Bí mật sau việc máy bay có thể xả hàng tấn nhiên liệu vào bầu khí quyển

Bảo Nam |

Trong trường hợp khẩn cấp, phi hành đoàn có thể phải quyết định đổ gần hết nhiên liệu của máy bay vào không trung, hoặc chấp nhận rủi ro hạ cánh với một "quả bom xăng khổng lồ".

Vào ngày 23/3/2018, một phụ nữ 60 tuổi trên chuyến bay từ Thượng Hải đến New York bắt đầu khó thở. Khi cô bắt đầu rơi vào tình trạng bất tỉnh, phi công biết chỉ còn một việc phải làm để cứu người phụ nữ này. Đó là đổ gần 30 tấn nhiên liệu của máy bay lên bầu trời.

Chuyến bay sau đó đã hạ cánh khẩn cấp ở thành phố Anchorage, phía nam của tiểu bang Alaska, nơi vị nữ hành khách sau đó được chuyển nhanh tới một bệnh viện địa phương.

Nhưng làm thế nào mà việc trút hết số nhiên liệu máy bay có trị giá gần 20.000 USD lại có thể cứu mạng một con người?

Bí mật sau việc máy bay có thể xả hàng tấn nhiên liệu vào bầu khí quyển - Ảnh 1.

Một máy bay đang xả nhiên liệu để hạ cánh khẩn cấp.

Đây được gọi là việc xả nhiên liệu trên không. Về cơ bản, nó là hiện tượng máy bay đang trong tình huống khẩn cấp, buộc phải quay về sân bay sau khi xuất phát một khoảng thời gian ngắn hoặc phải hạ cánh khẩn cấp. Khi đó, nó phải xả trực tiếp nhiên liệu ra môi trường để làm giảm trọng lượng toàn máy bay.

Bởi về nguyên tắc, máy bay được thiết kế để hạ cánh dưới một con số trọng lượng nhất định. Vì nếu một chiếc máy bay quá nặng, nó có nhiều khả năng chạm đất mạnh và bị hư hại. Hãy tưởng tượng tác hại của một cú va chạm với 5.000 gallon nhiên liệu, tức là khoảng cân nặng bằng ba con voi, bên trong một chiếc máy bay.

Và trong thực tế, hầu hết các máy bay không cất cánh, hoặc hạ cánh với một bình căng tràn đầy. Trước khi cất cánh, người lập kế hoạch chuyến bay cần tính toán lượng nhiên liệu cần thiết để hoàn thành chuyến đi. Vì vậy, nhiên liệu bị đốt cháy đủ trong suốt chuyến bay và trọng lượng của máy bay giảm xuống tới mức an toàn để nó hạ cánh.

Do đó, một phi công sẽ chỉ quyết định xả nhiên liệu vào những tình huống rất hiếm gặp. Ví dụ như có một trường hợp khẩn cấp y tế, ai đó sắp chết và phi công không thực sự có đủ thời gian để bay vòng vòng và đốt số nhiên liệu cần thiết. Vì vậy, trong trường hợp đó thì đổ nhiên liệu ra môi trường là cách để máy bay giảm trọng lượng một cách nhanh chóng. Vụ việc năm 2018 chính là một trường hợp khẩn cấp như vậy.

Bí mật sau việc máy bay có thể xả hàng tấn nhiên liệu vào bầu khí quyển - Ảnh 2.

Nhiên liệu được xả qua hệ thống riêng ở cánh máy bay.

Máy bay có một hệ thống xả nhiên liệu ra môi trường, với công suất hàng nghìn pound nhiên liệu mỗi giây. Hệ thống này có thể đưa một chiếc máy bay trở về trọng lượng hạ cánh tối đa của nó chỉ trong 15 phút hoặc ít hơn, đơn giản bằng cách gạt một công tắc trong buồng lái. Hầu hết các hệ thống này là một loạt các máy bơm và van chuyển hướng nhiên liệu đến phía đầu cánh.

Việc xác định chính xác tốc độ xả nhiên liệu là khá khó khăn, do nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố môi trường, độ cao và lượng nhiên liệu còn lại. Càng thừa nhiều nguyên liệu thì tốc độ xả càng nhanh và hiển nhiên lượng xả sẽ càng ngày càng chậm lại.

Theo nguyên tắc chung cho máy bay Boeing 747, các phi công sẽ xả dao động từ một đến hai tấn nhiên liệu mỗi phút, dựa theo công thức: Thời gian xả = (Tải trọng xả / 2) + 5 (phút). Vào năm 2009, một chiếc Airbus A340-300 phải quay trở về sân bay sau khi cất cánh không lâu, đã xả 53 tấn nhiên liệu trong thời gian 11 phút.

Bí mật sau việc máy bay có thể xả hàng tấn nhiên liệu vào bầu khí quyển - Ảnh 3.

Nếu để ý kỹ, bạn sẽ phát hiện ra hệ thống xả nhiên liệu trên mỗi chiếc máy bay.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ có một số quy định liên quan tới việc xả nhiên liệu này. Ví dụ như máy bay phải cách ít nhất 2.000 feet (khoảng 600 mét) so với các chướng ngại vật cao nhất dọc theo tuyến đường bay; cách ít nhất là 8 km với bất kỳ máy bay khác và cách xa khu vực dân cư cùng các cơ quan nhà nước bất cứ khi nào có thể.

Còn về việc đổ nhiên liệu vào khí quyển có gây ra hậu quả gì hầu như không có cơ quan bảo vệ môi trường nào lo lắng về điều đó. Bởi trong thực tế các hậu quả là cực kỳ hiếm gặp. Đồng thời, các hãng hàng không cũng không coi điều này là lãng phí tiền bạc.

Hãng hàng không Anh British Airways ước tính vào năm 1999 rằng chỉ có 0,01% nhiên liệu được sử dụng bởi ngành hàng không mỗi năm bị đổ ra bầu khí quyền. Nếu con số đó vẫn còn tăng đến ngày hôm nay, nó vẫn... không đáng kể. Bởi số nhiên liệu máy bay này được cho là sẽ bốc hơi trước khi nó rơi xuống trái đất. Tuy nhiên, một phần trong số đó vẫn sẽ lơ lửng trong bầu khí quyển. Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật Mỹ đã liệt kê các kết quả hỗn hợp liên quan đến khả năng phân hủy sinh học của nhiên liệu máy bay, kết luận rằng chúng có thể bị lan tỏa bởi gió và trở thành một thành phần của khói bụi.

Tại sao máy bay lại phải xả nhiên liệu vào môi trường?

Tất nhiên, nếu không muốn xả hàng tấn nhiên liệu vào không khí, các phi công có thể quyết định hạ cánh với một chiếc máy bay "thừa cân". Việc này đã xảy ra một lần nhưng nó không được các tổ chức an toàn bay khuyến khích. Theo thông kế, trong gần 300 sự cố an toàn máy bay từ đầu những năm 1900 đến nay, việc hạ cánh quá cân là một trong những nguyên nhân góp phần đáng kể. Và khi máy bay hạ cánh thành công, bằng bất cứ hình thức nào, chúng sẽ cần được kiểm tra rất kỹ trước khi được phép bay trở lại.

Ngày nay, gần như không có vấn đề nếu một phi hành đoàn quyết định xả nhiên liệu vào không khí, hoặc hạ cánh quá cân. Mỗi lựa chọn đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Nhưng trong mọi tình huống khẩn cấp, nhiệm vụ tiên quyết của các phi công là đưa máy bay xuống đất càng nhanh càng tốt và an toàn nhất có thể. Tính mạng của hành khách luôn là ưu tiên số một.

Tham khảo Business Insider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại