Chính phủ Nga vừa phát đi một tin tốt: Bộ Phát triển kinh tế Nga thông báo về mức tăng trưởng GDP chưa từng có tiền lệ. Theo những tính toán của cơ quan này, trong quý III, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã đạt mức 1,9%, trong khi chỉ số này trong quý II chỉ là 0,9%, và trong quý I là 0,5%. Đặc biệt, trong tháng 9 GDP tăng tới 2%.
Tổng cục thống kê Nga cũng công bố một tin mừng khác: sau 5 năm sụt giảm, thu nhập khả dụng của người dân Nga đã tăng. Những thông tin này quả thật khó tin, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Cần lưu ý rằng từ năm 2013 đến hết năm 2018, thu nhập khả dụng của dân cư giảm 8,3%. Còn trong quý I năm 2019, chỉ số này tiếp tục giảm thêm với tốc độ tương đương 2,3%/năm.
Năm 2018, những dữ liệu của Tổng cục thống kê Nga về chỉ số giá tiêu dùng khiến mọi người phải sốc nặng. Ví dụ, giá bột kê và bắp cải tăng gấp 17 lần chỉ trong vòng 1 năm, còn giá nhiên liệu (xăng dầu) tăng tới hơn 30%.
Theo báo Nga Svpressa, nguyên nhân gây ra tình trạng trên chủ yếu là do hệ quả của công tác quản lý nhà nước yếu kém.
Vào tháng 8 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước Nga ra thông báo: Việc giải ngân cho những dự án cấp quốc gia thuộc chương trình kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, đang bị chậm tiến độ một cách không thể cứu vãn được.
Ngân sách liên bang năm 2019 đáng lẽ phải chi 1,7 nghìn tỷ rúp cho 13 dự án, trong đó bao gồm “Kế hoạch nâng cấp và mở rộng hạ tầng đường giao thông tổng thể”. Nhưng theo báo cáo giám sát của Kiểm toán Nhà nước Nga, trong vòng nửa năm, việc giải ngân mới chỉ thực hiện được 32,4% kế hoạch – tương đương 559 tỷ rúp.
Số tiền được phân bổ cho một trong những dự án đắt đỏ nhất – “Kế hoạch nâng cấp và mở rộng hạ tầng đường giao thông tổng thể” với tổng giá trị lên đến 6,3 nghìn tỷ rúp và hạn chót là năm 2024 (chưa bao gồm lĩnh vực năng lượng) mới chỉ giải ngân được 24%, dự án “Nâng cao năng suất lao động” mới được giải ngân 18%, các dự án “Đường bộ an toàn và chất lượng” và “Môi trường” được giải ngân khoảng 12%, và dự án “Kinh tế số” mới chỉ được giải ngân vỏn vẹn 8%.
Dường như chính phủ Nga hiện nay đang có một số điểm bất cập. Nhưng tổng thống Putin chưa nghĩ tới việc cải tổ mạnh mẽ chính phủ, dù ông hoàn toàn có đủ điều kiện để làm điều đó.
Theo các nhà phân tích, hiện nay Tổng thống Putin là người nắm giữ gần như tất cả những đầu mối điều hành đất nước. Thực tế, không chỉ chính phủ nằm dưới quyền ông Putin, mà cả Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga và Hội đồng Liên bang Nga, hệ thống tòa án, các tỉnh trưởng và chính quyền địa phương, Ngân hàng Nga, Ủy ban bầu cử trung ương Nga, các chính đảng, tất cả các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù vậy, ông Putin ít nhiều vẫn muốn giữ hiện trạng này trong bộ máy chính phủ.
Khi nào ông Putin sẽ hết kiên nhẫn?
Dù Điện Kremlin đã hết sức nỗ lực cải thiện tình hình, nhưng tỉ lệ ủng hộ của người dân đối với người đứng đầu nhà nước vẫn không hề tăng trong năm vừa qua. Hồi tháng 9/2019, tỷ lệ những người tin tưởng ông Putin vẫn ở mức 39% như trước.
Nếu như chỉ số ủng hộ sụt giảm mạnh hơn nữa, bộ máy chính phủ có thể sẽ buộc phải thay đổi.
Ảnh: Điện Kremlin
“Các lực lượng công lực vẫn trung thành với tổng thống. Và những lực lượng này, trong thời gian gần đây đã thực hiện một cuộc "thanh lọc". Trước tiên là cuộc bắt bớ hồi tháng 1, ngay tại hội trường Hội đồng Liên bang, nghị sĩ vùng Karachaevo-Cherkessia Rauf Arashukov và tiếp đến là cha của nghị sĩ này, ông Raul Arashukov, cũng ngay trong tòa nhà của “Gazprom” ở Saint-Peterburg. Cả hai cha con ông này bị buộc tội biển thủ khí đốt với số tiền lên tới hơn 31 tỷ rúp và tổ chức hai vụ giết người”, tiến sĩ khoa học chính trị Sergei Obukhov, thư ký Uỷ ban trung ương của Đảng Cộng sản Nga, cho biết.
Ông Obukhov nói thêm: “Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ cuộc thanh trừng này, cựu bộ trưởng phụ trách công tác chính phủ công khai, ông Mikhail Abyzov, đã bị bắt hồi tháng 3. Ban đầu, ông ta bị buộc tội tổ chức băng nhóm tội phạm và biển thủ 4 tỷ rúp.
Điều đáng nói là các luật sư bào chữa đề nghị thả Abyzov dưới hình thức nộp tiền bảo lãnh 1 tỷ rúp, và còn đưa ra giấy bảo lãnh của 8 người bạn có tầm ảnh hưởng của bị cáo, bao gồm đồng chủ tịch quỹ “Skolkovo” Arkady Dvorkovich, chủ tịch điều hành “Rosnano” Anatoly Chubais, phó chủ tịch điều hành “WEB.RF” Natalya Timakova và thành viên hội đồng quản trị “Yandex” Alexandr Voloshin.
Việc thanh lọc chính phủ có làm ông Putin lo sợ hay không?
Ông Putin không lo sợ việc thanh lọc chính phủ sẽ kéo theo những rủi ro chính trị, ông Obukhov bình luận. Cựu Tổng thống Boris Yeltsin, khi giải quyết vấn đề chuyển giao, đã thay chính phủ “như cơm bữa”. Nhưng hệ thống vẫn đứng vững. Ban đầu là Thủ tướng Chernomydin bị miễn nhiệm – một động thái được cho là chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống. Ông Chernomydin thậm chí từng thực hiện chuyến công du khá đình đám tới Mỹ - tờ Washington Post khi đó đã nói về cuộc gặp của ông ta với cựu Phó Tổng thống Mỹ Albert Gor như cuộc hội đàm của hai vị tổng thống tương lai.
Sau ông Chernomydin, trước thềm cuộc khủng hoảng năm 1998, người ngồi vào chiếc ghế thủ tướng là ông Sergei Kirienko. Sau ông Kirienko là ông Sergei Stepashin - giám đốc đầu tiên của FSB. Stepashin được ông Yelsin bổ nhiệm làm thủ tướng để chiến đấu ở Kavkaz. Tuy nhiên, vị thủ tướng mới lại quá yếu đuối so với công việc này. Khi đó ông Vladimir Putin đã xuất hiện – và trở thành ứng cử viên phù hợp cho vị trí người kế nhiệm ông Yeltsin.
Như vậy, chỉ trong năm 1999, Nga đã thay đổi tận 4 chính phủ - và chẳng có thảm họa nào xảy ra. Bản thân ông Putin cũng đã thay đổi chính phủ thường xuyên vào thời điểm ông này bắt đầu lên nắm quyền tổng thống.
Tuy nhiên, ông Putin có lý do riêng khi không làm điều đó vào thời điểm hiện tại. Ở đây có thể nhớ tới số phận của ông Kasyanov, người từng là Thủ tướng Nga trong giai đoạn 2000-2004.
Ông Putin đã đích thân gọi ông Kasyanov là vị thủ tướng tốt nhất, còn ông Kasyanov thậm chí đã không thèm xuất hiện tại Duma Quốc gia Nga khi cơ quan này thảo luận về vấn đề miễn nhiệm chính phủ. Người này đã cười lớn và nói rằng mình không có thời gian để thảo luận về những vấn đề nhảm nhí như vậy, chuyên gia Obukhov nói.
Sau này, tỉ lệ ủng hộ ông Kasyanov đã tăng vọt – nhưng ông này đã bị miễn nhiệm không lâu sau đó. Vậy hiện giờ ông Kasyanov đang ở đâu?
Tóm lại, dường như ông Putin thường cân nhắc một số yếu tố nhất định khi bổ nhiệm thủ tướng. Từng có một Kasyanov theo chủ nghĩa tự do và thị trường, nhưng quá nổi tiếng – và Putin không cần sự giúp đỡ của người này. Và sau đó lại có một Dmitri Medvedev không nhận được quá nhiều sự ủng hộ của người dân, nhưng lại có lòng trung thành - và ông Medvedev đã gần như trở thành người không thể thiếu trong chính phủ Nga.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nga Andrei Bunhich chia sẻ với báo Svpressa:
“Những vấn đề lớn mà nền kinh tế Nga phải đối mặt vẫn còn ở phía trước, điều này có nghĩa là chính phủ vẫn là người 'đứng mũi chịu sào'. Thủ tướng vẫn còn phải chịu trách nhiệm về một loại những quyết sách lạ thường, hoặc thậm chí có những hành động gây tổn hại cho nền kinh tế.
Xin lưu ý rằng, kể từ năm 2008, khi bộ đôi Putin-Medvedev bắt đầu hợp tác, nền kinh tế Nga đã ngừng tăng trưởng. Theo thống kê chính thức, trong vòng 10 năm gần đây, tăng trưởng GDP trung bình chỉ quanh quẩn ở mức khoảng 1%/năm. Theo đánh giá của các chuyên gia độc lập, tốc độ này đang dần hướng về con số 0. Theo quan điểm của tôi, tương lai trước mắt sẽ rất khó khăn.Chất lượng cuộc sống sẽ tiếp tục đi xuống khi nền kinh tế Nga trì trệ... "
Chuyên gia này còn cho rằng, trong trường hợp một thảm họa nào đó xảy ra khiến nền kinh tế sụp đổ, đồng rúp mất giá và mức sống không được cải thiện, có lẽ những bước cải cách chính phủ của ông Putin sẽ phải mạnh mẽ hơn, và không loại trừ nó có thể tác động đến cả ông Medvedev.