Kisaku Suzuki đã tạo ra cuộc cách mạng lớn cho ngành sushi Nhật như thế nào?

Trung Mến |

Kisaku Suzuki đã khiến toàn ngành sushi truyền thống tại Nhật bị sốc. Ông đã chấp nhận hy sinh ngành sushi nghệ thuật truyền thống để cứu lấy ngành sản xuất gạo đang ngày một suy yếu.

Ông Kisaku Suzuki, nhà sáng chế ra robot làm sushi đầu tiên trên thế giới, trước đây từng làm việc trong nhà máy gói kẹo. Con đường trở thành một trong những người tạo nên cuộc cách mạng cho ngành sushi Nhật mà ông đã đi qua không hề dễ dàng.

Theo bài viết mới đây trên Bloomberg, ông Kisaku Suzuki rất không hài lòng khi chính phủ Nhật áp dụng chính sách hạn chế sản xuất lúa gạo trong khi đó lại trả tiền cho một số nông dân để họ không canh tác.

Đối với ông, gạo chính là quốc hồn quốc túy của Nhật, là trái tim của kinh tế Nhật, chính vì vậy việc hạn chế sản xuất lúa gạo hoàn toàn không hợp lý.

Từ đó, ông bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến việc làm sao để món sushi trở nên phổ biến hơn, nhu cầu gạo tăng lên chính vì vậy chính phủ Nhật sẽ không còn lý do gì để hạn chế sản xuất lúa gạo nữa.

Và ông nảy sinh ra ý tưởng: ông sẽ sử dụng kiến thức khi làm trong nhà máy đóng gói kẹo của mình để phát triển ra robot làm sushi. Ý tưởng này của ông có một logic rất đơn giản.

Nếu ông có thể hạ được chi phí làm sushi bằng cách cơ giới hóa một phần chu trình sản xuất sushi, giảm nhu cầu tuyển đầu bếp làm sushi vốn có lương rất cao, ông có thể mang món sushi đến với đại chúng và nhờ vậy làm tăng nhu cầu gạo nói chung.

Kisaku Suzuki đã tạo ra cuộc cách mạng lớn cho ngành sushi Nhật như thế nào? - Ảnh 1.

Một công nhân đang cho gạo vào máy Suzumo. Ảnh: Bloomberg

Tham vọng của ông bốn thập kỷ trước cuối cùng đã trở thành hiện thực. Ngày nay, công ty Suzumo Machinery của ông đang sản xuất loại robot làm sushi được đến hơn 70 nghìn khách hàng trên thế giới sử dụng, trong các nhà hàng sushi băng chuyền hoặc nhà máy làm sushi.

Hơn 70% thiết bị máy móc trong ngành sushi thế giới đến từ nhà máy của ông, theo số liệu của riêng công ty. Ngành kinh doanh Kaiten sushi, hay còn gọi là sushi băng chuyền hiện đã có quy mô lên đến 6 tỷ USD/năm chỉ riêng tại Nhật. Sự phát triển của ngành có được trực tiếp nhờ máy móc do nhà máy ông sản xuất.

Khi ông Suzuki về hưu vào năm 2004, ông Ikuya Oneda đã lên tiếp quản vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của Suzumo. Ông Oneda khẳng định sẽ không thể có sushi giá rẻ nếu không có máy móc tốt.

Năm 1976, khi đó tại Nhật, sushi vẫn chỉ là món ăn chuyên dành cho những dịp đặc biệt. Chỉ một số ít nhà hàng với những nghệ nhân sushi danh tiếng bán ra, sushi cũng không có giá cố định mà tùy vào ý kiến chủ quan của nhà hàng.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ban đầu, sáng kiến làm sushi bằng máy của công ty Suzumo bị các nghệ nhân phản đối dữ dội. Theo quan điểm của họ, phải mất 10 năm mới đào tạo được một đầu bếp sushi lành nghề. Vì vậy, không thể có máy móc nào thay thế được con người.

Và thực sự giai đoạn đầu vô cùng khó khăn. Ông đã phải chế tạo đi chế tạo lại chiếc máy nhiều lần nhưng vẫn chưa cho ra được những sản phẩm ưng ý. Ông cảm thấy việc mình đang làm chẳng đi đến đâu, tiền đầu tư dần cạn kiệt và ông muốn bỏ cuộc.

Cuối cùng, đến năm 1982, ông cũng đã tạo ra được chiếc máy làm sushi đầu tiên. Khi đó, chỉ có một loại máy sản xuất một loại sushi duy nhất, ngày nay đã có đến 28 loại máy làm sushi khác nhau.

Với những gì đã làm được, Kisaku Suzuki đã khiến toàn ngành sushi truyền thống tại Nhật bị sốc. Ông đã chấp nhận hy sinh ngành sushi nghệ thuật truyền thống để cứu lấy ngành sản xuất gạo đang ngày một suy yếu. Ông cũng đã cản trở việc chính phủ muốn kiểm soát giá gạo quá chặt chẽ.

Cũng chính nhờ máy móc của ông mà sushi dễ được sản xuất ở bên ngoài biên giới nước Nhật, sushi trở thành món ăn phổ biến với người dân vô cùng nhiều nước trên thế giới. Chẳng thế mà tại Mỹ, sushi trở thành món ăn thời thượng được yêu thích vì tốt cho sức khỏe và hợp xu thế.

Tuy nhiên, xét từ góc độ hỗ trợ cho ngành gạo, ông Kisaku Suzuki không thực sự thành công. Chính phủ Nhật vẫn tiếp tục kiểm soát gắt gao ngành sản xuất gạo suốt từ năm 1971, và nhu cầu tiêu thụ gạo vẫn giảm.

Trong bối cảnh nước Nhật hiện nay vốn thiếu trầm trọng nhân công còn người Nhật không chào đón người nhập cư, máy móc của công ty mà công ty Suzumo do ông Kisaku Suzuki sáng lập ra càng được ưa chuộng. Chẳng thế mà cổ phiếu của công ty đã tăng gấp ba lần chỉ trong một năm gần đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại