Kinh tế Nga chứng minh sức ‘bền’ dù chịu 20.000 lệnh trừng phạt: Lần đầu tiên trong lịch sử đẩy quốc gia G7 khỏi top 10 nước sản xuất lớn nhất thế giới

Y Vân |

Đây là lần đầu tiên Vương quốc Anh rời khỏi top 10 quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, trong khi kinh tế Nga tiếp tục mạnh mẽ bất chấp hàng chục nghìn lệnh trừng phạt.

Kinh tế Nga chứng minh sức ‘bền’ dù chịu 20.000 lệnh trừng phạt: Lần đầu tiên trong lịch sử đẩy quốc gia G7 khỏi top 10 nước sản xuất lớn nhất thế giới- Ảnh 1.

Vương quốc Anh đã bị Nga và Mexico đẩy khỏi top 10 quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, tờ The Times (Anh) đưa tin.

Dữ liệu mới nhất năm 2022 của Make UK cho thấy Vương quốc Anh xếp thứ 12, giảm 4 bậc so với vị trí thứ 8 vào năm 2021. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Anh rời khỏi danh sách 10 nước sản xuất hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Nga vươn lên vị trí thứ 8 nhờ thúc đẩy sản xuất quốc phòng. Mexico chiếm thứ hạng 7 nhờ dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Theo Stephen Phipson, CEO của Make UK – công ty tham gia khảo sát, Anh là nước duy nhất không có kế hoạch sản xuất quốc gia, trong khi các nước công nghiệp trên toàn cầu đang lập kế hoạch sản xuất dài hạn.

Sự tụt hạng của Anh - quốc gia thuộc G7 - là một phần trong bức tranh suy giảm nói chung của các nền kinh tế châu Âu vốn đang ngày càng bị các thị trường mới nổi vượt qua, và đặc biệt là Nga. Theo WB, Nga đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới xét hteo sức mua tương đương (PPP).

Bất chấp các lệnh trừng phạt cực đoan, kinh tế Nga vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Theo khảo sát kinh tế vĩ mô mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), GDP nước này đang trên đà đạt mức tăng trưởng hơn 3% vào năm 2024 trong năm thứ hai liên tiếp.

Ngược lại, kinh tế Anh tăng 0,6% trong quý 1/2024, sau khi giảm 0,3% trong quý 4/2023 và 0,1% trong quý 3/2023. Tăng trưởng GDP dự kiến là 0,7% vào năm 2024, tăng nhẹ so với mức dự báo 0,5% vào tháng 4, theo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO).

Tin tức này xuất hiện khi ngành sản xuất của khu vực đồng euro đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Các lệnh trừng phạt đang ngày càng phản tác dụng, gây tổn hại cho châu Âu nhiều hơn là đối với Nga. Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) của khu vực đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tháng là 45,6 điểm vào tháng 7, trong khi PMI sản xuất của Nga vẫn cao hơn ngưỡng 50 điểm. Chỉ số PMI của Đức giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng là 42,6 và của Pháp giảm xuống mức 44,1, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp.

Phát biểu tại cuộc họp thượng viên của Hội đồng Liên bang vào tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin cho biết các nước phương Tây đã áp đặt khoảng 20.000 lệnh trừng phạt đối với kinh tế Nga, tờ Tass (Nga) đưa tin.

“Khoảng 20.000 lệnh trừng phạt hạn chế khác nhau đã được áp dụng đối với Nga. Trên thực tế, chúng không thể được gọi là lệnh trừng phạt, vì lệnh trừng phạt là các biện pháp hợp pháp do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra, trong khi đây là các biện pháp hạn chế đơn phương”, nhà ngoại giao này cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại