Trong hơn 30 năm vừa qua, Trung Quốc là biểu tượng của sự phát triển không ngừng và trong chừng mực nào đó, cả sự tiến bộ. Khoảng 1,4 tỉ dân Trung Quốc đã mua sắm khá nhiều sản phẩm nước ngoài như phim Hollywood (Mỹ), đồ điện tử Hàn Quốc, và cả quặng sắt của Úc, qua đó hầu như cả nền kinh tế toàn cầu được thúc đẩy.
Dường như, ít ra trên bề mặt, tiêu dùng của Trung Quốc là một động cơ không bao giờ chết máy.
Nhưng giờ đây, động cơ đó có dấu hiệu chững lại, nếu không nói là đi thụt lùi. Điều này đang tạo ra những rủi ro, theo tờ The New York Times, không chỉ cho hộ gia đình Trung Quốc mà còn cả các nền kinh tế trên toàn hành tinh.
Vươn lên nhờ toàn cầu hóa
Có lẽ cũng đã đến hơn 1/4 thế kỷ, Trung Quốc được xem như trung tâm hoàn hảo của chủ nghĩa toàn cầu hóa. Nước này đã nhờ đó mà kiếm bộn tiền. Nhưng những rủi ro trên đà gia tăng trong những tuần gần đây cho thấy Trung Quốc sắp lao vào một giai đoạn giảm phát tồi tệ.
Đầu tiên, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu kinh tế Trung Quốc giảm tốc đáng kể từ đầu năm 2023. Hy vọng về một sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau khi các hạn chế COVID-19 quá cực đoan được dở bỏ đã tan thành mây khói.
Và số liệu được công bố trong tuần này về xuất khẩu Trung Quốc không mấy khả quan. Xuất khẩu đã giảm 3 tháng liên tiếp trong khi nhập khẩu giảm 5 tháng liên tiếp - cho thấy triển vọng kinh tế khá yếu của đất nước được cho là "công xưởng thế giới".
Sản phẩm hữu cơ trong một siêu thị Trung Quốc. Ảnh: Unsplash
Rồi có tin tức giá cả ở Trung Quốc đã giảm, từ thực phẩm đến căn hộ. Qua đó, có thể thấy hoạt động thương mại của nước này khá yếu, theo The New York Times. Riêng về thị trường bất động sản, khó khăn ngày càng sâu rộng. Lấy ví dụ, công ty bất động sản rất lớn là Country Garden không thanh toán nổi trái phiếu do mình phát hành; ước tính công ty này đã mất tới 7,6 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đối với người lao động và hộ gia đình Trung Quốc, những sự kiện trên tạo ra rắc rối cho họ.
Dấu hiệu không ổn cho thế giới
Ở cấp độ toàn cầu, theo The New York Times, kinh tế Trung Quốc suy yếu đồng nghĩa với nhu cầu hàng hóa bị thu hẹp khá nhiều, từ đậu nành mua của Brazil đến thịt bò của Mỹ cho đến hàng xa xỉ của Ý. Tương tự là nhu cầu thấp về dầu lửa, khoáng sản và các vật tư xây dựng khác .
"Sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu" - ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của công ty dịch vụ tài chính Úc Macquarie, nhận xét. "Vì Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ hàng hóa số một thế giới. Vậy nên tác động sẽ rất, rất lớn".
Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã tạo ra hơn 40% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, so với 22% của Mỹ và 9% của 20 quốc gia khu vực euro, theo phân tích của hãng nghiên cứu BCA Research (Canada).
Thế nhưng, nợ của Trung Quốc đang tích tụ lại, ngày càng lớn. Hiện nó đã lên đến 282% tổng sản phẩm quốc gia (GNP) - cao hơn của Mỹ, theo ước tính của The New York Times.
Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đã tung ra những chương trình chi tiêu công nhằm kích thích người dân tiêu tiền và doanh nghiệp đầu tư. Nhưng chúng lại tạo ấn tượng là các chính quyền địa phương sẽ bị mắc kẹt với một đống hóa đơn nợ.
Cũng trên thực tế, các chính quyền địa phương Trung Quốc đang ở trung tâm vòng xoáy khủng hoảng nợ. Họ đã vay mượn quá nhiều trong nhiều năm để lấy tiền xây dựng đường sá, cầu cống và các khu công nghiệp. Ở quy mô lớn hơn, chính phủ Trung Quốc cũng đổ tiền việc xây cảng biển, mạng lưới điện và các công trình cơ bản khác, qua đó thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nhân tư nhân Trung Quốc đã thành lập được một số công ty công nghệ mới và có giá trị lớn trên thế giới.
Đụng độ Mỹ một phần
Ở phần còn lại của thế giới - đặc biệt là tại Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã thúc đẩy thất nghiệp, gây ra xung đột thương mại giữa hai nước.
Chén bát sản xuất ở Trung Quốc. Ảnh: Unsplash
Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các loại thuế chung đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục chính sách đó; gần đây còn ban hàng thêm lệnh cấm đầu tư vào các lĩnh vực chính của Trung Quốc như chip máy tính tiên tiến.
Hôm 9-8, tổng thống Mỹ đã đẩy mạnh hạn chế Trung Quốc với một sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ đầu tư vào các ngành có thể tăng cường khả năng quân sự Trung Quốc.
Tổng Bí thư Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, từng cáo buộc Mỹ tiến hành một chiến dịch nhằm đàn áp sự phát triển của nước này.
Đối diện với sự đối đầu giữa Washington với Bắc Kinh, và sau những khó khăn của đại dịch COVID-19 trong việc đưa sản phẩm từ các nhà máy Trung Quốc đến các nhà bán lẻ ở Bắc Mỹ và châu Âu, các công ty đa quốc gia đã chuyển dần đơn hàng và cả nhà máy sang các nước như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico.
Đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, việc thay đổi thương mại quốc tế đã làm tăng thêm tính cấp bách của việc chuyển đổi qua một nền kinh tế tập trung vào sức mua trong nước.
Những thập kỷ đầu tư quá mức của các nhà phát triển bất động sản đã tạo ra nhiều thành phố với các khối chung cư trống rỗng và nhiều dự án dang dở.
Tuy nhiên, những kế hoạch đó phần nào đã bị ngưng trệ vì COVID-19. Việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào tháng 12-2022 được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng. Nhưng người tiêu dùng không chịu mở hầu bao nhiệt tình, đến nỗi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc gần đây đã ngưng phát hành các dữ liệu về thị trường.
Lâu nay, các hộ gia đình Trung Quốc đã quá tiết kiệm rồi, vì lo ngại mạng lưới an sinh xã hội trong nước chưa tốt. Trong nửa đầu năm nay, tổng số tiền gửi của các hộ gia đình trong các ngân hàng Trung Quốc đã tăng thêm khoảng 12.000 tỉ nhân dân tệ (chừng 1,7 ngàn tỉ USD), nhiều nhất trong 10 năm trở lại đây.
Có giống Nhật Bản?
Chuyện xảy ra với Trung Quốc khiến nhiều nhà kinh tế đã so sánh với Nhật Bản. Vào đầu những năm 1990, kinh tế Nhật Bản đổ vỡ vì bong bóng bất động sản, đẩy đất nước này vào ba thập kỷ suy thoái. Suy thoái do giảm phát!
Trên lý thuyết, giảm phát phá hủy động lực tiêu dùng, không thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn, thuê thêm công nhân. Bởi ai ai cũng thắt chặt hầu bao, trông chờ mọi thứ sẽ rẻ hơn sau này. Nhưng như thế lại càng đẩy cả nền kinh tế vào giảm phát.
Một Thượng Hải hiện đại. Ảnh: Unsplash
Hiện nay, theo The New York Times, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng Trung Quốc sẽ tránh được số phận đó. Giảm giá có thể sớm bị đảo ngược.
Sau nhiều năm đối xử không mấy tốt với doanh nhân tư nhân, gần đây, chính phủTrung Quốc đã phát đi tín hiệu chuyển đổi sang tư duy "thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy kinh doanh" - theo Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty quản lý bất động sản và đầu tư JLL (trụ sở tại Hồng Kông - Trung Quốc).
Trong một kịch bản lạc quan nhất, chính phủ Trung Quốc sẽ tiến hành chuyển đổi từng bước sang tăng trưởng chậm hơn, giải quyết thất nghiệp ở các nhà máy bằng cách tạo thêm việc làm trong dịch vụ, đồng thời kiềm chế quy mô thua lỗ trong bất động sản.
Tuy nhiên, nếu khối nợ mà nền kinh tế Trung Quốc đang gánh chịu lại hạn chế hiệu quả của chính sách trên thì những nỗi lo lớn hơn và tệ hại hơn sẽ xuất hiện. Đó là nhà cửa tiếp tục sụt giá, chính phủ phải tung thêm nhiều tiền để cứu các ngân hàng gặp khó khăn và chuyện tiền tiếp tục đi kiếm nơi trú ấn khác.
Rõ là khối nợ quá lớn đang khiến nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc không an tâm, vì nó có thể thúc đẩy nạn thất nghiệp, phá sản doanh nghiệp và xung đột xã hội.
Chuyện như thế có thể là cơ sở cho giả định chính phủ Trung Quốc sẽ ra sức thúc đẩy nền kinh tế, ngay cả khi việc này làm gia tăng những mối đe dọa mới với nền kinh tế, trong đó có việc tạo ra cả những khoản nợ mới.
Tuy nhiên, chuyện không hề dễ. Việc nhiều công ty nước ngoài tiếp tục chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, cùng với việc tập trung cho tiêu dùng trong nước, có thể sẽ dẫn đến giảm lương; tài sản của các hộ gia đình cũng giảm theo. Và việc mất niềm tin của một số lượng lớn người có thể dẫn đến xáo trộn, bất ổn xã hội.
Xuất khẩu và nhập khẩu cộng lại chiếm đến 40% GDP Trung Quốc. Ông Yasheng Huang, giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusset (Mỹ), cho biết tại một hội thảo trong tháng 5-2023.
Trung Quốc nhập nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, khi Trung Quốc càng giảm xuất khẩu thì nhập khẩu cũng giảm theo, tạo thành một vòng lẩn quẩn phản ánh sự suy yếu về tài sản. Điều đó khiến thất nghiệp tăng cao và thu nhập đi xuống, theo ông Yasheng Huang.