Kinh tế ì ạch, sách lược với Mỹ không hữu dụng, Trung Quốc đối mặt thách thức "kép" sát thời điểm quan trọng

Minh Khôi |

Lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn: tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong khi phải tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại cứng rắn.

Những thách thức trong và ngoài nước cho thấy các khó khăn mà bộ máy lãnh đạo đất nước đang phải đối mặt trong bối cảnh Trung Quốc sẽ kỉ niệm 70 năm thành lập nước vào cuối năm nay.

Kinh tế tăng trưởng thấp

Trước tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và sức ép từ các vấn đề nội tại trong nền kinh tế, Bắc Kinh đã công bố một loạt các giải pháp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, bao gồm kế hoạch giảm thuế và chi phí trong phiên họp Quốc hội kéo dài 11 ngày vừa kết thúc vào ngày 15/3 vừa qua.

Vào tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công bố kế hoạch giảm thuế vào khoảng 2,000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 300 tỷ USD), cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân khi xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đang có dấu hiệu suy giảm. Bên cạnh đó, mức thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho nhà sản xuất sẽ giảm từ 16% xuống còn 13%, ngoài ra mức thuế áp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và xây dựng cũng giảm từ 10% xuống còn 9%.

Ông Lý Khắc Cường thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với viễn cảnh kinh tế tăng trưởng thấp trong nhiều năm trở lại đây, qua đó nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp kích thích tăng trưởng để duy trì tăng trưởng GDP ở mức ổn định.

Trước đó, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng GDP trong khoảng 6 - 6,5% trong năm 2019.

Bất chấp kế hoạch cắt giảm thuế ở quy mô lớn chưa từng thấy, Wang Dan, chuyên gia phân tích thuộc trung tâm nghiên cứu Economist Intelligence Unit tại Bắc Kinh, cho rằng tác động của chính sách này đối với nền kinh tế sẽ không lớn. "Ở thời điểm tăng trưởng kinh tế suy giảm, người dân sẽ không quá hào hứng đối với các chính sách kích thích kinh tế".

Hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng những gói kích thích tăng trưởng được chính phủ Trung Quốc đưa ra là phù hợp để đảm bảo nước này đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% trong năm nay. Tuy nhiên, một số bày tỏ sự nghi ngờ Bắc Kinh sẽ triển khai toàn bộ các gói kích thích nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giảm nhiệt trong vài tháng tới.

"Trung Quốc rất cẩn trọng trong việc thực thi các biện pháp kích thích tăng trưởng", Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Standard Chartered ở khu vực Trung Quốc và Bắc Á. "Họ lo ngại tác động ngược từ các biện pháp này sẽ tạo ra những rủi ro lớn trong tương lai".

Ding Shuang đánh giá các biện pháp này chỉ giúp giảm áp lực đối với nền kinh tế Trung Quốc từ cuộc chiến thương mại trong ngắn hạn, cũng như là một phần trong kế hoạch chuẩn bị của Bắc Kinh trước tình huống xấu nhất.

Duy trì đối ngoại cứng rắn, gây sức ép với Mỹ

Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố nhận định sự cần thiết phải tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng, đồng thời giữ nguyên quan điểm bảo vệ các tập đoàn công nghệ lớn của nước này, điển hình là Huawei, trước các cáo buộc từ Washington về vấn đề đánh cắp công nghệ và vi phạm lệnh trừng phạt.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết nước này ủng hộ Tập đoàn Viễn thông Huawei tiến hành các thủ tục pháp lý kiện chính phủ Mỹ. Ông Vương Nghị mô tả việc bắt giữ Gíam đốc tài chính Mạnh Vãn Châu "mang động cơ chính trị để làm suy yếu Huawei".

Cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ và hiện là người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Truong Nghiệp Toại cho rằng Washington đang có hành vi "phi đạo đức" khi kêu gọi các nước khác cấm hoạt động kinh doanh của Huawei.

"Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới chính trị trong nước đối với các biện pháp đối phó với Mỹ, và ông ấy không muốn thay đổi điều này", Diana Choyleva, chuyên gia kinh tế trưởng tại Enodo Economics, nhận định.

Bất chấp tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng ở mức tăng 7,5% so với năm trước. Với động thái này, Bắc Kinh có vẻ muốn gây áp lực với Mỹ, khi Washington đang liên tiếp có các hành động thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, cũng như răn đe việc Đài Loan mong muốn độc lập.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh tiến trình thông qua đạo luật đầu tư nước ngoài mới, vấn đề được coi là một trong những vướng mắc lớn trong quá trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, đạo luật này khi được thực thi sẽ đưa ra các khung pháp lý bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài về quyền sở hữu trí tuệ, cũng như loại bỏ yêu cầu các nhà đầu tư phải chuyển gia công nghệ khi tham gia thị trường Trung Quốc.

Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc đưa ra tuyên bố hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc, tuy nhiên cho rằng đạo luật vẫn "chung chung" và chưa giải quyết thoả đáng nhiều vấn đề tồn tại.

Yuan Jingdong, giáo sư tại Đại học Sydney, cho rằng việc đẩy nhanh quá trình phê duyệt đạo luật trên cho thấy Bắc Kinh đang đưa ra những thoả hiệp ở mức tối thiểu nhằm thuyết phục Washington chấm dứt cuộc chiến thương mại.

"Sự khó đoán định của Tổng thống Trump đã khiến giới chức Bắc Kinh đau đầu khi các chiến lược ngoại giao lâu nay của Bắc Kinh trong mối quan hệ với Mỹ đã không còn hữu dụng", ông Yuan nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại