Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng đã lập đỉnh trong quý Một năm 2017 và nhiều khả năng sẽ chững lại trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Điều này khiến nhiều chuyên gia không khỏi hoài nghi về việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ được bao lâu, theo một bài báo trên Financial Times.
Các số liệu thống kê cho thấy trong vòng 2 quý tính đến cuối quý Một năm nay, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Và như vậy, kinh tế Trung Quốc đã có khoảng thời gian “tăng tốc” dài nhất tính từ năm 2009.
Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh chi tiêu phát triển cơ sở hạ tầng và thị trường nhà đất hồi phục mạnh đã giúp doanh số bán thép, than đá và nhiều kim loại khác tăng mạnh và giúp kinh tế phát triển.
Tuy nhiên theo các số liệu công bố mới nhất trong ngày thứ Hai tuần này, sang đến tháng Tư, sản xuất tại các nhà máy, đầu tư tài sản cố định, doanh số bán lẻ đều tăng trưởng chậm lại, không ít chuyên gia kinh tế lo ngại kinh tế Trung Quốc đang trở lại xu thế suy giảm tăng trưởng.
“Hiệu ứng tích cực từ những chương trình kích cầu trước đây đang giảm dần. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã đạt đỉnh vào quý đầu năm và sẽ giảm đi theo thời gian. Thế nhưng sẽ không có cú sốc nào cả”, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Macquaire, ông Larry Hu, dự báo.
Tính từ đầu tháng Tư đến nay, giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới đã điều chỉnh giảm khá mạnh gây ảnh hưởng đến nguồn thu từ xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc, đầu tư vào ngành khai mỏ trong khoảng thời gian từ tháng Một đến hết tháng Tư giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất tại các nhà máy trong tháng Tư cũng tăng trưởng chững lại.
Mới đây, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi giới chức Trung Quốc ưu tiên bình ổn tình hình tài khóa của nước này. Những tháng gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thắt chặt chính sách tiền tệ và đưa ra những biện pháp mạnh tay để giảm thiểu rủi ro từ hệ thống ngân hàng ngầm. Tăng trưởng tín dụng lập tức giảm mạnh trong tháng Tư.
“Chính sách thắt chặt tiền tệ nhiều khả năng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt trong khoảng 3 tháng tới”, theo dự báo của chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, ông Raymond Yeung.
Ông Yeung cũng cho rằng trong những tuần sắp tới, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ buộc phải nới lỏng bớt việc siết chặt chính sách tiền tệ.
Dù tăng trưởng được cho là sẽ chậm lại trong khoảng thời gian còn lại của năm nhưng các chuyên gia nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn tăng trưởng đạt mục tiêu 6,5% trong năm nay.