Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã giảm 4% từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: EPA
Báo The New York Times dẫn lời Cơ quan Thống kê Nga ngày 12-8 cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 4% từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là báo cáo GDP hằng quý đầu tiên ghi nhận đầy đủ sự thay đổi của nền kinh tế Nga kể từ cuộc xung đột tại Ukraine ngày 24-2.
Trong quý I/2022, nền kinh tế Nga tăng trưởng 3,5%. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã cắt đứt Nga khỏi một nửa trong số 600 tỉ USD dự trữ ngoại tệ và vàng khẩn cấp ở nước ngoài, đồng thời gây ra hạn chế lớn đối với các ngân hàng Nga và khả năng tiếp cận những công nghệ của Mỹ. Hàng trăm công ty lớn của phương Tây cũng rút khỏi Nga.
Mặc dù GDP của Nga sụt giảm trong quý II/2022 nhưng nền kinh tế của nước này đã chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh hơn so với dự kiến ban đầu của một số nhà kinh tế, một phần nhờ doanh thu năng lượng khi giá cả toàn cầu tăng. Song, các nhà phân tích cho rằng thiệt hại kinh tế đối với Nga sẽ ngày càng nặng nề hơn khi các nước phương Tây hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Moscow.
Bà Laura Solanko, cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Các nền kinh tế đang chuyển đổi của Ngân hàng Phần Lan, bình luận: “Chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế Nga sẽ sụt giảm sâu trong năm nay. Sự suy giảm kinh tế nhẹ hơn dự kiến tiếp tục vào năm tới khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng suy thoái hơn trong vòng 2 năm nữa".
Theo báo The New York Times, trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2, nền kinh tế Nga trị giá khoảng 1,5 ngàn tỉ USD. Sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất lên 20%, hạn chế dòng tiền ra khỏi đất nước, đóng cửa giao dịch chứng khoán trên Sàn giao dịch Moscow và nới lỏng các quy định đối với các ngân hàng để kiềm chế các khoản vay.
Chính phủ Nga cũng tăng chi tiêu xã hội để hỗ trợ các hộ gia đình và tung ra những khoản vay cho các doanh nghiệp bị tổn thương bởi những biện pháp trừng phạt. Khi đồng rúp tăng giá trở lại, nền tài chính của Nga được hưởng lợi từ giá dầu mỏ cao.
Ông Dmitry Dolgin, nhà kinh tế trưởng về Nga tại ngân hàng ING (Hà Lan), nhận xét: "Nga đã chịu được cú sốc trừng phạt ban đầu và tương đối kiên cường cho đến nay. Nhưng trừ khi Nga đa dạng hóa thương mại và tài chính của mình, nếu không nền kinh tế sẽ yếu đi trong dài hạn".
Triển vọng nền kinh tế Nga có vẻ ảm đạm. Nếu xung đột kéo dài, Nga sẽ gặp khó khăn khi mua các bộ phận máy móc thay thế do phương Tây sản xuất và cập nhật phần mềm. Các công ty Nga cũng cần phải sắp xếp lại chuỗi cung ứng.
Điều quan trọng là triển vọng ngành năng lượng Nga, trung tâm của nền kinh tế nước này, đang xấu đi. Mỹ và Anh đã cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Sản lượng dầu của nước này sẽ tiếp tục giảm vào đầu năm tới khi lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu có hiệu lực. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga cần phải tìm khách hàng cho khoảng 2,3 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 20% sản lượng trung bình của nước này vào năm 2022.