Trong 10 năm qua, với sự nghiêm khắc trong xử lý kỷ luật Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật gần 168.000 đảng viên; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đặc biệt, tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới giữa năm nay đã có hơn 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích, lâu nay, vấn đề từ chức đã được đặt ra nhưng nhận thức về vấn đề này chưa thật đúng, nhiều cán bộ còn suy nghĩ nặng nề về chức quyền cho nên chưa thành nếp. Bởi vậy, Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
“Văn bản này sẽ tạo ra bước chuyển biến mới để lựa chọn, xếp sắp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, để có được những người xứng đáng, thanh lọc, hoàn thiện hơn trong cơ cấu tổ chức bộ máy. Như thế sẽ thuận lợi cho quá trình lãnh đạo quản lý”- ông Nguyễn Trọng Phúc cho biết.
Theo GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cán bộ, đảng viên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín, năng lực giảm sút, nếu vẫn giữ nguyên chức vụ quản lý lãnh đạo thì công việc cơ quan sẽ bị ảnh hưởng và như vậy không đúng tinh thần của Đảng.
Lần này, Đảng ta ban hành quyết định số 41 và Kết luận số 20 về việc từ chức, miễn nhiệm, bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật để các cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ, đồng thời góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ của cơ quan, tổ chức.
“Một cán bộ đã không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín, vi phạm khuyết điểm đến mức bị kỷ luật mà vẫn giữ cương vị lãnh đạo, quản lý thì rất khó điều hành công việc. Không chỉ khó cho bản thân họ mà còn khó cho cả cấp dưới khi phải chấp hành một người mà năng lực, uy tín đã giảm sút. Đặc biệt là khó cho tổ chức bộ máy” – ông Phan Xuân Sơn cho biết.
GS.TSKH Phan Xuân Sơn
Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã khai trừ 1 Ủy viên Trung ương Đảng và cho 3 Ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương vì có những sai phạm, khuyết điểm. Việc Ban Chấp hành Trung ương áp dụng ngay Quy định số 41 về miễn nhiệm, từ chức và Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị về việc bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của đảng viên và nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc sàng lọc những cán bộ vi phạm ra khỏi hệ thống, nhất là khi áp dụng ngay quyết định số 41 về miễn nhiệm, từ chức và Thông báo kết luận số 20.
“Kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút để những cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt hơn đảm đương công việc. Đây là một việc làm có tinh thần nhân văn sâu sắc, vừa tạo điều kiện cho cán bộ sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vừa tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, phấn đấu, tiếp tục cống hiến tài năng của mình. Quy định 41 còn có tác dụng rất lớn đó là làm gương cho cấp dưới, làm gương cho toàn đảng. Đối với các đồng chí ở Trung ương vừa là cán bộ cấp chiến lược, vừa là người đứng đầu các cấp lãnh đạo, vì thế sẽ làm gương cho cấp dưới học tập, làm theo” - ông Nguyễn Đức Hà cho biết.
Ông Nguyễn Đức Hà
Văn hóa từ chức đã được nhắc đến nhiều nhưng xây dựng lại không dễ vì phải xuất phát từ nhận thức của đội ngũ cán bộ. Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật xin từ chức là bước khởi đầu của quá trình xây dựng văn hóa từ chức, văn hóa này đề cao sự tự trọng và liêm sỉ của người cán bộ./.