Dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào Ấn Độ từ cuối tháng 1/2020 và đến cuối tháng 3/2020, Ấn Độ đã có hơn 1.000 ca nhiễm làm 29 người chết. Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, ngày 24/3/2020, Thủ tướng Ấn Độ đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày.
Trước đó, chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh cấm tất cả các chuyến bay quốc tế tới Ấn Độ từ ngày 19/3/2020 và cấm các chuyến bay nội địa trên toàn quốc từ ngày 25/3. Từ ngày 22/3, Ấn Độ cũng đã tạm dừng hệ thống tàu điện ngầm và xe lửa trên toàn Ấn Độ trừ những chuyến xe lửa chở hàng hóa.
01.
Những tác động nghiêm trọng
Các nhà quan sát cho rằng lệnh phong tỏa 21 ngày để chống sự lây lan của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn lên kinh tế Ấn Độ, nhất là đối với người lao động nhập cư, lao động trong khu vực không chính thức, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nông dân và người kinh doanh tự do, do bị mất phương tiện di chuyển và tiếp cận thị trường.'
Dịch lan nhanh và lệnh phong tỏa đã gây ra một thách thức khác, đó là tình trạng thiếu lao động tham gia thu hoạch các loại lúa mỳ, hạt cải và các loại ngũ cốc tại các bang nông nghiệp chủ yếu. Những nơi nào đã thu hoạch thì lại không có phương tiện để vận chuyển. Sản xuất lương thực của Ấn Độ trước đó dự kiến đạt 291 triệu tấn trong năm nay, trong đó lúa mỳ đạt 106 triệu tấn.
Một báo cáo của Dun & Bradstreet cho rằng kinh tế Ấn Độ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lệnh phong tỏa, bởi nó làm gián đoạn lớn trên nhiều lĩnh vực như sản xuất, dầu khí, tài chính… Ngoài ra, kinh tế Ấn Độ còn bị tác động sự suy thoái của nền kinh tế thế giới. Cùng với sự sụt giảm nhu cầu và các hoạt động sản xuất, sẽ xuất hiện sự sụt giảm giá dầu, cũng như giá của những mặt hàng cơ bản khác như thép, phân bón. Các nhà kinh tế cho rằng thực tế khủng hoảng kinh tế Ấn Độ đang đến gần, thể hiện qua các vụ sa thải lao động, sự suy giảm nhu cầu, và nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc dự tính Ấn Độ sẽ là một trong 15 nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19. Hãng Barclays đánh giá 21 ngày phong tỏa toàn quốc có có thể gây thiệt hại tới 120 tỷ USD cho Ấn Độ. Thị trường chứng khoán Ấn Độ trong 2 tháng qua liên tục sụt giảm. Hãng Moody dự báo kinh tế Ấn chỉ tăng trưởng 2,5% trong năm nay và 5,8% năm sau.
02.
Hành động khẩn trương của Chính phủ
Để đối phó với dịch Covid-19 và ảnh hưởng nghiêm trọng của nó tới nền kinh tế, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một loạt các biện pháp khẩn cấp.
Thứ nhất, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố một gói cứu trợ trị giá 2.1 tỷ USD cho khu vực y tế, để chế tạo các dụng cụ xét nghiệm, máy thở và huấn luyện tức tốc một đội ngũ y tế.
Thứ hai, ngày 26/3, Ấn Độ đã công bố một kế hoạch chi tiêu trị giá 22.5 tỷ USD để giúp người nghèo đối phó với dịch bệnh, bao gồm: cấp phát lương thực miễn phí cho tất cả các gia đình nghèo trong 3 tháng; tăng bảo hiểm sức khỏe cho người lao động; cấp tiền một lần cho 30 triệu người cao tuổi; trợ cấp tiền mặt cho 87 triệu nông dân; câp phát dầu đun bếp miễn phí cho phụ nữ nông thôn trong 3 tháng; lập một quĩ giúp đỡ công nhân xây dựng bị ảnh hưởng bới cách ly.
Thứ ba, để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, Bộ trưởng tài chính Nirmala Sitharaman hôm 24/3 tuyên bố một số biệp pháp nới lỏng tài chính, trong đó có việc gia hạn thời hạn đóng thuế thu nhập, thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) năm 2019 cho đến 30/6; các doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 triệu USD sẽ không phải chịu lãi suất, phạt hoặc phí đóng chậm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng dự trữ Ấn Độ cũng đã quyết định cắt giảm 0,75% đối với lãi suất repo (thỏa thuận mua lại) cho các ngân hàng thương mại xuống còn 4,4%, đây là mức cắt giảm lớn nhất kể từ năm 2009.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng giảm lãi xuất reverse repo xuống còn 4% khi các ngân hàng thương mại gửi tiền vào Ngân hàng dự trữ Ấn Độ. Việc hạ lãi suất này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng vay lại ở mức lãi suất thấp hơn.
Ngân hàng dự trữ của Ấn Độ cũng cho phép giãn nợ 3 tháng đối với các ngân hàng thương mại, khiến các ngân hàng này cũng có thể giãn nợ đối với các công ty và người tiêu dùng. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đã thông qua các ngân hàng thương mại để bơm vào thị trường khoảng 500 - 600 tỷ rupi tương đương 9 - 10 tỷ USD.
Ngân hàng này cho biết nhiệm vụ của Chính phủ là duy trì niềm tin của thị trường và sự ổn định tài chính.
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ nhấn mạnh Ấn Độ chưa bị suy cạn nguồn lực và sẵn sàng đối phó ngay cả khi nền kinh tế bị ảnh hưởng tồi tệ hơn nữa.
Ông cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để kích thích tăng trưởng. Ấn Độ cũng đưa ra sáng kiến và đăng cai một cuộc họp trực tuyến vào ngày 15/3/2020 giữa các nhà lãnh đạo các nước SAARC (Hiệp hội Nam Á vì sự phát triển khu vực) nhằm phối hợp chống đại dịch, trong đó Ấn Độ cam kết đóng góp 10 triệu USD cho một Quĩ khẩn cấp các nước SAARC chống COVID-19
Chính phủ Ấn Độ cũng đã tuyên bố thành lập một Lực lượng đặc nhiệm nhằm triển khai các giải pháp kinh tế ứng phó đối với Covid-19. Bộ trưởng tài chính Nirmala Sitharaman cho biết một gói kinh tế riêng sẽ sớm được công bố để đối phó với tác động kinh tế của dịch Covid-19.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng để có nguồn tiền thực hiện các gói cứu trợ nói trên, chính phủ Ấn Độ gần như chắc chắn sẽ phải từ bỏ mục tiêu thâm hụt ngân sách 3,5% GDP của năm nay và để cho nợ công tăng lên tới 8,5 - 9%GDP; đồng thời, chính phủ Ấn Độ cũng sẽ phải đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ở các công ty có vốn nhà nước.
Điều may mắn cho Ấn Độ - nước chịu phụ thuộc tới 70% vào nhập khẩu dầu lửa từ nước ngoài - là giá dầu thế giới hiện đang giảm sâu, giúp cho Ấn Độ tiết kiệm được đáng kể chi phí nhập dầu.
03.
Kế hoạch hậu Covid-19
Tuy nhiên, các nhà kinh tế Ấn Độ cũng cho rằng trên đây chỉ là những biện pháp ngắn hạn và chưa đủ mạnh. Hãng Bloomberg cho rằng Ấn Độ cần phải tăng chi tiêu thêm ít nhất 30 tỷ USD nữa.
Để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra sau dịch bệnh, họ cho rằng chính phủ Ấn Độ cần phải có ngay một kế hoạch dài hạn, giúp các doanh nghiệp Ấn Độ, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tự đứng dậy.
Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đã gợi ý chính phủ cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; đồng thời, bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài. Một số chuyên gia kinh tế Ấn Độ thì đề nghị Chính phủ phải nhân cơ hội này phát động một cuộc cải cách lần hai như Ấn Độ đã làm năm 1991, nhằm đưa nền kinh tế Ấn Độ phát triển bền vững và vượt lên phía trước.
Triển vọng kinh tế của Ấn Độ cho đến nay vẫn khó lường, nhưng các dự báo đều cho rằng dù sao kinh tế Ấn Độ vẫn còn khá hơn tình trạng chung của nền kinh tế thế giới. Ấn Độ thậm chí còn được coi là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong số các nước G20 trong năm nay.
Theo dự báo của Đơn vị tình báo kinh tế EIU, với tốc độ 2-2,5%, tăng trưởng GDP của Ấn Độ vẫn cao hơn mức tăng 1% của Trung Quốc và Indonesia, trong khi Mỹ sẽ tăng trưởng âm 2,8%, Đức - âm 6.8%, Pháp - âm 5% và Ý nặng nhất với âm 7%./.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.