Chưa xác nhận việc A-50 bị bắn rơi, Il-22 bị hư hại nặng
Ngày 15/01, nhiều cơ quan truyền thông đưa thông tin gây tranh cãi về việc vào tối ngày 14/01, một máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm (AWACS) A-50 của Nga đã bị tổ hợp phòng không Patriot PAC-2 của Ukraine bắn trúng ở vùng trời trên Biển Azov, ngoài khơi mũi Kyrylivka, khu vực Melitopol, vùng Zaporizhzhia, đông bắc bán đảo Crimea gần 80km.
Đồng thời, cũng trong thời điểm đó, cơ quan tuyên truyền Ukraine tuyên bố đã bắn rơi một máy bay chỉ huy trên không Il-22M của Nga, nhưng họ không đưa ra được bằng chứng là hình ảnh hay video nào khác.
Tuy nhiên, thông tin chiếc A-50 bị bắn đã được chuyên gia quân sự nổi tiếng người Nga, đồng thời cũng là cựu phi công có biệt danh là “FighterBomber” đề cập tới trên trang cá nhân của mình, nghi ngờ đó là chiếc máy bay có số đuôi RF-50601. Tuy nhiên, ông không thể xác nhận chính xác chiếc AWACS này bị bắn rơi.
Ngày 15/01, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông Dmitry Peskov cho biết là Điện Kremlin không có bằng chứng cho thấy có bất kỳ máy bay nào bị lực lượng Ukraine bắn hạ.
Ngày 16/01, Bộ Quốc phòng Nga đã có tuyên bố chính thức là chiếc Il-22M đã bị tấn công bởi tên lửa phòng không Ukraine nên đã có một số thiệt hại, nhưng nó đã hạ cánh an toàn, thông tin về sở chỉ huy trên không này bị phá hủy là một tuyên truyền giả mạo khác của Ukraine.
Tuy nhiên, phía Nga không đưa ra bất cứ tuyên bố gì về chiếc máy bay chỉ huy cảnh báo sớm A-50U.
Trong bức ảnh chụp phía sau chiếc Il-22 được lan truyền, chiếc máy bay đã bị hư hại đáng kể, với hàng trăm vết mảnh đạn tên lửa phòng không bắn vào phía đuôi, nhưng chỉ huy phi đội và các thành viên phi hành đoàn đã điều khiển máy bay đến được sân bay ở Anapa và hạ cánh máy bay.
Giới chuyên gia quân sự Nga chỉ ra, bức ảnh được công bố cũng khẳng định độ tin cậy và khả năng sống sót vượt trội của trạm chỉ huy trên không, được xây dựng trên nền tảng máy bay chở khách Il-18.
Một chiếc máy bay tương tự của Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) cũng đã bị hệ thống phòng không Buk của Ukraine bắn trúng vào tháng 4 năm 2022. Chiếc Il-22M này bị thủng hơn 200 lỗ nhưng phi hành đoàn vẫn bay được về và hạ cánh an toàn xuống sân bay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự trung lập lại nhìn sự việc này theo góc độ khác, khi họ nhận định thiệt hại ở đuôi và phía sau của Il-22 trực tiếp cho thấy máy bay đã bị trúng tên lửa phòng không và địa điểm nó bị bắn cho thấy tên lửa phòng không của Ukraine là hệ thống tầm xa.
Trong số các hệ thống phòng không hiện có của Lực lượng Vũ trang Ukraine, chỉ tên lửa S-300 Liên Xô hoặc Patriot của Mỹ mới có thể bắn trúng máy bay trên không phận Biển Azov ở khoảng cách đáng kể so với tiền tuyến.
Chiến thuật cũ
Hiện nay, các bệ phóng S-300 cũ của Ukraine hầu hết đã bị phá hủy hoặc hư hại không sử dụng được nên tên lửa phòng không đã đánh trúng Il-22M chỉ có thể là hệ thống Patriot của Mỹ.
Tên lửa phòng không MIM-104C/E có tầm bắn 160 km, có đủ khả năng bắn trúng máy bay Nga ở không phận biển Azov, nếu nó được triển khai ở gần đường chiến tuyến, sau đó rút về sâu trong hậu phương của Ukraine, theo chiến thuật “phòng không du mục”.
Trước đó, vào tháng 11, kênh Resident Telegram đã đưa tin về việc Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã quyết định tiếp tục chiến thuật “phòng không du mục” để vá các lỗ hổng phòng không, bằng cách điều động các hệ thống Patriot từ hậu phương ra tiền tuyến, cơ động liên tục ở nhiều khu vực để phục kích.
Hệ thống phòng không du mục là khái niệm dùng để chỉ hệ thống phòng không tự hành được quân đội điều động từ vùng này sang vùng khác (du mục) do yêu cầu chiến thuật tác chiến hoặc để lấp lỗ hổng phòng không trong tình trạng thiếu thốn các hệ thống phòng không tầm xa.
Việc Quân đội Ukraine sử dụng lại chiến thuật này xuất phát từ việc lực lượng phòng không của họ đang rất thiếu năng lực phòng không, cụ thể là có rất ít các hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa, có khả năng đáp trả đòn tấn công của các chiến đấu cơ Nga.
Trong quá khứ, sự di chuyển liên tục của các hệ thống phòng không cũng đã tạo ra những bất ngờ mà điển hình là sự kiện hệ thống MIM-104 Patriot của Ukraine đã bắn tới 4 máy bay Nga, trong đó có cả các chiến đấu cơ tiên tiến nhất của nước này.
Theo truyền thông Ukraine, vào ngày 13/5/2023 trên bầu trời khu vực Bryansk của Nga, 4 máy bay của VKS đã bị Patriot phục kích gồm hai trực thăng Mi-8, một máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 và một máy bay chiến đấu Su-35.
Các tổ hợp phòng không NASAMS và Patriot Ukraine đã được phát hiện ở vùng lãnh thổ lân cận Bryansk, sau đó, chúng nhanh chóng quay trở lại thủ đô Kiev, dẫn đến sự kiện Nga báo thù, dùng tên lửa siêu thanh Kinzhal để phá hủy tổ hợp Patriot này ở ngoại ô Kiev vào đêm 16/5/2023.
Sau đó, vào hôm 23/12/2023, Lực lượng Vũ trang Ukraine cũng tuyên bố về việc lực lượng phòng không Ukraine đã sử dụng Patriot để bắn rơi 3 máy bay tiêm kích bom Su-34 của Nga trong vòng 24 giờ tại mặt trận phía nam, ở khu vực Chaplynka và Kalanchak thuộc vùng Kherson.
Mặc dù các thông tin này mới chỉ được phía Moscow xác nhận một phần nhưng có thể nói rằng, chiến thuật phòng không du mục của Ukraine cũng ít nhiều đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga.
Với sự kiện mới nhất này, rất có thể Nga sẽ lại dùng tên lửa siêu thanh Kinzhal để trút đòn thù cho máy bay Il-22M bị thương.
Cạn nguồn viện trợ, lính Ukraine phải "xẻ" xe tăng của Nga để lấy thiết bị