Sao lùn nâu là cái tên mà giới thiên văn đặt cho một dạng thiên thể cô đơn trong vũ trụ, cao cấp hơn hành tinh nhưng chưa thể gọi là một ngôi sao. Nghiên cứu vừa công bố trên Astrophysical Journal cho thấy thế giới này sở hữu nhiều thứ có thể tìm thấy trên Trái Đất và Sao Mộc.
Sao lùn nâu - Ảnh: NASA
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Arizona đã tìm thấy các dải và sọc trên sao lùn nâu gần Trái Đất nhất, một vật thể có kích thước tương đương với Sao Mộc của Hệ Mặt Trời nhưng nặng hơn hàng chục lần. Tuy nhiên, nó vẫn nhẹ hơn nhiều so với các ngôi sao nhỏ nhất.
Sao lùn nâu rất khó quan sát vì không có một ngôi sao nào chiếu sáng cho nó. Nó chỉ nóng lên, tỏa sáng mờ nhạt đôi chút khi mới hình thành rồi mờ dần trong suốt cuộc đời nên chưa có kính thiên văn nào nhìn rõ được bầu khí quyển của chúng
Science Daily cho biết nghiên cứu mới đã phân tích các tìn hiệu quang phổ từ các dải và sọc và đối chiếu với các mô hình máy tính, đã cho thấy các dải và sọc đó chính là dấu vết của những cơn gió và dòng phản lực, thứ mà chúng ta vẫn thấy trong khí quyển Trái Đất. Những cơn gió này đang trộn lẫn các thành phần khí quyển, phân phối lại nhiệt trên bề mặt sao lùn nâu. Ngoài ra, nó cũng sở hữu các cơn bão xoáy khổng lồ ở vùng cực giống Sao Mộc.
Theo phó giáo sư Daniel Apai từ Đại học Arizona, bầu khí quyển cung cấp rất nhiều thông tin của một thiên thể, ví dụ như cách khí hậu Trái Đất phát triển và duy trì hay Sao Mộc hình thành như thế nào. Các phát hiện mới này là một cửa sổ quý giá để đi vào thế giới của những sao lùn nâu. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi và hy vọng có thể hiểu được vật thể đã tiến hóa như thế nào để rồi mắc kẹt lưng chừng giữa trạng thái của một hành tinh và một ngôi sao.