Kinh tế khó khăn, nên bán tài sản cho con đi du học hay để lại của cải thì tốt hơn? Đây là lựa chọn của bà mẹ Hà Nội

HIỂU ĐAN |

Đây là bài Toán mà hai vợ chồng chị Liên đã phải bàn và thảo luận với nhau trong nhiều năm từ khi con còn nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên là thạc sĩ giáo dục, hiện đang công tác tại một trường học ở Hà Nội. Chị cũng có kinh nghiệm hơn 15 năm "giáo dục tại gia" bán thời gian cho hai con. Nhiều chia sẻ của chị về giáo dục cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và học sinh quan tâm.

Chị Liên cho biết, trong tình hình kinh tế suy thoái, tiền kiếm được khó khăn, không ít phụ huynh nhờ chị tư vấn xem nên bán tài sản cho con đi du học hay là để lại của cải cho con thì tốt hơn. Bởi vì con đi du học chắc gì sau này đã kiếm được đủ tiền để mua cái chung cư hay cái nhà như vậy.

Kinh tế khó khăn, nên bán tài sản cho con đi du học hay để lại của cải thì tốt hơn? Đây là lựa chọn của bà mẹ Hà Nội- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên

Đây là bài Toán mà hai vợ chồng chị cũng đã phải bàn và thảo luận với nhau trong nhiều năm từ khi con còn nhỏ. Để chuẩn bị cho tương lai cho con, chị chia thành 2 phần nội dung, và hai vợ chồng cùng nỗ lực cho điều đó. Bà mẹ này chọn cho con đi du học để đầu tư cho tương lai của con, trên tinh thần tôn trọng lựa chọn con cái và có các bước chuẩn bị kỹ lưỡng.

Con trai lớn của chị Liên hiện đã học xong lớp 11 ở một trường công ở Việt Nam và lấy bằng THPT Mỹ online. Em cũng apply và nhận được học bổng của một số trường đại học ở Mỹ, tháng 7 năm nay sẽ nhập học.

01

Chuẩn bị về năng lực và phẩm chất cho con

Về học thuật: Điểm trung bình học tập thường chỉ quan tâm từ lớp 9, do đó từ lớp 9 phải học hành tử tế và có kết quả điểm trung bình học tập càng cao càng tốt, ít nhất mức 8,5 trung bình môn. IELTS thì nên đạt 7,5 - 8,0. Nếu muốn đạt mức 7,5 - 8,0 ở hè lớp 11 thì lớp 9 cần đặt IELTS 6 - 7, và như vậy lớp 7 cần đạt B1 đến B1+ (Bài thi PET) và lớp 5 cần đạt ít nhất Flyer (A2).

Hồ sơ nghề: Từ 7 - 12 tuổi nên cho con đi trải nghiệm, đến các khu trải nghiệm nghề nghiệp như đến thăm quan các làng nghề, làm thử sản phẩm, tham gia các lớp học ngoại khóa củng cố kỹ năng nền cho nghề như MC, vẽ, nhảy, tin học, CLB khoa học, thể thao bóng đá... Hoặc đọc các tài liệu cung cấp thông tin về nghề nghiệp.

Từ 13 - 14 tuổi nên cho con đi thực tập các công việc đơn giản tại các khách sạn, nhà hàng, siêu thị, quán ăn, trông trẻ em mùa hè để con trải nghiệm cuộc sống kết hợp với việc tìm hiểu kỹ hơn về bản thân như sở thích ưu điểm, nhược điểm của con. 14 - 17 tuổi nên học các khóa học về hướng nghiệp bài bản. 17 - 18 tuổi tuổi bắt đầu chuẩn bị profile nghề nghiệp như các dự án đang làm, các minh chứng mình đã tìm hiểu nghề như thế nào, nhất là ngành nghệ thuật và thời trang, thiết kế thì có thể sẽ phải lập một trang web riêng, một bộ hồ sơ nghề điện tử để gửi các trường.

Hoạt động ngoại khóa: Từ 7 - 12 tuổi thì ở vai trò tham gia các hoạt động ngoại khóa như học sinh tồn, các lớp học năng khiếu, các sự kiện văn nghệ trường, tham gia đi từ thiện với phụ huynh. Từ 13 - 15 tuổi là người tổ chức 1 phần hoạt động ngoại khóa như tham gia tổ chức sự kiện với vai trò MC, người tổ chức trò chơi cho một hoạt động của lớp, cùng gây quỹ thiện nguyện cho 1 hoạt động thiện nguyện, trồng rừng, tham gia các cuộc thi về bảo vệ môi trường, STEM, các giải đấu thể thao, Âm nhạc…Từ 15 - 18 tuổi là người tổ chức một hoạt động có tính lớn như tham gia ban tổ chức 1 chuyến cắm trại cho lớp, cho khối, 1 sự kiện trường, 1 sự kiện từ thiện…

02

Chuẩn bị về tài chính cho con

Nói đến tương lai, nếu bố mẹ có thể hỗ trợ con thêm về tài chính thì con sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Chính vì nghĩ đến điều đó nên bên cạnh việc đưa ra lộ trình và con đường để phát triển về năng lực và phẩm chất thì chị Liên còn có một kế hoạch rất cụ thể để tích lũy tài chính cũng như hỗ trợ cho tương lai của con.

Tính toán các khoản tiết kiệm

Chị sẽ tính toán khoản tiền cần cho con để học từ 300 triệu, 500 triệu và 1 tỷ. Để có được các khoản tiết kiệm này, chị chia lương thành các khoản chi tiêu và tháng nào cũng phải có tích lũy tương ứng.

Với khoản 300 triệu . Năm con 2 tuổi, chị Liên bắt đầu mua bảo hiểm học tập cho con, mức đóng 180 triệu và nhận về 350 triệu sau 18 năm, mỗi tháng phải trích từ lương 800 ngàn đồng, 1 năm đóng tầm 10 triệu. Sau 16 năm thì chị có tầm 350 triệu cho quá trình học đại học của con. Đây là bảo hiểm nhân thọ nên khi bố mẹ mất con còn được hưởng thêm 600 triệu. Do đó chị khá yên tâm về những thứ cơ bản để con sống và học tập. Tuy nhiên, bảo hiểm là phần tiền không rút được ra nên chị không để quá nhiều.

Khoản thứ 2 là khoản 500 triệu - 1 tỷ chị tiết kiệm bằng cách cứ hàng tháng, nếu thu nhập gia đình dư ra được ít nào là sẽ để vào tài khoản. Những khoản thưởng Tết, kiếm thêm được chị đều để vào đây. Đây cũng là dự phòng khi ốm đau của con cái, gia đình và là khoản thanh khoản được ngay mà lại không bị mất giá. Chị cố gắng để ra mỗi tháng 2 - 4 triệu đồng. Mỗi năm cũng ít nhất có 24 triệu - 48 triệu, 20 năm là có 500 triệu - 1 tỷ.

Ngoài đi làm giờ hành chính 8 tiếng thì chị Liên có công việc thứ 2 là đi dạy, nên có thêm thu nhập để cất đi vào khoản 1 tỷ đầu tư.

"Nhiều người hỏi tại sao mình không cho con học trường tư. Ngày trước làm ở 1 trường song ngữ, do có giảm 80% học phí nên mình cho con học ở đó, vì chi phí tất tật có 5 triệu/tháng. Nhưng đến khi mình chuyển đi không làm ở đó mình cũng cho con nghỉ. Vì mình còn phải cân nhắc giữa tiền đi học ở hiện tại và tiền dự phòng cho tương lai của con.

Không thể nào phung phí, đó là lý do mình tự tìm hiểu và dạy con thay vì gửi con đi học. Mình chỉ cho đi học thêm tối thiểu. Cả hồi tiểu học chỉ học thêm tiếng Anh và lên cấp 2 thì có học thêm Toán và Ngữ văn ở trường, toàn bộ tiếng Anh là mình tự tổ chức lớp cho con hoặc nếu gửi đi học mình cũng phải tìm hiểu để con học ở những nơi rất uy tín" , chị Liên chia sẻ.

Chi tiêu gia đình tiết kiệm, hợp lý, không mua sắm đồ linh tinh, tận dụng tối đa đồ được cho, được tặng. Những cái gì cần chi thì chi nên phần tiết kiệm của gia đình chị Liên khá tốt.

Giai đoạn thảo luận và giúp con ra quyết định

1. Thảo luận cùng chồng và ba mẹ (nếu cần) để xin hỗ trợ

Đến năm con học hết lớp 10, lúc đó chị Liên đã chuẩn bị được 1 cái nhà cho gia đình ở và 1 cái nhà là tiền học cho con. Lúc này cũng giống như bao gia đình khác, chị bắt đầu phải bàn bạc với chồng và bố mẹ về việc nên cho con đi du học hay không?

"Những người đàn ông, thường rất thực tế, họ nói rằng nếu chỉ đi học rồi về thì có lẽ là thôi, cũng không nên đi du học. Để thành công trong công việc con người ta cần 3 thứ: Kỹ năng chuyên môn của nghề đó; Kỹ năng khác ngoài chuyên môn; Mối quan hệ xã hội để giúp phục vụ cho công việc.

Do đó, nếu con chỉ có chuyên môn học ở nước ngoài về, thì kỹ năng sống ngoài chuyên môn và mối quan hệ cho công việc sẽ thiệt thòi. Mình có thảo luận với chồng về việc làm thế nào để bù đắp 2 kỹ năng này khi con đi du học. Cách nhanh nhất là con học ngành nghề mà bố mẹ có thể hỗ trợ xây dựng thêm quan hệ cho con mà lĩnh vực đó cũng phù hợp với tính cách của con.

Để có thể thuyết phục được chồng, mình đã phải tìm hiểu từ thị trường lao động, cuộc sống, có các mối quan hệ bàn bè đang ở tại những nơi mà mình định hướng cho con đi du học để hỏi han cũng như có nhiều lý lẽ thuyết phục ông xã hơn. Không chỉ vậy mình còn làm việc với các công ty du học, các luật sư di trú để nắm được thực tế tình hình học tập, làm việc ở tại đất nước đó ra sao.

Mình phải rất cảm ơn sự phản đối và những lý lẽ vô cùng thuyết phục của chồng. Quá trình mình tìm hiểu, thuyết phục được ông xã mình cũng chính là quá trình mình nhìn lại những kỹ năng, kiến thức thực tế của con, năng lực gia đình, nguồn lực hỗ trợ… để đưa ra được những ý kiến phản biện đáng để chồng thay đổi quyết định. Sau khi thuyết phục và được sự đồng ý của chồng thì mình mới bắt đầu trao đổi và làm việc với con" , chị Liên chia sẻ.

2. Thảo luận cùng con

Sau khi đã chuẩn bị cho con được kỹ năng sống độc lập, năng lực tự quản lý đời sống cá nhân, học tập, tài chính thì năm lớp 11, chị Liên mới bắt đầu trao đổi với con về mong muốn tương lai để con có thể quyết định.

Chị cũng chia sẻ rất rõ về ưu điểm nhược điểm của việc học tập, phát triển tại Việt Nam thì tiết kiệm được 1 số tiền làm bàn đạp cho con; Ưu nhược điểm của việc học ở nước ngoài cũng như những hạn chế khi tài chính không đủ, con sẽ phải nỗ lực nhiều hơn khi con học trong nước. Sau khi thảo luận chị không ra quyết định thay mà cho con 1 tháng để liên hệ với bạn bè ở các nước định đi học, dạy con cách tìm kiếm thông tin cũng như tự liên hệ các đơn vị tư vấn và tự ra lựa chọn.

Chị luôn quán triệt việc đi học hay ở là quyết định của bản thân con, con phải tự chịu trách nhiệm về nó, còn bố mẹ hỗ trợ tài chính, hỗ trợ cũng cấp thông tin đúng để con ra quyết định. Và sau khi cân nhắc con chị Liên đã tự quyết định là đi du học hay là học và phát triển ở Việt Nam. Đây 100% là quyết định của con chứ không hề là quyết định của bố mẹ. Trong các lựa chọn, chị đưa ra nhiều nước có thể đi du học tại Úc, Mỹ, Châu Âu.

3. Ra quyết định và bắt tay chuẩn bị hồ sơ

Sau khi con ra quyết định chọn đi du học Mỹ hoặc Úc thì lúc này chị Liên mới cùng con và thầy cô của con nhìn lại việc đi du học, đánh giá lại quá trình apply cần gì và hồ sơ của con cơ bản hiện nay có gì, thiếu gì. Lúc đó chị cùng con và thầy cô chuẩn bị nốt các hồ sơ còn thiếu.

Về cơ bản đến hết năm lớp 10 là con chị Liên đã có 60% hồ sơ ngoại khóa và hồ sơ nghề, lớp 11 con học IELTS, SAT, làm nốt 30% hồ sơ nghề và ngoại khóa còn lại. Đầu năm lớp 12 con đã làm đủ tất cả các hồ sơ để apply, con đã lên danh mục các trường đại học mong muốn và có thể apply. Con cũng đã kết thúc quá trình học tại trường để có thể đi thực tập sớm hơn các bạn.

Quá trình apply của con do được chuẩn bị kỹ, sớm nên cũng không quá vất vả như các bạn. Hiện giờ con chị Liên đã có kết quả của tất cả các trường ở Mỹ và Úc mà con nhắm tới. Tháng 12/2023, cả nhà đã lựa chọn xong trường và nơi sẽ học.

Trong thời gian chờ đợi để giữa năm 2024 đi học thì con chị Liên học lái xe, học thêm nghề phụ để chuẩn bị cho quá trình đi học và đi làm tự nuôi bản thân. Chị dạy con thêm về cách tìm hiểu luật pháp nước sẽ đi học, kết bạn với nhóm học sinh tại trường để phối hợp nhiều thứ khác. Từ năm lớp 10 chị đã cho con tập Gym, học về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bản thân để đảm bảo khi đi du học có thể tự lập.

"Với gia đình nhà mình thì quan trọng nhất là sự hiểu biết của chính bố mẹ và con. Dựa trên nền tảng sự hiểu biết thì con là người ra quyết định tương lai của con, bố mẹ hỗ trợ về tài chính và cũng cấp thông tin, cũng như giới thiệu những người có kinh nghiệm du học để hỗ trợ cho quá trình con tự ra quyết định. Cách làm này của mình rất nhàn cho bố mẹ và lại tăng thêm năng lực tự chịu trách nhiệm cho con. Xét cho cùng, tương lai của con phải do con tự quyết định" , chị Liên chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại