Kỳ 1: Lần tìm đường dây ‘cò’ đất mộ trong rừng đặc dụng

Lê Kông |

Vào vai một người có nhu cầu tìm đất để cải táng mộ do giải phóng mặt bằng, PV đã giáp mặt với một tay ‘cò’ đất mộ trong rừng đặc dụng có tiếng...

Người Việt Nam vẫn có câu: “mồ yên mả đẹp”, ý nói coi trọng sự chu đáo trong việc chôn cất người đã khuất. Vậy nên, họ quan niệm an táng người chết phải chọn địa thế ở nơi phong thủy đẹp, cát lợi, cát hà, hòng tránh được các tai ương ngoài ý muốn và mang phước lộc cho người sống.

Tại Thừa Thiên- Huế, ở những khu đồi phía Tây Nam thành phố, bấy lâu nay không ít người vẫn coi đây là địa điểm lý tưởng để chôn cất người thân đã khuất.

Bởi khu vực này, phong cảnh khá hữu tình với những đồi thông vi vu gió mát, trên sơn dưới thủy và cũng là nơi thường được các vua, chúa trước kia chọn nơi yên nghỉ cuối đời.

Tuy nhiên, những khu đồi ấy, nay đã là các khu rừng thông đặc dụng được bảo vệ một cách nghiêm ngặt bởi công ty lâm nghiệp. Mọi hành vi chặt phá, lấn chiếm, kể cả xây dựng lăng mộ đều nghiêm cấm.

Kỳ 1: Lần tìm đường dây ‘cò’ đất mộ trong rừng đặc dụng - Ảnh 1.

Không khó để bắt gặp những ngôi mộ đất mới lập như thế này trong rừng đặc dụng...

Thế nhưng, từ lâu, tình trạng lập mồ mả trái phép vẫn diễn ra thường xuyên khiến các lực lượng chức năng bảo vệ rừng phải đau đầu đối phó.

Có mặt tại một số khu vực rừng thông cảnh quan đặc dụng nằm trên địa phận 3 địa phương: TP Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà do Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Viết tắt: Công ty LN Tiền Phong –PV) quản lý, chúng tôi ghi nhận rõ thực trạng này.

Không khó để phát hiện, ẩn trong những hàng thông cao lớn là rất nhiều ngôi mộ đủ loại, cổ xưa rêu phong bám, mới xây còn màu vữa đến những ngôi mồ bằng đất mới lập… Tại khu vực rừng ở xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) có thể thấy, mồ mả xuất hiện khắp mọi nơi.

Một cán bộ bảo vệ rừng của Công ty LN Tiền Phong chia sẻ với PV, việc xuất hiện mồ mả trong rừng thông đặc dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ngoài mất cảnh quan bởi công tác xây dựng thì việc người thân đến cúng bái thắp nhang, đốt vàng mã có thể gây cháy rừng vào mùa nắng nóng.

Với những nguy cơ tiềm ẩn như vậy nhưng tại sao tình trạng mộ mới vẫn xuất hiện trong các cánh rừng? PV báo điện tử Người Đưa Tin đã vào cuộc để tìm câu trả lời.

Từ các nguồn tin, PV được biết, những ngôi mộ mới được dựng lên thường có sự tiếp tay của một số đối tượng môi giới. Nhiều người vẫn gọi họ là ‘cò’ đất mộ, nghĩa là ai có nhu cầu tìm kiếm đất để dựng mồ mả thì cứ liên hệ với những người này. Họ thường là người địa phương, bình thường làm các nghề như xây dựng lăng mộ, bốc hài cốt…

Trong vai một người đi tìm mua đất để cải táng người thân, PV dạo quanh khu vực thuộc thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế), hỏi người dân tìm chủ bán đất.

Lần tìm cả buổi sáng, điều mà tôi nhận được chủ yếu là những cái lắc đầu, từ chối. Nhưng đến gần trưa, khi đang ngồi uống nước ở quán ven đường, qua câu chuyện tôi trình bày, một người đàn ông luống tuổi mách nước tôi tìm về gặp lão Tr., nghe đâu là một ‘cò’ đất mộ có tiếng.

Nhà lão Tr. nằm gần con đường đi lên lăng vua Khải Định. Từ xa, ngôi nhà khá khang trang đang xây dựng của lão mọc lên nổi bật. Lão có dáng người gầy guộc, nước da đen nhẻm, trông khá luộm thuộm trong chiếc quần nhiều túi và bộ áo màu xanh bộ đội quá khổ.

Khác với sự phỏng đoán về việc có thể vấp phải sự dè chừng từ lão nhưng khi tiếp xúc, lão rất tự tin và am hiểu về các kiến thức liên quan đến cải táng mộ.

Tôi nói với lão nhà ở dưới Phú Mỹ (huyện Phú Vang), vừa rồi khu nghĩa trang giải phóng mặt bằng gia đình 12 ngôi mộ vướng phải di chuyển nên buộc đi tìm khu đất mới để cải táng.

Lão cười bảo, dưới biển Thuận An còn tìm tới lão chứ ở Phú Mỹ nhằm nhò gì. Sau một hồi nhẩm tính gì đó, lão gật gù nhớ ra một khu vực có thể đáp ứng nhu cầu của tôi đề ra. Với cái giọng nghe khàn khàn, lão cho hay, khu vực đất này cao ráo, đẹp và xung quanh có cây cối với bờ đồi thoai thoải.

Tiếp đó, lão ra điều kiện, ngoài việc cung cấp đất, “đội” của lão sẽ lo từ A đến Z việc di dời 12 ngôi mộ và xây lên thành mộ hoàn chỉnh. Về chi phí, cải táng xong lão ra giá 3 triệu đồng một ngôi, tổng 12 ngôi là 36 triệu đồng. “Đồng ý thì tui dẫn đi coi đất”, lão nói nhát gừng.

Sau hồi có vẻ ngập ngừng, tôi gật đầu đồng ý. Chạy xe máy qua đường vành đai, tôi theo lão tiến sâu vào khu vực ít người qua lại.

Leo dốc men theo lối mòn đất đỏ, chúng tôi hướng về một bãi đất trống bao quanh là những hàng thông đang lớn, thấp thoáng đâu đó là đôi ba ngôi mộ đất nằm cô quạnh… Tất cả lọt thỏm giữa khu rừng đặc dụng tươi tốt…

(Còn nữa)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại