Kinh nghiệm “lo ăn” của Singapore thành bài học cho thế giới trước cuộc khủng hoảng lương thực thời Covid-19

Linh Anh |

Với mật độ dân số đông nhất thế giới, việc lo ăn cho 5,7 triệu người luôn là thách thức lớn với đảo quốc sư tử Singapore, nơi chỉ có 0,9% diện tích dành cho nông nghiệp.

Có một nghịch lý đang ngang nhiên tồn tại giữa mùa Covid-19 ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi thịt và các loại nông sản khác trở nên khan hiếm trên các kệ hàng siêu thị, người nông dân Mỹ lại phải đổ bỏ thành quả lao động của mình vì chẳng bán được cho ai. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực trong lòng nước Mỹ chỉ là bức tranh thu nhỏ cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do Covid-19 gây ra.

Kinh nghiệm “lo ăn” của Singapore thành bài học cho thế giới trước cuộc khủng hoảng lương thực thời Covid-19 - Ảnh 1.

Phụ thuộc gần như chủ yếu vào nước ngoài trong vấn đề lương thực, Singpore không vì thế mà đánh mất an ninh lương thực của mình. Ngay cả khi diện tích đất dành cho nông nghiệp chỉ chiếm 0,9% nhưng người dân Singapore có quyền tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao với giá cả cực kỳ phải chăng.

Singapore đứng đầu về chỉ số an ninh lương thực trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đang là trọng tâm của đảo quốc sư tử trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 phởi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Lương thực không tránh khỏi vòng xoáy đó, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Kinh nghiệm “lo ăn” của Singapore thành bài học cho thế giới trước cuộc khủng hoảng lương thực thời Covid-19 - Ảnh 2.

Những gì đang xảy ra với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đặt ra vấn đề cấp bách cho quốc gia giàu có nhưng dễ bị tổn thương ở Đông Nam Á. Cùng với đó, đòi hỏi về sự tự lực cũng gia tăng. Trong khi các quốc gia trên thế giới đối mặt với viễn cảnh tăng gấp rưỡi nhu cầu với lương thực vào năm 2050, Singpore đang giải quyết những điều đó ngay từ lúc này.

Mất nhiều năm lên kế hoạch, nỗ lực nhằm duy trì dòng chảy hàng hóa từ quốc gia láng giềng Malaysia đã giúp nguồn cung lương thực của Singapore không gián đoạn ngay cả giữa đại dịch Covid-19. Dân số gia tăng trong khi hạn chế về đất đai và tác động của biến đổi khí hậu buộc các nhà lãnh đạo ở đảo quốc sư tử phải tính toán nhiều hơn bất cứ ai.

"Chúng ta có thể nhìn vào những quốc gia như Singapore để học theo họ. Họ đau đáu về bài toán lương thực trong suốt nhiều năm và tôi nghĩ rằng bây giờ họ đang được hưởng những thành quả từ điều đó", Giáo sư Andrew Borrell, chuyên gia nông nghiệp ở Viện Đổi mới Lương thực và Nông nghiệp Queensland, chia sẻ.

Kinh nghiệm “lo ăn” của Singapore thành bài học cho thế giới trước cuộc khủng hoảng lương thực thời Covid-19 - Ảnh 3.

Nhằm đối phó ngay lập tức với những tác động của đại dịch, Chính phủ Singapore đã tăng tốc hỗ trợ các trang trại địa phương để họ tăng trưởng và phát triển nhanh hơn trong vòng 6 tới 24 tháng tới. Tháng 4 năm ngoái, Singapore cũng thành lập Cơ quan Thực phẩm nhà nước để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực. Cơ quan này đang làm việc để có thêm một mạng lưới cung cấp thực phẩm với đối tác từ 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về lâu dài, nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực ở Singapore là một kế hoạch 3 giai đoạn. Đầu tiên, quốc gia này sẽ đang dạng hóa nguồn thực phẩm cho đất nước. Cùng với đó, họ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đi ra nước ngoài làm nông nghiệp và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Yếu tố thứ 3 đang được xem là mũi nhọn đầy tham vọng của đảo quốc sư tử. Singapore muốn áp dụng mọi công nghệ có thể nhằm đảm bảo tự sản xuất đủ 30% nhu cầu lương thực của đất nước vào năm 2030. Hiện nay, nền nông nghiệp của Singapore chỉ có thể đáp ứng được 10% nhu cầu trong nước.

Kinh nghiệm “lo ăn” của Singapore thành bài học cho thế giới trước cuộc khủng hoảng lương thực thời Covid-19 - Ảnh 4.

