Đóng cửa thương hiệu H&M tại Nga.
Thị trường tiền tệ, hàng hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống người dân Nga đang đứng trước những thiệt hại và khó khăn chưa thể đo đếm được.
Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng sau các lệnh trừng phạt của phương Tây
Hôm qua (5/3), trong cuộc gặp với các đại diện đội bay của các hãng hàng không Nga, Tổng thống Putin đã so sánh việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga với một lời tuyên chiến.
Các hạn chế có quy mô lớn và tác động sâu đến các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga như tài chính, ngân hàng, năng lượng, công nghệ cao, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Đóng băng tài sản nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ hạn chế khả năng thực hiện các can thiệp ngoại hối. 7 ngân hàng Nga bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT sẽ làm phức tạp đáng kể các giao dịch liên ngân hàng quốc tế, mặc dù nó sẽ không làm cho chúng trở nên bất khả thi, nhưng thời gian và chi phí sẽ tăng lên.
Các tài khoản và tài sản của các ngân hàng lớn của Nga như VTB, Otkritie, Sovcombank, Promsvyazbank và Novikombank đã bị đóng băng ở tất cả các quốc gia tham gia lệnh trừng phạt. Trên thực tế, họ đã bị cô lập khỏi việc thanh toán quốc tế. Các ngân hàng này hiện không thể huy động vốn tại các thị trường phương Tây. Hạn chế đã ảnh hưởng đến người dùng của các ngân hàng bị cấm vận. Thẻ Visa và Mastercard của họ không còn hoạt động trong các ứng dụng thanh toán di động như Apple Pay và Google Pay. Các dịch vụ này đã bị vô hiệu hóa. Các ngân hàng này sẽ không thể phát hành thẻ mới của hệ thống thanh toán quốc tế.
Các công ty nhà nước của Nga cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt. Mỹ đã áp đặt hạn chế huy động vốn đối với Gazprom, Gazprom Neft, Transneft, Rostelecom, Russian Railways, RusHydro... và các tổ chức khác có sự tham gia của nhà nước.
Trong lĩnh vực năng lượng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga đã ngay lập tức bị Đức dừng cấp giấy phép. Hoạt động xuất khẩu dầu của Nga cũng bị đe dọa áp dụng lệnh cấm. Tuy nhiên, việc này sẽ tác động mạnh đến thị trường thế giới, vì Nga vẫn là nhà cung cấp năng lượng lớn.
Ngoài ra, sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ như thiết bị điện tử, máy tính, thiết bị điện tử hàng không, các linh kiện cho ngành hàng không vũ trụ và các thiết bị khác liên quan đến ngành công nghệ thông tin đã bị cấm xuất khẩu sang Nga. Nga sẽ đối mặt với rủi ro không chỉ không có máy tính cá nhân mà còn không có máy chủ cho các dịch vụ internet và ngân hàng. Microsoft đã dừng cung cấp hàng hóa và dịch vụ tại Nga. Apple cũng ngừng bán các sản phẩm của mình. Boeing đã đình chỉ bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật cho máy bay Nga.
Một số hãng, công ty nước ngoài đã thông báo tạm ngừng kinh doanh hoặc rời khỏi thị trường Nga, trải rộng trên tất cả các lĩnh vực giao thông, vận tải và cung cấp; dầu, khí, năng lượng và công nghiệp; viễn thông; tài chính; kỹ thuật, internet; quần áo; các cửa hàng internet, dịch vụ; nhà hàng, cafe, thể thao, giải trí v.v. Số lượng doanh nghiệp gia nhập danh sách này chưa dừng lại.
Trong lĩnh vực hàng không, Cơ quan vận tải hàng không Liên bang Nga đã khuyến cáo các hãng hàng không Nga tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế từ hôm nay, 6/3, trong bối cảnh các vụ bắt giữ hàng loạt máy bay ở nước ngoài, liên quan các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Việc này sẽ gây ra những thiệt hại hiện chưa thể đong đếm được đối với các hãng hàng không Nga khi không thể tổ chức các chuyến bay, hệ lụy tiếp theo là người lao động mất việc làm.
Sơ bộ, có thể dự đoán rằng tất cả những biện pháp trừng phạt này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Nga không chỉ trước mắt, mà có nguy cơ còn đẩy lùi sự phát triển, gây ra lạm phát cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân.
Đồng rúp mất giá ảnh hưởng đến cuộc sống người dân
Các lệnh trừng phạt ngay lập tức tác động đến trên thị trường ngoại hối. Đồng rúp liên tục mất giá, trong 5 phiên giao dịch vừa qua, đã giảm giá so với đồng USD tới 34%. Việc này đã có tác động đến tâm lý của người dân và một số đã đến ngân hàng để rút các khoản gửi tiết kiệm.
Ngân hàng Trung ương Nga đã ngay lập tức ra thông báo, hệ thống ngân hàng Nga ổn định, có đủ vốn và thanh khoản để hoạt động, tiền của khách hàng trên tài khoản có sẵn cho họ bất kỳ lúc nào. Thẻ ngân hàng cũng tiếp tục hoạt động như bình thường. Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất chủ chốt lên 20% để tăng lãi suất tiền gửi và do đó bù đắp cho rủi ro mất giá và lạm phát gia tăng. Các chuyên gia khuyên người dân gửi tiền trong ngân hàng vẫn có lợi và an toàn.
Vấn đề thiết thực khác, đó là giá lương thực, thực phẩm tăng khiến dân chúng hoang mang. Một trong số nguyên nhân khiến giá cả tăng, do người ta lo ngại nguồn cung bị đứt gãy, sau khi các hãng vận tải container lớn nhất trên thế giới Maersk, Công ty Vận tải biển Địa Trung Hải và CMA CGM thông báo chấm dứt hợp tác với Nga. Ở một số nơi người dân đổ xô đi mua đường, muối, bột mì, ngũ cốc. Các nhà bán lẻ đã kiến nghị và được Bộ Công thương Nga chấp thuận, đó là hạn chế số lượng hàng được bán vào tay một số người.
Theo Cơ quan Chống độc quyền Liên bang Nga, ba chuỗi cửa hàng lớn của Nga là Karusel, Perekrestok và Pyaterochka đã gửi đề xuất của họ về mức tăng giá một số mặt hàng sẽ không vượt quá 5%. Trước đó, các chuỗi bán lẻ lớn khác như Auchan, Atak, O'Key và Magnit cũng giới hạn phụ thu sản phẩm ở mức 5%.
Cơ quan Kiểm soát Nông nghiệp Nga trong ngày 5/3, đã thông báo gỡ bỏ các hạn chế đối với nguồn cung từ từ 5 quốc gia, cụ thể là cho phép cung cấp các trái cây và hạt dẻ từ Trung Quốc, các loại trái cây từ Moldova và Serbia, khoai tây từ Bangladesh, táo từ Azerbaijan. Các hạn chế trước đó được đưa ra để ngăn chặn vi phạm các yêu cầu kiểm dịch thực vật của Liên bang Nga và các nước thành viên EAEU, do các tổ chức quốc gia về kiểm dịch và bảo vệ thực vật của các nước này cung cấp.
Một vấn đề khá đau đầu khác mà chính phủ Nga sẽ phải giải quyết, đó là hỗ trợ những người Nga thất nghiệp ổn định việc làm sau khi các công ty nước ngoài rời thị trường Nga. Hiện chính phủ chưa công bố, nhưng theo tờ Vedomosti của Nga thì 160 tỷ rúp sẽ được phân bổ cho việc này.
Quyết định này được ghi trong dự thảo kế hoạch nhằm đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt - tài liệu bao gồm 5 công cụ, từ cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp đến tổ chức các hoạt động công được trả tiền. Theo tính toán của Vedomosti, dựa trên cơ sở này, các nhà chức trách có thể hỗ trợ ít nhất 700.000 người với biện pháp mới. Ngoài ra là các hỗ trợ khác như đào tạo lại tay nghề cho người lao động, tạo ra việc làm mới đang được chính phủ tính toán.
Các biện pháp của chính phủ Nga nhằm giảm nhẹ tác động của trừng phạt
Ngày 4/3, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã nhanh chóng thông qua trong phiên thảo luận thứ hai và thứ ba một dự luật của chính phủ quy định một số biện pháp trong nền kinh tế và lĩnh vực xã hội khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của nước ngoài. Có ba nhiệm vụ chính, đó là duy trì việc làm, thực hiện tất cả các bảo đảm xã hội, và hỗ trợ cho doanh nghiệp, các khu vực và người dân. Đây là điều mà gói biện pháp đầu tiên hướng tới, tiếp theo là những biện pháp khác.
Để ứng phó với tình hình, chính phủ sẽ có thể thực hiện chỉ số bổ sung về lương hưu bảo hiểm, hệ số lương hưu và khoản chi trả cố định cho lương hưu trong năm 2022. Theo tình hình, chính phủ sẽ có quyền tăng thêm bất kỳ phúc lợi xã hội nào, điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng trợ cấp cho các gia đình có con dưới 18 tuổi.
Một gói riêng biệt được dành để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị hủy trong một năm. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ có thể hoạt động mà không cần gia hạn giấy phép, vượt qua các đánh giá để cấp giấy phép vĩnh viễn.
Trước các hạn chế nhằm vào lĩnh vực ngân hàng của Nga, Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh, theo đó, các nhà xuất khẩu phải bán 80% thu nhập ngoại hối cho ngân hàng. Thủ tục bán ngoại tệ của các nhà xuất khẩu sẽ do Ngân hàng Trung ương thiết lập. Cấm người dân Nga cho vay bằng ngoại tệ và ghi có bằng ngoại tệ vào các tài khoản ngân hàng bên ngoài nước Nga.
Chính phủ Nga cũng như các bộ, ngành hiện vẫn đang tiếp tục xem xét, đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Nga đã có kinh nghiệm thích ứng với các lệnh trừng phạt trong 8 năm qua, cũng như hai năm đối phó với đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, như các quan chức Nga đã tuyên bố, các lệnh trừng phạt chống Nga gây hậu quả cho chính những người áp đặt. Có thể thấy điều này khi giá dầu, khí đốt trên thị trường thế giới liên tục biến động tăng, tác động mạnh đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau hai năm chống đỡ với đại dịch Covid-19. Các trừng phạt nhằm vào ngành ngân hàng của Nga cũng làm suy yếu đồng đô la, Euro khi các doanh nghiệp Nga chuyển sang sử dụng các đồng tiền khác, chẳng hạn như nhân dân tệ và các hình thức thanh toán thay thế hệ thống SWIFT./.