn sáng sau đó cầm xẻng lên xe máy đi làm.
Hồ mua 2 gói mì tôm, số tiền còn lại để dành ăn trưa ở trường và nấu mì để hai bà cháu cùng ăn rồi đi học. Lúc Hồ đi học là khoảng 6 giờ 30 phút, khi đi Hồ vẫn nhìn thấy bà Vui đang dựa lưng vào thành giường, ăn được một nửa bát mì.
Phượng sang nhà anh Lăng Đức Mạnh ở cùng thôn để cùng nhau đến nhà bà Nguyễn Thị Liệu ở thôn Đông Thịnh, xã Tam Dị để san nền thuê.
Hơn 9 giờ, sau khi san nền xong và được bà Liệu trả tiền công, anh Mạnh lại rủ Phượng đến nhà Lê Quang Trường ở thôn Trại Đáng để nhận việc cho buổi chiều.
Thỏa thuận xong cũng là lúc hơn 10 giờ, anh Trường mời cả hai người ở lại ăn cơm trưa cùng gia đình. Hơn 11 giờ, khi con trai anh Trường chuẩn bị đi học thì bữa cơm cũng tan, Phượng xin về trước để nấu cơm cho mẹ già.
Trước khi về, Phượng không quên dặn anh Mạnh là chiều sẽ quay lại đồng thời để lại chiếc xẻng rồi dắt xe ra về.
Đến ngã ba gần nhà, Phượng tạt vào mua thêm 2 gói mì tôm tại quán nhà chị Bùi Thị Tuyến. Câu ra, câu vào, Phượng kể lể câu chuyện với chị Tuyến về hoàn cảnh gia đình vất vả, đi làm về còn phải chăm nuôi, phụng dưỡng mẹ già.
Khi về đến nhà là khoảng 11 giờ 15 phút, Phượng thấy bà Vui vẫn nằm úp mặt vào tường. Phượng cởi bỏ “áo sơ mi trắng đục bên ngoài” và quyết định hành vi phạm tội.
Phượng vào góc buồng lấy con dao quắm (dài khoảng 1,2 mét) thường dùng để phát cành vải rồi ra cạnh giường bà Vui. Phượng giơ dao chém liên tiếp nhiều nhát từ trên xuống vào vùng cổ, mặt, vai.
Chém xong, thấy máu ở người bà Vui phun ra nhiều nên Phượng hoảng sợ, mang dao dựng ở chỗ cũ rồi lột bỏ chiếc áo lót đang mặc vắt lên thang gỗ dựng ở góc nhà và lấy một chiếc áo cộc màu xanh sẫm để mặc.
Phượng ngồi suy nghĩ và trấn tĩnh khoảng 4-5 phút sau đó quay vào lật người bà Vui xem đã chết hay chưa. Xác định là bà Vui không còn sống, Phượng lấy điện thoại gọi cho anh trai là Vi Văn Sáng, công an viên ở thôn Hòn Ngọc là anh Đinh Văn Dung, trưởng thôn Hòn Ngọc là Lý Văn Thường, chú họ là Vi Văn Thắng cùng các con của Phượng đang ở xa báo việc bà Vui bị người khác giết chết.