Người dân xếp hàng mua sắm tại một trung tâm thương mại ở thủ đô Moscow - Nga ngày 2-8 Ảnh: REUTERS
Báo cáo của Rostat không nói rõ lý do dẫn đến sự sụt giảm nói trên nhưng cho biết doanh thu bán lẻ giảm 9,8% và bán buôn giảm 15,3%.
Theo Reuters, giới phân tích nhận định kinh tế Nga đang chịu tác động của nhu cầu tiêu dùng yếu và các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine. Dù vậy, mức sụt giảm nói trên không cao như dự báo của giới chuyên gia. Theo thăm dò của Reuters, các chuyên gia đã đưa ra mức giảm đến 7%.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo kinh tế nước này giảm 4%-6% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với con số được nói đến khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2-2022. Theo ngân hàng này, kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy giảm trong năm tới trước khi bắt đầu tăng trưởng trở lại trong năm 2024.
Dù vậy, một kịch bản rủi ro được nhắc đến, theo đó các điều kiện kinh tế toàn cầu xấu thêm và xuất khẩu Nga đối mặt các biện pháp trừng phạt bổ sung. Nếu điều này xảy ra, kinh tế Nga chỉ có thể tăng trưởng trở lại trong năm 2025.
Cũng theo Ngân hàng Trung ương Nga, lạm phát trong tháng 7-2022 là 15,1%. Con số này hồi tháng 4 tăng lên mức cao kỷ lục trong 20 năm là 17,8% và được dự báo đạt 12% - 15% vào cuối năm nay.
Để ứng phó biến động trong các thị trường và của đồng rúp, Ngân hàng Trung ương Nga đã có một loạt biện pháp như kiểm soát vốn và tăng mạnh lãi suất. Ngoài ra, những động thái kích thích tài chính và nới lỏng tiền tệ được tiến hành để giảm bớt tác động tiêu cực từ các đòn trừng phạt quốc tế. Moscow cũng được hưởng lợi khi giá dầu tăng cao.