Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lại đang tạo ra một hệ lụy không mong muốn: tình trạng nợ nần quay trở lại, nhấn mạnh thách thức mà Chính phủ của ông Tập Cận Bình phải đối mặt trên con đường giảm thiểu rủi ro tài chính.
Theo một báo cáo mới được Viện Tài chính quốc tế (IIF) công bố, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc đã vượt qua mức 303% GDP, chiếm 15% tổng nợ toàn cầu. Đây là mức tăng mạnh so với con số chưa đến 297% GDP ở thời điểm quý I/2018.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng vừa ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP thấp kỷ lục trong quý II do phải chịu những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng như những yếu tố dài hạn hơn ví dụ như già hóa dân số. Trong nỗ lực chặn đà giảm, Trung Quốc mới đây đã cố gắng hướng nguồn tín dụng vào khu vực tư nhân và khuyến khích tăng tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên cái giá phải trả lại là tỷ lệ nợ cao hơn.
Đây cũng là động thái đi ngược lại với chiến dịch khắc chế các hoạt động cho vay ngoại bảng hay còn gọi là lĩnh vực ngân hàng trong bóng tối mà ông Tập đã triển khai đặc biệt mạnh mẽ trong năm 2018. Theo IIF, mặc dù chiến dịch này đạt được một số thành công nhất định, kết quả vẫn bị triệt tiêu bởi hoạt động cho vay ở các lĩnh vực khác.
Với tăng trưởng GDP danh nghĩa hiện đang ở mức khoảng 8%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 11%, tỷ lệ nợ/GDP được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên, theo Raymond Yeung, chuyên gia của ngân hàng ANZ.
Trong quý II vừa qua, GDP thực của Trung Quốc tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với tốc độ 6,4% của quý I. Giờ đây tỷ lệ nợ tăng nhanh sẽ là cái giá mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẵn sàng trả để vực dậy nền kinh tế.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang tăng cường các chính sách hỗ trợ tài khóa, trong đó có nới lỏng luật lệ về việc sử dụng nợ chính phủ trong các dự án cơ sở hạ tầng. Tháng trước Hội đồng nhà nước Trung Quốc cho biết các ngân hàng nên bán ra hơn 180 tỷ nhân dân tệ (tương đương 26,2 tỷ USD) trái phiếu để tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ trong nửa cuối năm 2019 cũng như tăng cho vay đối với khu vực sản xuất và dịch vụ.