Giáo sư William Chen của Đại học Công nghệ Nanyang cho biết, nhằm đạt được mục tiêu tham vọng này, Singapore đang phát triển các công nghệ canh tác mới như canh tác thẳng đứng, thu hồi chất dinh dưỡng từ rác thải thực phẩm và sử dụng công trùng, vi tảo và thịt nhân tạo làm các nguồn protein thay thế.

Trong khi đó, Cơ quan Thực phẩm nhà nước cho biết họ đang tiến hành giải phóng nhiều không gian hơn cho sản xuất lương thực ở đô thị. Ví dụ, mái các tòa nhà, mái các bãi đỗ xe cao tầng sẽ được dùng để canh tác nông nghiệp. Chính phủ Singapore đang tài trợ cho các nghiên cứu về canh tác bền vững trong đô thị cũng như các sản phẩm protein nhân tạo. Họ cũng đang nâng cao năng lực nuôi trồng hải sản ở vùng biển phía nam đất nước.

Ngoài ra, Singapore cũng đẩy mạnh tài trợ cho áp dụng công nghệ vào các nông trại hiện hữu nhằm tăng sản lượng. Hiện tại, 200 giấy phép nông trại công nghệ cao đã được Singapore cấp vào năm 2018. Các nông trại được cấp phép chủ yếu sản xuất các sản phảm như rau, cá và trứng.

Kinh nghiệm “lo ăn” của Singapore thành bài học cho thế giới trước cuộc khủng hoảng lương thực thời Covid-19 - Ảnh 5.

Trong một công trình giống như cái lồng trên đỉnh bãi đậu xe ở Ang Mo Kio, công ty Citiponics Pte Ltd. đã trồng 4 tấn rau bằng phương pháp thủy canh. Trong khi đó, một phần của một trường trung học cũ ở trung tâm thành phố gần đây cũng được sử lại để phục vụ mục đích nông nghiệp đô thị.

Nếu chứng minh được khả năng, hệ thống thực phẩm đô thị của Singapore có thể được xuất khẩu sang các quốc gia láng giềng và trên thế giới. Trong thời kỳ khủng hoảng, mọi người đều tin rằng hợp tác cùng nhau sẽ giúp cho chuỗi cung ứng thực phẩm còn nguyên vẹn, Giáo sư Chen cho hay.

Đại dịch Covid-19 không phải lần đầu tiên việc đối mặt với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đẩy Singapore đi nhanh và quyết tâm hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu giai đoạn 2007-2008, chứng kiến giá một số mặt hàng chủ lực tăng vọt, nhiều nhà sản xuất nông nghiệp của Singapore đã được Chính phủ tài trợ để tăng cường năng lực sản xuất trong nước.

Kinh nghiệm “lo ăn” của Singapore thành bài học cho thế giới trước cuộc khủng hoảng lương thực thời Covid-19 - Ảnh 6.

Những nỗ lực của Singapore trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tận dụng từ bờ biển tới mái nhà để canh tác, đồng nghĩa nước này có lợi thế để dẫn đầu cuộc đua đổi mới công nghệ thực phẩm. Theo các chuyên gia về kinh tế và nông nghiệp, Singapore thiếu đất nhưng lại có kiến thức, bí quyết và phương tiện để phát triển nông nghiệp hiệu quả hơn.

Một chìa khóa khác để kích thích lĩnh vực này là khuyến khích người dân Singapore hỗ trợ các sản phẩm được sản xuất trong nước. Cơ quan thực phẩm quốc gia của Singapore cho biết, người nông dân nhận thấy sự gia tăng nhu cầu trực tuyến với sản phẩm nông nghiệp kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 nổ ra. Cơ quan này hy vọng khoản thu nhập bổ sung từ phương thức tiêu dùng mới sẽ giúp người nông dân cải thiện công nghệ và có năng suất cao hơn.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, các nhà bán lẻ của Singapore cũng hợp tác chặt chẽ với chính phủ. Richard Ruddy, lãnh đạo lĩnh vực bán lẻ của Lazada ở Singapore, cho biết công ty đang hỗ trợ sản xuất tại Singapore, làm việc với nông dân để giúp họ biết loại nông sản nào đang được ưa chuộng nhất và đáp ứng nhu cầu đó.

"Đây thực sự là cải tiến của chúng tôi ở Singapore. Chúng tôi có những sản phẩm được thu hái trong ngày và chuyển tới nhà khách hàng ngay trong buổi tối", Ruddy chia sẻ.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 trở thành bài kiểm tra cho năng lực của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là khi tăng trưởng dân số, biến đổi khí hậu và khan hiếm nước ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để con người hiểu rõ hơn về nhu cầu dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm cũng như việc sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn. Thậm chí, thói quen sử dụng thực phẩm cũng sẽ biến đổi vì Covid-19.

Bài: Linh Anh

Thiết kế: Hương Xuân

Tham khảo: Bloomberg

Theo Trí Thức Trẻ 24/5/2020

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại