Kinh tế trưởng Mekong Economics: Chiến thắng của Việt Nam trước Covid-19 có thể mang lại lợi ích lâu dài

Hà Trần |

Theo AFP (Pháp), các yếu tố như phản ứng mạnh mẽ và kịp thời với đại dịch Covid-19, xuất khẩu tăng vọt và chi tiêu công hiệu quả đã giúp Việt Nam vượt qua cuộc suy thoái toàn cầu trong năm 2020 cũng như nhanh chóng phục hồi.

Các nhà phân tích đều nhận định rằng Việt Nam sẽ là một trong số ít các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Song, một số lĩnh vực vẫn bị tác động hết sức nặng nề, đặc biệt là du lịch.

Trong cuộc trao đổi với AFP, ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh: "Giai đoạn đóng cửa của đất nước kéo dài chưa đầy ba tháng. Nhờ đó, hoạt động trong nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường vào hồi tháng 6".

Giữa năm, trong khi người dân nhiều nước phương Tây phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội, Chính phủ Việt Nam đã có thể đưa ra các chính sách kích cầu du lịch, nỗ lực thúc đẩy ngành du lịch nội địa.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi nhu cầu về quần áo, giày dép và điện thoại thông minh sụt giảm tại một số thị trường đối tác lớn nhất gồm Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Nhưng trên thực tế thì xuất khẩu đã thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay", ông Thành nhấn mạnh. "Đó là bởi vì Việt Nam có thị trường xuất khẩu rất đa dạng, không phụ thuộc hoàn toàn vào một điểm xuất khẩu nào".

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, các lô hàng đến Trung Quốc đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đối với nhiều mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam như đồ điện tử gia dụng, đồ nội thất văn phòng, máy tính và TV... tăng vọt trong đại dịch do người dân ở nhà trong giai đoạn giãn cách.

Như vậy, dù không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng 2,4%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên thế giới.

IMF dự báo mức sụt giảm toàn cầu trong năm nay là 4,4%.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khẳng định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là yếu tố thúc đẩy làn sóng các doanh nghiệp (như Apple) dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng khoảng 25%, lên 54,7 tỷ USD.

Du lịch đã bị "giáng đòn mạnh"

Song, việc vắng bóng khách du lịch nước ngoài đã "giáng một đòn mạnh" vào ngành du lịch Việt Nam. Cố đô Huế - địa danh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, vốn nổi tiếng với du khách nước ngoài nhưng giờ đây lại rất vắng vẻ. Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết 80% khách sạn đã đóng cửa và 8.000 người mất việc làm.

"Chúng tôi đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề vì đại dịch", ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh chia sẻ.

Tương tự như vậy, tại Hà Nội, ông chủ khách sạn Nguyễn Đình Tới nói rằng du lịch dường như "đã chết". "Chúng tôi đã sống sót sau đại dịch SARS, cuộc khủng hoảng tài chính 2009-2010... nhưng tình hình giờ đây thật không thể tin nổi".

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn bị tác động ít hơn các quốc gia khác vốn phụ thuộc nặng nề vào du lịch trong khu vực như Thái Lan. Trước đó, IMF dự báo nền kinh tế Thái Lan có thể giảm 7,1% trong năm nay.

Theo ông Thành, Chính phủ đã giúp giảm tác động kinh tế của đại dịch bằng cách đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường. "Điều này làm tăng cầu, bù đắp những tác động do Covid- 19 gây ra và sự sụt giảm trong tiêu dùng hộ gia đình, đồng thời cũng giúp tạo việc làm cho người dân".

Đầu tư công trong 11 tháng đầu năm nay đã tăng 34%. Đây là mức cao nhất trong 9 năm qua.

Chuyên gia kinh tế trưởng của công ty tư vấn Mekong Economics (trụ sở tại Hà Nội), ông Adam McCarty kết luận, chiến thắng của Việt Nam trước dịch bệnh Covid-19 trong năm nay có thể mang lại các lợi ích lâu dài trong những năm tới. "Cách xử lý đại dịch đã đưa Việt Nam nổi tiếng trên toàn cầu, là cơ hội để các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài xem xét Việt Nam với một góc nhìn khác".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại