Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp Trung Quốc lái ô tô mang hàng ra vỉa hè bán

Minh Khôi |

Với lượng hàng tồn kho lên tới hàng chục nghìn chiếc váy, Huang Weijie, chủ một cơ sở may ở tỉnh Quảng Đông, đã trực tiếp mang sản phẩm của mình ra vỉa hè bán nhằm tìm lối thoát.

Sự thay đổi từ chính phủ

Nhiều DN quy mô nhỏ khác của Trung Quốc cũng có ý tưởng tương tự như của Huang.

Trong nhiều năm, các cửa hàng kinh doanh hè phố vẫn luôn bị coi là nhếch nhác khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, khi nhiều nhà lãnh đạo nhìn nhận hoạt động này thể hiện sự lạc hậu và lộn xộn trong một xã hội phát triển.

Theo đó, các cán bộ quản lý thị trường thường được giao nhiệm vụ đi dẹp các gánh hàng rong trên phố. Cách thức xử lý cứng rắn của họ thường dẫn đến những vụ tranh cãi và xung đột giữa người thực thi pháp luật và người bán hàng.

Tuy nhiên, vào tháng trước, chính phủ Trung Quốc dường như đã thay đổi quan điểm của họ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đã lên tiếng ngợi khen lãnh đạo Thành Đô, một thành phố ở tỉnh Tứ Xuyên, vì đã "tạo ra thêm 100.000 việc làm bằng việc cho phép hơn 36.000 cửa hàng hè phố hoạt động".

Tuy nhiên, lãnh đạo ở một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thâm Quyến, vẫn coi "nền kinh tế hàng rong" nằm ngoài lề kế hoạch phát triển kinh tế, và thậm chí còn lên kế hoạch mạnh mẽ hơn để loại bỏ loại hình kinh tế này.

Cho đến đầu năm nay, phần lớn những người bán hàng trên hè phố ở Trung Quốc là những người có thu nhập thấp hoặc không có việc làm ổn định. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu và doanh thu bán hàng nội địa, qua đó đẩy hàng chục triệu người vào cảnh thất nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp nhỏ như của ông Huang, hiện đã phải tìm đến hè phố để sống sót.

"Tôi đã nghĩ đến việc đóng cửa nhà máy, nhưng sự ủng hộ của Thủ tướng Lý Khắc Cường cho nền kinh tế hàng rong khiến tôi không muốn bỏ cuộc", Huang nói.

Lái Toyota đi bán hàng rong

Khác với những người bán hàng rong thông thường, Huang lái một chiếc Toyota trắng và tận dụng nó để bán sản phẩm của mình. Từng bán ở nhiều thành phố như Phật Sơn, Đông Hoản hay Trung Sơn, Huang thừa nhận rất khó để có thể tìm địa điểm bán hàng ở những thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Đông như Quảng Châu, Đông Hoản hay Thâm Quyến. Theo đó, hầu hết các khu vực bán hàng rong đều chỉ nằm ở các thị trấn hay thành phố nhỏ, hoặc ở quanh các khu công nghiệp, nhà máy.

"Tôi còn cả chục nghìn chiếc váy tồn kho từ cuối năm ngoái", Huang nói. Trước tiên, Huang tìm cách bán hàng ở các chợ đầu mối và các cửa hàng bán lẻ ở Quảng Châu, nhưng không mấy hiệu quả. Sau khi biết được tuyên bố của Thủ tướng Lý, Huang bắt đầu thử nghiệm bán hàng ở những tuyến phố, điều giúp ông sau đó duy trì lượng doanh thu vừa đủ để tiếp tục vận hành nhà máy thay vì phải tính đến khả năng đóng cửa.

Trường hợp của Huang không phải là cá biệt ở Trung Quốc, khi số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc, từ sản xuất may mặc cho đến phát triển phần mềm, bất kể cho tiêu dùng nội địa hay xuất khẩu, đều đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch bệnh. Tất cả hiện đều đang đối mặt với nguy cơ thiếu vốn hoạt động trong khi lượng hàng tồn kho ngày một lớn.

"Tất cả đều mong hoạt động xuất khẩu được nối lại, tuy nhiên càng ngày chúng tôi càng thấy đó là giấc mơ xa vời khi số lượng ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu không ngừng tăng", Huang nói, và trong lúc đó, việc duy trì hoạt động kinh doanh ngày một khó khăn.

Liang Lu, người điều hành một hiệp hội doanh nghiệp ở Đông Hoản, nhắc đến hàng loạt tin tức về các công ty phải đóng cửa hoặc phải bán lỗ hàng hoá để sống sót.

"Tuần trước, một cơ sở làm tất đã tìm đến chúng tôi để hỗ trợ tìm khách hàng mua 4 triệu đôi tất, tuần này là một nhà máy sản xuất giày với hàng chục nghìn chiếc, tổng giá trị lên tới 2,29 triệu USD", Liang nói. "Nhiều hàng hoá được sản xuất cho xuất khẩu giờ tồn đọng trong các nhà kho".

Ngày 15/7, nhà máy sản xuất dày Lida ở Quảng Châu thông báo đóng cửa, qua đó khiến 1.200 người lao động thất nghiệp. Công ty này cho biết hoạt động xuất khẩu đã bị ảnh hưởng mạnh do dịch bệnh và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong thông báo gửi tới người lao động, lãnh đạo công ty cho biết đã tính tới mọi giải pháp để duy trì hoạt động nhưng đều không hiệu quả, và buộc phải đóng cửa.

Bán giá thấp vẫn lỗ

Theo Huang, ngày càng có ít người kinh doanh ở chợ đầu mối ở Quảng Châu. Đây là một trong những khu vực phân phối lớn nhất của Trung Quốc với hoạt động trung chuyển hàng hoá ở thị trường trong nước và thế giới.

"Doanh số ở khu vực quần áo ở các chợ đầu mối ngày càng kém, cùng với đó là số lượng ít ỏi khách mua nước ngoài", Huang nói thêm.

Vào tháng 5, Huang từng muốn bán hàng ở Shangxiajiu, khu phố đông đúc nhất ở Quảng Châu, nhưng rồi thất bại. "Tôi đã thuê một cửa hàng nhỏ từ ngày 2/5 với chi phí vào khoảng 500 USD", mức giá chỉ bằng nửa so với thời điểm năm ngoái.

Ở Shangxiajiu có hàng trăm cửa hàng, bao gồm cả những trung tâm thương mại mang kiến trúc Á – Âu. Đây có thể là nơi đưa ra dấu hiệu dõ nhất về sức tiêu dùng của tỉnh Quảng Đông. Trước khi xảy ra đại dịch, Quảng Đông có hơn 40 triệu người lao động đến từ khắp cả nước, nên Huang kì vọng Shangxiajiu sẽ là địa bàn buôn bán màu mỡ. Tuy nhiên, mọi việc đã không diễn ra như kỳ vọng.

"Trong cả tháng, tôi chỉ kiếm được 4.000 NDT ở cửa hàng tại Shangxiujiu", Huang nói. "Điều nó khiến tôi nghĩ sức mua của người nhập cư tại Quảng Đông đã kém đi so với trước, chưa kể nhiều người đã rời đi do các nhà máy đóng cửa".

Huang nói rằng các cửa hàng từng bán hàng với giá cắt cổ giờ buộc phải bán để cắt lỗ. "Tất cả mọi người đang chạy đua để bán hàng, khi một cửa hàng giảm giá một chiếc váy xuống 40 NDT (5,72 USD) cho một chiếc váy, cửa hàng bên cạnh sẵn sàng giảm xuống 35 NDT, và các cửa hàng khác là 30 hay thậm chí là 20".

"Nhưng kể cả ở mức giá thấp, doanh thu vẫn không đáng là bao".

Trong tháng trước, Huang đã tiêu 350 NDT để thuê một căn hộ ở thành phố Trung Sơn và đi bán hàng ở cách đó 20km. "Tôi đang tìm kiếm các khu vực bán hàng ở gần nơi sinh sống của người lao động nhập cư". "Hầu hết các cửa hàng rong có diện tích khoảng 3m2 hay 2m2 với chi phí thuê từ 400 - 600 NDT/ tháng". Ở một số nơi, tôi có thể kiếm tới 500 NDT 1 đêm, và thỉnh thoảng là 200 NDT. Nhưng điều đó phụ thuộc vào số lượng nhà máy đang hoạt động gần đó.

"Tôi sẽ mở 20 cửa hàng trên phố và thuê một số người để có thể bán nhiều hàng hơn", Huang nói.

Tuy nhiên, tình hình bất ổn trong tương lai khiến Huang lo lắng. "Tôi đã bán hàng trên phố trong 2 tháng qua và đã đến nhiều khu vực công nghiệp. Vào buổi tối, mọi thứ trôi qua tĩnh lặng ở những khu vực mà người lao động thường làm thêm giờ quá nửa đêm chỉ 1 - 2 năm trước".

Và tình cảnh đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ có thể còn tồi tệ đi trước khi tình hình khá lên.

Simon Zhao, giáo sư tại một trường đại học ở thành phố Châu Hải dự báo các nhà máy ở Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa do nhu cầu từ trong nước và quốc tế tiếp tục ở mức thấp trong những tháng tới.

"Điều này sẽ còn tiếp diễn cho đến khi năng lực sản xuất cân bằng với nhu cầu của thị trường", Zhao nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại