KTS Đoàn Hữu Kiên: Kiến trúc sẽ trở nên hời hợt nếu kiến trúc sư chỉ quan tâm tới việc giải quyết những nhu cầu tức thời

Lam Anh |

"Khi mới bắt đầu bước vào nghề, tôi thường phải tìm chỗ đứng của mình giữa hai giải pháp cực đoan: hoặc trở thành một nghệ thuật gia chỉ tập trung vào sự sáng tạo của chính mình, hoặc đáp ứng chính xác nhu cầu của khách hàng và người dùng. Nhưng sau nhiều năm làm nghề, quan điểm của tôi đã thay đổi." - KTS. Đoàn Kiên chia sẻ.

Đứng từ góc độ của những người ngoài ngành, kiến trúc sư là một nghề hái ra tiền. Người ta dành cho nghề kiến trúc sư nhiều lời hoa mĩ, ví von như những nhà toán học mang tâm hồn bay bổng, lãng mạn. Nhưng có lẽ chỉ người trong nghề mới thấm, muốn sống với nghề, các kiến trúc sư cần đòi hỏi sự chính xác trong từng phép tính, sự cân bằng hài hoà với khối óc thẩm mỹ để cho ra đời những sản phẩm kiến trúc đẹp, có tỉ lệ vàng và an toàn, tiện lợi cho người sử dụng.

Có thể nói, với nghề kiến trúc sư, quá trình sáng tạo và dựng xây một sản phẩm mang đậm tính cá nhân nhưng vẫn đầy sắc thái - dù kết quả chung vẫn là làm thế nào để kiến tạo thành dự án hoàn chỉnh từ "một gia đình của các chi tiết".

Trong quá trình gần một thập kỷ gắn bó với nghề kiến trúc sư cùng kinh nghiệm và trải nghiệm làm việc tại nhiều công ty kiến trúc hàng đầu thế giới và Việt Nam, KTS. Đoàn Kiên (tên đầy đủ là Đoàn Hữu Kiên) đã có những chia sẻ xoay quanh nghề thiết kế.

KTS Đoàn Hữu Kiên: Kiến trúc sẽ trở nên hời hợt nếu kiến trúc sư chỉ quan tâm tới việc giải quyết những nhu cầu tức thời - Ảnh 1.

Nghề kiến trúc mang lại những tác động tích cực và dài hạn đối với con người, xã hội

Không biết anh Kiên đã bén duyên với nghề này như thế nào? Điều gì đã khiến anh ở lại với nghề lâu như vậy?

KTS Đoàn Hữu Kiên: Kiến trúc sẽ trở nên hời hợt nếu kiến trúc sư chỉ quan tâm tới việc giải quyết những nhu cầu tức thời - Ảnh 2.

Từ khi còn đứa trẻ, tôi đã rất thích vẽ. Những bức vẽ bấy giờ là những gì gần gũi với tôi hàng ngày, những hình ảnh thú vị tôi vô tình bắt gặp ở đâu đó trên đường phố Hà Nội, hay những công trình trong tấm postcard ông nội tặng tôi khi ông đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài về. Đó dường như cũng là sự khởi đầu cho định hướng nghề nghiệp của tôi sau này.

Tôi thi đỗ vào trường đại học kiến trúc Hà Nội với niềm đam mê nghệ thuật, kiến trúc và mong muốn thực hiện những công trình đẹp phục vụ nhu cầu của con người.

Công việc của một kiến trúc sư đồng thời là người chủ trì, quản lý công trình không hề dễ dàng. Nghề kiến trúc và xây dựng nói chung cũng chịu nhiều tác động trực tiếp của suy thoái kinh tế, sự sụt giảm thị trường bất động sản... Nhưng tôi cho rằng đây là một nghề mang lại những tác động tích cực và dài hạn đối với con người và xã hội, vì vậy chưa bao giờ thay đổi đam mê và sự theo đuổi đối với nó.

Ai là người đã truyền cảm hứng cho những thiết kế của anh?

Tadao Ando là vị kiến trúc sư mà tôi ngưỡng mộ từ lâu. Phong cách kiến trúc của ông là phong cách tối giản, những công trình của ông luôn có sự gần gũi và liên kết giữa con người và thiên nhiên.

Quan điểm thiết kế của anh là gì ạ? Có điều gì từng là quan điểm nghề nghiệp của anh nhưng rồi thay đổi không?

KTS Đoàn Hữu Kiên: Kiến trúc sẽ trở nên hời hợt nếu kiến trúc sư chỉ quan tâm tới việc giải quyết những nhu cầu tức thời - Ảnh 3.

Khi mới bắt đầu bước vào nghề, tôi thường phải tìm chỗ đứng của mình giữa hai giải pháp cực đoan: hoặc trở thành một nghệ thuật gia chỉ tập trung vào sự sáng tạo của chính mình, hoặc đáp ứng chính xác nhu cầu của khách hàng và người dùng.

Nhưng bây giờ tôi lại thấy rằng, trước nhất bản thân phải là một kiến trúc sư giỏi đã. Phải biết tự tin vào kiến thức và kinh nghiệm của mình. Kiến trúc sẽ trở nên vô cùng hời hợt nếu kiến trúc sư chỉ quan tâm tới giải quyết những nhu cầu tức thời, thực dụng, thậm chí liên tục thay đổi của khách hàng.Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ 2, đối với kiến trúc nhà ở, điều cốt lõi cần phải chú ý nhất không phải là diện mạo đẹp mắt, hay công nghệ tiên tiến, mà chính là con người là trung tâm.

Con người sinh sống, chuyển động, sử dụng trong cái không gian kiến trúc đấy như thế nào? Thậm chí, qua thời gian khi sử dụng ngôi nhà, nhu cầu, tâm sinh lý con người sẽ thay đổi như thế nào?

Những câu hỏi đó, tôi luôn tự đặt ra cho bản thân để dự đoán, đi tìm, nắm bắt được câu trả lời phù hợp, từ đó trở nên nhạy cảm hơn trong sáng tác kiến trúc, có tính dẫn hướng, góp phần giúp định hình lối sống hiện đại, thoải mái hơn, hiệu quả hơn cho khách hàng và gia đình của họ.

Một không gian sống tốt sẽ mang lại cảm giác thân thiết, luôn khiến người ta đi đâu cũng sẽ muốn quay trở về. Rất nhiều công trình hiện đại đang thiếu đi điều quan trọng này.

Dù một ngôi nhà đẹp cỡ nào, nhưng nếu bạn không cảm thấy mình là một phần của nó, thì đó cũng chỉ là một nơi lạnh lẽo mà thôi.

Căn hộ Vinhomes Gardenia được KTS Đoàn Kiên thiết kế với phong cách tối giản nhưng vẫn đầy đủ công năng.

Bản năng của kiến trúc sư là sự bay bổng nhưng con người vẫn luôn là cốt lõi

Khi triển khai thiết kế và thi công một công trình, vấn đề nào được anh xem là quan trọng nhất?

Trong thiết kế và thi công, có 3 vấn đề tôi luôn đặt lên hàng đầu. Một là, sự cân bằng giữa thẩm mỹ và công năng. Hai là, chất lượng của công trình xây dựng. Ba là, tiến độ thiết kế và thi công đảm bảo đúng cam kết với khách hàng tới từng ngày.

KTS Đoàn Hữu Kiên: Kiến trúc sẽ trở nên hời hợt nếu kiến trúc sư chỉ quan tâm tới việc giải quyết những nhu cầu tức thời - Ảnh 5.

Theo quan sát của tôi, vấn đề thứ 3 thường là điểm yếu của nhiều kiến trúc sư, vì bản năng của kiến trúc sư là sự bay bổng, hết mình với ý tưởng, đôi khi không có điểm dừng. Ngoài ra, họ thường không phải là những nhà quản lý dự án chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, tôi hiểu được tâm lý mong chờ của khách hàng về căn nhà mới, cũng hiểu rằng thời gian của khách hàng cũng chính là tiền bạc của họ. Vì vậy, đối với mỗi công trình, tôi và các cộng sự, đối tác của mình luôn chuẩn bị kỹ tất cả các công đoạn của từng hạng mục thành phần trong dự án và cung cấp cho khách hàng một kế hoạch làm việc cụ thể để họ có thể theo dõi, đánh giá và biết rằng họ có thể nhìn thấy điều gì ở ngôi nhà tương lai qua từng tuần, từng tháng.

Với quy trình triển khai chuyên nghiệp và đội ngũ nhân sự có chuyên môn kiến trúc tốt đồng thời được đào tạo bài bản về quản lý dự án, Greenland có thể kiểm soát chặt các công đoạn từ thiết kế đến thi công, đảm bảo về các mốc thời gian như đã cam kết với khách hàng. Việc kiểm soát tốt ở từng công đoạn như vậy giúp cho tiến độ công việc liền mạch không bị gián đoạn, nhờ các điểm nghẽn phát sinh đã được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Vậy theo anh, khách hàng có thể trông đợi gì ở một kiến trúc sư?

Một kiến trúc sư phù hợp sẽ giúp bạn hình dung ra nhiều kiểu nhà cũng như cung cấp cho bạn nhiều cơ hội chọn lựa. Kiến trúc sư cũng có thể tìm hiểu tiềm năng của một vị trí xây dựng hay một giải pháp tổng thể, giải quyết được những vướng mắc. Kiến trúc sư là người có đủ kiến thức, kinh nghiệm và tầm nhìn để giúp bạn hiểu bản thiết kế cũng như chỉ đạo công trình suốt thời gian thi công. Người này sẽ giúp bạn xác định đâu là thiết kế thực sự cần thiết, hỗ trợ bạn suốt trong thời gian xây dựng, tính toán các chi phí cũng như thực hiện hợp đồng một cách hiệu quả, toàn diện.

Vì thế điều bạn cần làm duy nhất là tin tưởng kiến trúc sư của mình và thoải mái chia sẻ các vấn đề khiến bạn bận tâm với họ để cùng tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Đừng đặt bản thân vào tình huống dù đã thuê kiến trúc sư rồi vẫn cần cảm thấy phải tìm anh bạn, ông chú, người bác nào đó… để kiểm tra xem những tư vấn của kiến trúc sư đã đủ tốt hay chưa. Điều đó sẽ khiến ngôi nhà của bạn, công trình của bạn trở thành một kiểu "đẽo cày giữa đường" không mang lại kết quả mong muốn.

Hãy nhớ rằng, người sử dụng mới tạo nên cảm hứng cho kiến trúc sư thiết kế ra sản phẩm chứ phải là kiến trúc sư tạo ra sản phẩm rồi gò người sử dụng vào trong đó.

KTS Đoàn Hữu Kiên: Kiến trúc sẽ trở nên hời hợt nếu kiến trúc sư chỉ quan tâm tới việc giải quyết những nhu cầu tức thời - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại