Kinh nghiệm xương máu khi mua nhà cũ

Khánh Linh (tổng hợp) |

Những lời hoa mỹ từ cò đất và chủ nhà là điều bạn phải tránh khi tới mua nhà cũ. Hãy quan sát kĩ những điều dưới đây để không phải hối hận về sau.

Mua nhà cũ là giải pháp hiệu quả với gia đình có nhu cầu ở ngay mà kinh tế eo hẹp. Tuy nhiên, để chọn được ngôi nhà phù hợp, người mua cần phải cẩn thận, xem xét tỉ mỉ, khảo sát nhiều lần, đắn đo cân nhắc rồi mới quyết định mua.

Để tránh rủi ro và chọn được ngôi nhà ưng ý, dưới đây là 7 lưu ý mà người mua nhà không nên bỏ qua khi mua nhà đã qua sử dụng:

1. Giá quá rẻ

Khi thấy một ngôi nhà cũ được đăng bán với giá rất rẻ so với giá thị trường, đa phần người mua sẽ rất mừng. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh và suy nghĩ xem tại sao căn nhà lại có mức giá quá hời ấy, chủ nhà thực sự muốn bán vội vì cần tiền hay nó đang có vướng mắc gì?

Kinh nghiệm xương máu khi mua nhà cũ  - Ảnh 2.

Một trong những nguyên nhân khiến nhà cũ được rao bán giá rẻ đó chính là liên quan đến giấy tờ không rõ ràng, sổ đỏ chung, hoặc liên quan đến một số ràng buộc của pháp luật.

Cũng có thể lý do họ "bán tống bán tháo" là do các yếu tố liên quan đến hàng xóm, môi trường sống xung quanh. Rất nhiều người muốn bán nhà vì hàng xóm dân trí thấp, khu vực có nhiều tệ nạn xã hội...

Những người mua lại sau một thời gian lại bán đi, tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn. Vì vậy, nếu như bạn cảm thấy môi trường sống xung quanh ngôi nhà cũ bạn muốn mua không được tốt, thì bạn nên suy nghĩ kỹ.

Đừng vì muốn mua được nhà cũ với mức giá rẻ mà nhanh chóng ký hợp đồng trong khi chưa quan sát, nghiên cứu tình hình xung quanh. Đến khi chuyển tới sống mới biết phải "đối mặt" với nhiều rắc rối như hàng xóm "Chí Phèo", ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường,...

Tất cả các yếu tố đó không chỉ ảnh hưởng xấu với chính bản thân, mà còn đem đến tác động tiêu cực cho các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em.

2. Các vết nứt và nghiêng

Ngôi nhà có thể được chủ sơn lại để đưa đến cảm giác mới, nhưng nếu không xem kỹ thì người mua có thể phải trả giá. Có những ngôi nhà xây đã lâu, quét sơn lại, nhìn như mới. Chỉ khi chủ sở hữu dọn về ở mới phát hiện ra tường đã bị nứt, cửa bị mục nát và lún, nghiêng.

Người bán có thể che đậy các vết nứt bằng vật liệu xi măng. Cho nên, bạn cần nhờ một kỹ sư xây dựng đến kiểm tra cẩn thận. Các vết nứt không được quá 0,6cm, nếu lớn hơn sẽ không đảm bảo an toàn cho cả gia đình bạn sinh sống.

3. Sổ đỏ

Kinh nghiệm xương máu khi mua nhà cũ  - Ảnh 5.

Khi được người bán cho xem sổ đỏ, nhiều người mua đã vội yên tâm là đủ tính pháp lý. Tuy nhiên, mọi chuyện không hoàn toàn như vậy. Hãy lưu ý tới những thông tin đề cập trong sổ đỏ của ngôi nhà.

Nếu diện tích thực của ngôi nhà là 50m2 nhưng trong sổ đỏ chỉ 40m2 thì chứng tỏ họ lấn chiếm 10m2, có nguy cơ rắc rối pháp luật với phần lấn chiếm, cơi nới hoặc lấn đường này. Vì vậy, hãy "điều tra" thật kỹ và thương lượng để được giảm giá hợp lý.

Một điều cần lưu ý nữa chính là xem quy hoạch để xác định ngôi nhà có nằm trong vùng bị quy hoạch, giải tỏa hay không. Tốt nhất trước khi mua lên phường kiểm tra ngôi nhà có bị vướng quy hoạch hoặc bất cứ tranh chấp gì hay không.

4. Vị trí ngôi nhà

Kinh nghiệm xương máu khi mua nhà cũ  - Ảnh 7.

Dù nhà mới hay cũ, chưa cần bàn qua vấn đề giá cả hay kiến trúc thì vị trí địa lý của ngôi nhà là yếu tố hàng đầu mà ai mua nhà cũng phải quan tâm. Tuy nhiên, rất nhiều người bỏ qua yếu tố này hay xem nhẹ nó, sau đó dẫn đến những trở ngại trong sinh hoạt thường ngày của cả gia đình.

Do vậy, khi mua nhà, bạn cần cân nhắc xem ngôi nhà này có gần nơi làm việc, gần trường học của con, gần bệnh viện, chợ, siêu thị... hay không, bởi cuộc sống của gia đình bạn phụ thuộc rất nhiều vào vị trí ngôi nhà.

5. Tường, trần nhà bị nấm mốc

Kinh nghiệm xương máu khi mua nhà cũ  - Ảnh 9.

Trước khi bán, chủ nhà có thể quét sơn lên để che phủ phần tường bị nấm mốc. Nếu kiểm tra kỹ vẫn có thể phát hiện được. Bạn nên quan sát kỹ trong các ngăn của tủ bếp và bồn rửa trong bếp, chân của bồn tắm và bồn cầu… xem có xuất hiện dấu hiệu của nấm mốc hay không.

Các vết bong tróc, ẩm mốc, sần sùi ở tường và trần nhà là dấu hiệu cho thấy nhà bị ngấm nước. Nếu bạn hoặc con đang gặp các vấn đề về hô hấp thì nấm mốc và độ ẩm cao từ ngôi nhà có thể là rủi ro gây ra các hệ lụy tới sức khỏe.

6. Tìm hiểu lịch sử mua bán

Kinh nghiệm xương máu khi mua nhà cũ  - Ảnh 11.

Khi mua một ngôi nhà cũ để ở, chắc chắn bạn phải quan tâm đến tính pháp lý của nó. Dù là mua bán thông qua các đơn vị chuyên nghiệp hay tự mua, bạn cần nắm rõ lịch sử ngôi nhà.

Do vậy, trước khi quyết định xuống tiền, bạn cần tìm hiểu xem ngôi nhà có đang được thế chấp ở ngân hàng, chủ sở hữu hiện tại có trong tình trạng nợ hay tranh chấp ngôi nhà không, giấy tờ ngôi nhà đã được xử lý rõ ràng chưa, có đang trong diện quy hoạch nào hay sai phạm diện tích gì không…

Đối với những người duy tâm, bạn còn phải xem xét đến nguyên nhân bán của chủ cũ có liên quan tới các yếu tố tâm linh hay không?

7. Sàn nhà cong vênh

Kinh nghiệm xương máu khi mua nhà cũ  - Ảnh 13.

Nếu bạn mua nhà, đừng quên mang theo một viên bi và đặt viên bi xuống sàn. Nếu như viên bi không đứng yên có thể do sàn nhà đã bị cong vênh. Đây là điều quan trọng bạn nên chú tâm vì việc sửa chữa nhà sàn cong vênh tốn kém rất nhiều chi phí, khi bạn phải bỏ sàn đang có, làm lại sàn và lắp đặt sàn mới khớp với sàn ban đầu.

Với nhà không lát sàn gỗ thì sàn không bằng phẳng hay gạch lát sàn bị phồng lên có thể do chất lượng thi công kém, nhưng cũng có thể do sụt lún hay nghiêng ở nền móng. Trong trường hợp này cũng cần kiểm tra xem tường có bị nghiêng hay không. Tốt hơn hết là bạn nên thuê một kỹ sư xây dựng đánh giá độ an toàn trước khi mua nhà.

8. Hệ thống điện, nước

Kinh nghiệm xương máu khi mua nhà cũ  - Ảnh 15.

Khi mua nhà, bạn nên bật vòi nước ở bồn rửa hoặc vòi hoa sen để kiểm tra nước có chảy mạnh hay yếu. Chú ý ở hệ thống thoát nước ở bồn rửa và nhà tắm phải nhanh và không đọng nước trên sàn. Bạn có thể thuê một thợ chuyên nghiệp về đường nước kiểm tra các chi tiết ở đường ống xem có bị hỏng hay nứt gì không.

Những thiết bị liên quan đến điện nếu không đảm bảo có thể dẫn đến cháy nổ, mất an toàn cho bản thân bạn và gia đình. Người mua cần chú ý kiểm tra xem hệ thống điện có bị hở hay không, kiểm tra aptomat trong nhà. Xem kỹ có mảng tường nào bị nâu hay cháy đen không, có thể đó là dấu hiệu từng bị cháy nổ về điện.

9. Thẩm định 2 lần

Có thể bạn nghĩ việc này không cần thiết, thế nhưng đây là kinh nghiệm khá hay của nhiều người. Bạn có thể nhờ một đơn vị thẩm tra khác hoặc nhờ một người quen có chuyên môn thẩm định lại những điểm trên.

Việc này có thể tốn kém hơn, nhưng mang lại hiểu quả tích cực. Dù có giỏi tới đâu thì con người vẫn khó tránh khỏi sai sót, nhất là trong việc tìm hiểu cả một công trình. Thẩm định lần 2 là không thừa trong những quyết định lớn như việc mua nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại