Kinh tế Trung Quốc đối mặt ‘thử thách kép’

Thu Thảo |

Cuộc chiến thương mại đã xảy ra và kéo dài trong giai đoạn Bắc Kinh đang đối diện với nhiều rủi ro trong quá trình cải cách kinh tế.

Tờ Bloomberg hôm qua (21-10) đưa tin Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình cam kết sẽ đảm bảo hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) tư nhân của TQ.

Đây là động thái phản ứng mới nhất của chính quyền Bắc Kinh trong bối cảnh những lo ngại về dự báo tương lai xám xịt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ lẫn các vấn đề nội tại của nền kinh tế đang diễn ra.

Nhất quán đảm bảo cho DN tư nhân

“Bất kỳ lý lẽ hay hành động nào làm tổn hại hay suy yếu nền kinh tế tư nhân đều sai lầm” - ông Tập Cận Bình nói trong một lá thư gửi đến các DN tư nhân do tờ Tân Hoa xã dẫn lại hôm Chủ nhật. Ông Tập nhấn mạnh “việc hỗ trợ cho các DN tư nhân chính là một chính sách nhất quán của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản TQ” xuyên suốt từ trước đến nay.

Phát biểu của người đứng đầu nhà nước TQ được đưa ra ngay sau khi các quan chức nước này ra sức củng cố niềm tin của người dân bằng các phát biểu hiếm hoi được đưa ra vào hôm thứ Sáu (19-10). Một trong số đó là phát biểu của Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc khi vị này khẳng định TQ sẽ giúp đỡ sự phát triển của các DN tư nhân.

Trong một cuộc gặp với các nhà làm chính sách vào hôm thứ Bảy (20-10), ông Lưu khẳng định các nhà chức trách Bắc Kinh cần phải đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế quốc gia.

Theo Bloomberg, nền kinh tế TQ đang đối mặt với ngày càng nhiều sóng gió trong năm nay, bao gồm việc leo thang căng thẳng trong quan hệ thương mại với cường quốc kinh tế số một thế giới là Mỹ - quốc gia đang đẩy mạnh các hoạt động chủ nghĩa bảo hộ, tấn công trực diện vào khoảng 250 tỉ USD hàng hóa TQ bằng chính sách đánh thuế 10%-25%; đồng thời thị trường chứng khoán Bắc Kinh cũng chật vật vài tháng qua.

Trong quý III năm nay, tăng trưởng kinh tế của TQ đã trở nên chậm chạp nhất kể từ năm 2009, trong khi đó thị trường chứng khoán TQ đã “bốc hơi” mất hơn 3.000 tỉ USD kể từ cuối tháng 1 năm nay.

Rủi ro cải cách và áp lực chiến tranh thương mại

Những chỉ số suy giảm kinh tế lần đầu tiên được Chính phủ TQ công bố kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại hồi tháng 7-2018.

Điều này càng khiến nhiều người tin rằng nền kinh tế TQ hiện đang phải chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại, cho dù Bắc Kinh khẳng định “không sợ Mỹ đe dọa” và có thể cầm cự trước các động thái đe dọa hay đánh thuế từ Washington.

Một số ngân hàng đầu tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Đơn vị Kinh tế Tình báo đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của TQ xuống còn 6,2% vào năm 2019 vì hậu quả chiến tranh thương mại.

Có người cho rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại nằm trong chủ trương được cho là có tính toán - dù không phải là một mong muốn của Bắc Kinh nhưng TQ đang chủ đích cơ cấu lại nền kinh tế vốn phụ thuộc xuất khẩu trong nhiều năm liền.

Tăng trưởng của nền kinh tế TQ chính xác là đã chậm lại trước khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bắt đầu. Nhiều chuyên gia cho rằng sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế xảy ra vì quá trình chuyển đổi được chính quyền Bắc Kinh nắm bắt và quản lý - một quyết định mà chính phủ TQ đã khẳng định là vì cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng.

Dù thế nào thì phải khẳng định TQ không muốn chiến tranh thương mại xảy ra vào lúc này, khi TQ đang “xây dựng chất lượng cho nền kinh tế” và đối mặt với nhiều rủi ro trong hệ thống nền kinh tế phát sinh trong quá trình cải cách.

Ví dụ, TQ đã tăng mức nợ công một cách bất thường khiến nước này đã phải tìm cách tháo ngòi “bom nợ”. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại ập đến, TQ phải “tạm hoãn” động thái này. Hãng CNBC dẫn kết quả báo cáo của Citi mới đây ước tính việc tạm ngưng tháo ngòi “bom nợ” của TQ có thể tăng tỉ lệ nợ trên GDP của quốc gia này lên 274,5% vào cuối năm nay.

“Điều mà tất cả DN TQ đều đang lo lắng là sự bất ổn cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ mang lại. Nếu không có cuộc chiến này, các công ty TQ sẽ lạc quan hơn nhiều vào triển vọng cho năm 2019” - ông Vinesh Motwani của cơ quan Silk Road Research phát biểu sau chuyến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải.

Trong bối cảnh thử thách kép, một bên là áp lực cải cách kinh tế mà nhà nước chưa thể quản lý hết các rủi ro, còn một bên là áp lực từ các chính sách đánh trực tiếp vào nền xuất khẩu và vai trò TQ trong chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới, TQ dường như vẫn chưa có những biểu hiện đột phá đảm bảo sự ổn định trong ngắn lẫn dài hạn.

Tư tưởng kinh tế tư nhân của ông Tập

Năm 2012, khi ông Tập trở thành lãnh đạo TQ, nhiều người đã dự đoán tương lai kinh tế nước này sẽ lấy "DN tư nhân làm trung tâm" do chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ. Khoảng 15 năm trước, khi đó là chủ tịch và bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, ông Tập đã khuyến khích những nhà máy và khu công nghiệp nặng chuyển sâu vào nội địa, đồng thời ủng hộ việc nghiên cứu và phát triển của các DN tư nhân.

Nhờ những nỗ lực của ông, tỉ lệ nghiên cứu, đầu tư và phát triển nền kinh tế tư nhân ở nơi này đã tăng tới bốn lần, từ 5,6 tỉ nhân dân tệ vào năm 2003 lên 31,6 tỉ nhân dân tệ trong năm 2007.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại