Ngày 12/7 vừa qua, kính Viễn vọng Không gian James Webb (JWST) đã làm nên lịch sử bằng cách đưa ra hình ảnh đầu tiên của nó – một hình ảnh ấn tượng với mô tả là bức ảnh vũ trụ sâu nhất từng được chụp. Bên cạnh chiều sâu, James Webb cũng đồng thời có thể “nhìn về quá khứ” xa xôi hơn bất kỳ chiếc kính nào khác, xa tới 13,5 tỷ năm – không lâu sau khi vũ trụ được hình thành.
Sự thật đằng sau khả năng ấn tượng này của James Webb nằm ở việc sử dụng một đặc điểm tự nhiên của ảnh sáng. Tất cả ánh sáng ta có thể nhìn thấy, từ ánh sáng của mặt trăng, ngôi sao cho đến ánh sáng của màn hình, đèn điện đều cần một khoảng thời gian nhất định để đến được với mắt của ta và được ta tiếp nhận.
Lấy ví dụ như Mặt trời, do khoảng cách tới Trái đất lên đến 150 triệu km, ánh sáng từ hành tinh này đến mắt chúng ta phải cần tới khoảng 8 phút 20 giây. Như vậy, khi bạn nhìn vào Mặt trời, thực chất trạng thái bạn nhìn thấy là trạng thái của hành tinh này cách đây 8 phút 20 giây chứ không phải hiện tại. Nói cách khác, bạn đã nhìn được quá khứ.
Lợi dụng đặc điểm này kết hợp với ứng dụng tia hồng ngoại, kính Viễn vọng Không gian James Webb hoàn toàn có thể quan sát các hành tinh cách nó hàng triệu năm ánh sáng và nghiên cứu ánh sáng được phát ra từ hơn 13 tỷ năm trước bởi các ngôi sao và thiên hà cổ nhất trong vũ trụ.