"Kính nể Nguyên Ngọc vì ông khơi thức văn hoá Tây Nguyên một cách giản dị, tựa lẽ đương nhiên..."

TS Trịnh Thu Tuyết |

"Tôi luôn nghĩ Tây Nguyên cũng chính là "loại hình sống" của Nguyên Ngọc khi nhận ra cái hay phát khóc của tập sách có cội nguồn từ rừng, từ niềm đam mê!" - TS Trịnh Thu Tuyết.

ĐỌC "CÁC BẠN TÔI Ở TRÊN ẤY"

Từ rất nhiều năm rồi, khao khát hướng về đại ngàn đã mất cứ như một món nợ day dứt, như một điều gì đó rất cội nguồn, rất thân yêu, tự trong tiềm thức thuở hồng hoang, khi nhãng đi tới bao năm không đoái hoài, thảng hoặc lại cồn cào, da diết tựa phút tỉnh thức của một kẻ bạc tình! Và Các bạn tôi ở trên ấy của Nguyên Ngọc đã như ngụm "nước mội" phần nào vơi dịu cơn khát đại ngàn của một kẻ lãng du.

Cuốn sách được đọc rất nhiều lần, như người ta tới rừng và "ăn rừng" không thể trong một lần. Lần đầu, có những trang viết mà tuổi "lục thập nhi nhĩ thuận" cũng phải vùng thoát khỏi cái lớp bồ hóng dày đặc của sự chai lỳ điềm đạm mang tên từng trải, để bồng bột viết dưới dòng cuối cùng của bài hai chữ "Tuyệt diệu!" thay cho việc gào to niềm khát khao và ngưỡng mộ hướng về đại ngàn cùng ngòi bút duy nhất xứng với đại ngàn; nhưng bên cạnh đó, vẫn có những trang viết được đọc bằng lý trí nghiêm cẩn, với tư duy phản biện như tấm khiên bất ly thân mà con người thời hiện đại luôn mang bên mình tạo một ảo giác sức mạnh khi không còn nhiều lòng tự tin vào sức mạnh - lý trí ấy hình như có lúc đã phát hiện ra khiếm khuyết của sự hoàn hảo: ấy là sự trùng lặp của chi tiết, của nhân vật, của ý tưởng, thậm chí của những triết lý thâm trầm trong 24 bài viết! 

Lần thứ hai, thứ ba... đọc lại, theo hành trình "ăn rừng" hay đã bị "rừng ăn", bỗng bàng hoàng xấu hổ vì cái khờ dại lúc đầu: hoá ra đây là rừng, đâu phải công viên mà quy hoạch lớp lang, dọc ngang mạch lạc, toàn bộ cuốn sách, toàn bộ 24 bài viết, như cành như nhánh, trùng điệp lớp tầng, không tách không nhập, không đầu không cuối, cứ miên man, ngoằn ngoèo tầng bậc, cứ giăng mắc, thoắt ẩn thoắt hiện, hun hút, chào mời, dẫn dụ, như lạ, như quen... Ấy là sự nhận biết đầu tiên về bố cục.

Kính nể Nguyên Ngọc vì ông khơi thức văn hoá Tây Nguyên một cách giản dị, tựa lẽ đương nhiên... - Ảnh 1.

TS Trịnh Thu Tuyết được nhiều thế hệ học trò kính mến. Ảnh: Zing.

Bố cục là yếu tố khá hiển ngôn mà còn khó nhận ra như thế, nói gì tới phần mơ hồ huyền hoặc nhất, phần khó nắm bắt nhất trong mọi sự nắm bắt trên đời, đó là tìm tới căn cốt của cuốn sách, nhận diện ra cái "chất Tây Nguyên", văn hoá Tây Nguyên, văn hoá hồng hoang nguyên thủy trong các mạch nguồn chằng chịt của cuốn sách, của rừng!

Thấy kính nể nhà văn khi ông gọi tên, nhận diện và khơi thức văn hoá Tây Nguyên từ những yếu tố vật thể tới phi vật thể một cách giản dị, đương nhiên!

Đầu tiên là khái niệm văn hoá, cái khái niệm loài người thường bối rối khi lý giải. Edouald Herriot cho rằng: "Văn hóa, đó là cái còn lại khi người ta đã quên hết cả, đó là cái vẫn thiếu khi người ta đã học đủ cả" (La culture, c’est qui reste quand con a tuot oublie, c’est ce qui manque quand on a toun appris). Cách diễn giải độc đáo này thực ra vẫn rất trừu tượng, mơ hồ như đặc trưng của chính khái niệm văn hoá. 

Nguyên Ngọc đã suy nghĩ về văn hoá theo cách không thể tinh sắc hơn khi dùng chính Tây Nguyên để hình dung ra văn hoá: "Tây Nguyên chính là sự chông chênh kia, một thế bền vững chông chênh, một thế chông chênh bền vững. Đấy là con người, đấy là văn hoá. Mà có phải văn hoá thì bao giờ cũng chông chênh không? Văn hoá nào cũng vậy, nếu quả thật là văn hoá. 

Bởi văn hoá là sự cố gắng bứt ra của con người khỏi tự nhiên, bứt ra nhưng vẫn cứ phải dính liền, không chìm nghỉm trong ấy nhưng vẫn phải nhúng rễ rất sâu trong ấy, nếu không muốn khô khốc, cằn cỗi, chết rụi"! ( tr.76) - hình như chưa có ai đem tới cho văn hóa một định nghĩa sống động tới ám ảnh, day dứt, vừa bản năng, vừa lý trí như thế, và ngẫm kỹ thì sẽ nhận ra sự giao thoa trong cách định nghĩa của Edouard Herriot và Nguyên Ngọc về văn hoá: những thành tựu vật chất và tinh thần của con người tự thượng cổ tới nay luôn là cái "bứt ra" đầy lý trí để hướng tới phát triển, vừa là sự "nhúng rễ rất sâu" vào cái bản năng nguồn cội thanh sạch, nguyên sơ, cái gốc rễ thăm thẳm, hun hút, cái "còn lại" nhưng luôn "vẫn thiếu khi người ta đã học đủ cả"!

Định nghĩa về văn hoá đã khó, cố gắng nắm bắt và mô tả gương mặt chân thực của văn hoá Tây Nguyên còn khó hơn rất nhiều. Và nhà văn đã đi theo con đường của linh mục Jacques Dournes - con đường "quy y văn hoá Tây Nguyên", sự quy y bằng trái tim: "Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để có thể hiểu" (tr. 124), đó là cách tới với Tây Nguyên bằng "một tình yêu chân thật, thành kính, đầy ngưỡng mộ như Jacques Dournes đã tỉnh táo mà say đắm ngưỡng mộ trước con người và văn hoá Tây Nguyên" ( tr. 125).

Và tình yêu đã đưa đường cho nhà văn tới với từng lớp trầm tích của nền văn hoá mông lung, sâu thăm, bí ẩn, vừa phi lý vừa minh triết, vừa sâu sắc vừa ngây thơ, vừa ngang tàng vừa thấu đạt nơi đại ngàn!

Chất Tây Nguyên tường minh đầu tiên hiện ra trong cái hữu hình vật thể mang tên đại ngàn chính là những ngôi nhà Tây Nguyên! Ít ai dựng lên được "những chiều kích của rừng" qua hình ảnh nhà Tây Nguyên như Nguyên Ngọc - ai đó đã nói về tính nhạc trong kiến trúc với cao độ, trường độ, tiết tấu, nhịp điệu... của mảng khối, đường nét, của ánh sáng và bóng tối...; tới Nguyên Ngọc, ông mô tả nhạc tính hùng vĩ, bí ẩn, kỳ diệu ấy một cách giản dị và sâu sắc, cụ thể và lãng mạn bắt đầu từ hình ảnh so sánh "...Nhà dài như một tiếng chiêng" trong câu thơ xa xăm chứa chan niềm đam mê hướng về những khao khát chinh phục của vị tù trưởng "đầu đội khăn kép vai mang túi da"; nhưng nếu hình ảnh sử thi tái hiện ngôi nhà Tây Nguyên trong một chiều kích không gian qua âm vang tiếng chiêng ngân nga huyền hoặc thì cái nhìn của Nguyên Ngọc với kiến trúc nhà dài Tây Nguyên là sự tích hợp uyển chuyển của tri giác và cảm nhận: đó là ấn tượng của thị giác hình khối hoà trong thính giác âm nhạc khi cảm nhận bản nhạc rừng - bản giao hưởng Tây Nguyên trong "những ngôi nhà sàn, to nhỏ dài ngắn khác nhau, lộn xộn một cách nhịp nhàng, chạy theo chiều dài của làng men sông, như những nốt trầm bổng đậm nhạt trên những dòng nhạc của một thứ ký âm pháp gắn bó mà tự do..." ( tr.14); đó còn là cảm nhận lai láng chất thơ, chất nhạc khi nhìn ra bên trong sự nối dài của những nếp nhà trong không gian đại gia đình Tây Nguyên là "chiều kích sự tồn tại vĩnh cửu của dòng họ trong thời gian bất tận" (tr. 13) - tất cả hoà quyện, hiện hữu qua độ ngân ngút ngát, độ vang xa xăm, độ trầm sâu thẳm của tiếng chiêng Tây Nguyên!

Kính nể Nguyên Ngọc vì ông khơi thức văn hoá Tây Nguyên một cách giản dị, tựa lẽ đương nhiên... - Ảnh 2.

Nhà dài của dân tộc Ê Đê, Tây Nguyên. Ảnh: Zing

Nói về kiến trúc nhà dài Tây Nguyên đến mức ấy cũng đã là thần diệu, nhưng nhà văn còn đọc ra phần hồn của kiến trúc khi quan sát và nhận ra hình thù cùng tên gọi các bộ phận trong ngôi nhà Tây Nguyên luôn phảng phất những ký ức về biển, phỏng đoán chất phiên lưu lãng tử trong mạch máu của những người dân cao nguyên phải chăng do nỗi khát khao ngủ sâu trong tiềm thức về một chốn xa khơi!

Đặc biệt, văn hoá Tây Nguyên trong ngôi nhà rông Tây Nguyên còn có những hiện hữu nồng gắt sống động trong sự am hiểu của nhà văn có sự gắn bó và tình yêu máu thịt với Tây Nguyên khi ông so sánh ngôi nhà rông được xây dựng để quay phim, sau tặng lại cho làng và trở thành một dị vật lạnh ngắt, hoang phế... với "nhà rông - hồn của làng", nơi già làng kể khan, dân làng uống rượu cần và thức những đêm trắng cùng sử thi, truyền cho nhau từ cách đi săn con thú tới tỉa lúa trên nương, cách ứng xử với bạn với thù, với con người và thần linh, cách yêu đương, hò hẹn..., là nơi trẻ con chơi đùa, thanh niên ca hát, tụ hội, nơi diễn ra toàn bộ đời sống cộng đồng, nơi ấy "... Chỗ nào cũng nồng gắt hơi người. Cả cái mùi hết sức đặc trưng, không lẫn vào đâu được khi ta la cà trong các ngôi nhà Tây Nguyên: mùi mồ hôi người, mùi khói bếp, mùi thuốc lá nặng trịch, mùi rượu cần đã tàn vướng vất..., tất cả trộn lại, đặc sánh đến tưởng có thể nắm lấy, cắt nhỏ ra được... Và ngay giữa ban ngày, giữa nhà một cái bếp vẫn đang âm ỉ cháy, làn khói xanh chập chờn trong ánh nắng lọt qua các khe bếp..." ( tr. 61). Không thuộc về Tây Nguyên, không thể nắm bắt và mô tả cái đặc sánh la đà đến thế của văn hoá Tây Nguyên!

Kính nể Nguyên Ngọc vì ông khơi thức văn hoá Tây Nguyên một cách giản dị, tựa lẽ đương nhiên... - Ảnh 3.

Nhà rông là đặc trưng của dân tộc Ba Na hay Gia Rai ở Tây Nguyên. Ảnh: Zing

Một yếu tố hữu hình mênh mông trùng điệp hun hút thẳm sâu, luôn xanh non trẻ trung mà vẫn hiền minh thâm trầm, "một thực thể sống động, khổng lồ, cường tráng, hùng vĩ... mà lạ thay, cũng lại rất mong manh, hết sức mong manh, ngày càng đang trở nên cực kỳ mong manh" (tr.50), yếu tố được nhà văn dành trọn vẹn niềm yêu mãnh liệt mà thành kính, đó là rừng Tây Nguyên! 

Xuyên suốt 24 bài viết, rừng Tây Nguyên lẩn khuất, gọi mời, dẫn dụ... trong những hình hài vật chất hoặc những khao khát mơ hồ - đó là khởi nguyên khởi thuỷ của quá khứ, là chung cục tận cùng của tương lai, là môi trường sống của mọi chiều thời gian - khái niệm "môi trường sống" tuyệt không mang nghĩa thực dụng như cách người hiện đại man rợ, tham si hay nghĩ về việc cung cấp vật dụng, đồ ăn, nước uống hay không khí... Bằng tất cả nỗ lực của kẻ "quy y" mê đắm với "đạo rừng", Nguyên Ngọc đã lý giải về rừng tường minh mà mông lung như bản chất của rừng - "môi trường sống", đơn giản đó là nơi con người thuộc về trong cố gắng "bứt ra" và niềm khát khao tan nhập; đó là Mẹ, nơi nếu không thoát ra thì không nên người nhưng nếu dứt bỏ thì không còn là người; đó là cõi hồng hoang sâu hút trong tận cùng tiềm thức với những đam mê đẫm chất phồn thực nguyên sơ, nơi người Tây Nguyên cứ một năm một lần, trong tháng Ninh Nông, (khi còn rừng!), lại vứt bỏ tất cả, lặng lẽ kéo nhau đi vào rừng sâu, sống hoàn toàn nguyên thuỷ, "tắm rửa toàn bộ thể xác và linh hồn trong ngọn nguồn tuyệt đối trong lành của nguyên thủy" (tr. 139), vừa gột bỏ hết bụi dơ thời hiện đại, vừa nạp thêm cho mình nguồn năng lượng rừng lạ lùng và say đắm. 

Qua sự cắt nghĩa của nhà văn, rừng hiện ra là bản thể, bản ngã, tăm tối và hiền minh, là Mẹ sinh thành bao bọc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, là sự hiện hữu cụ thể bình dị nhưng cũng là đấng thiêng bí ẩn, vừa uy hiếp, đe dọa vừa cám dỗ, mê hoặc, có khả năng khiến thăng hoa hoặc hút kiệt linh hồn, thân xác con người! 

Kính nể Nguyên Ngọc vì ông khơi thức văn hoá Tây Nguyên một cách giản dị, tựa lẽ đương nhiên... - Ảnh 4.

Một góc núi rừng Tây Nguyên. Ảnh: Tintuc.vn

Do vậy, rừng Tây Nguyên tuyệt đối không vô tri mà có linh hồn, thân phận, là cái vật thể thấm đẫm giá trị phi vật thể, là nguyên nhân khiến con người - một thành tố máu thịt của rừng nếm trải nỗi đau đớn tới hoang mang, trống rỗng khi chứng kiến sự biến mất tàn nhẫn, phi lý của rừng tự nhiên ngay trên ngôi nhà triệu năm của nó, thấy con người " đã quét sạch xong hết trên mặt đất, bây giờ đang moi sạch nốt dưới lòng đất", khi lý trí hoảng sợ nhận ra "một quy luật vận hành ổn định, điều hoà, thông minh của tự nhiên...một quy luật khác đã được thiết lập, quy luật của hỗn loạn" (tr. 53), và theo mạch dẫn của trùng điệp những cội, những cành dày đặc giăng mắc trong bố cục tác phẩm, người đọc hiểu sự hỗn loạn ấy đương nhiên không có chỗ cho sự công bằng, hiền minh và nhất là lòng nhân ái, những khái niệm luôn được con người nhắc đến trong thế giới thời hiện đại mông muội, ngu dốt, tàn bạo!

Văn hoá Tây Nguyên đương nhiên đậm đặc nhất ở con người Tây Nguyên trong mọi bình diện cuộc sống của họ. Cũng từ khu rừng già chằng chịt miên man của sự chồng chéo kết nối 24 bài viết, Nguyên Ngọc đã thành công một cách đáng kinh ngạc khi vẽ ra hình hài của linh hồn người Tây Nguyên.

Ông cho chúng ta thấy mỗi người Tây Nguyên là một tế bào máu thịt không thể tách rời khỏi cộng đồng, lại cũng đồng thời là một thân phận riêng, một Bản Ngã không thể xâm nhập, họ là một vũ trụ riêng trong cộng đồng cộng sinh đặc biệt của người Tây Nguyên; họ là những lữ khách lang thang vô định, những nghệ sĩ có tâm hồn đặc biệt lãng mạn khi phó mặc cuộc đời mình cho cuộc rong chơi và những "sự hay ho không gì sánh được của cái tình cờ" (tr. 19); họ cũng lại là những triết gia thấu hiểu sự vô danh có ý nghĩa của mỗi con người khi tình cờ xuất hiện thoáng chốc giữa dòng thời gian vô thủy vô chung, những cá thể sinh ra từ rừng và sau chớp mắt lại biến mất trong cái vô tăm tích ngút ngát mịt mùng bất tận của rừng...

Có lẽ đóng góp lớn nhất của nhà văn chính là việc ông đã chỉ ra một loạt những quan niệm giúp giải mã chất Tây Nguyên ( tất nhiên không phải quan niệm qua những lập thuyết lập ngôn mà qua sự chưng cất của cuộc sống, cách sống, tự nhiên nhi nhiên!).

Ví như quan niệm về lao động - ở bình diện này có thể thấy người Tây Nguyên là những người lãng mạn nhất thế gian khi họ không coi lao động là một giá trị, họ lao động không để tích lũy, chỉ để đủ cho thân xác tồn tại - họ say mê, họ đắm đuối, họ sống ra người, thật sự người ...cho tất cả những niềm vui tinh thần với âm nhạc, akhan, tình yêu, rượu cần...; họ dành phần quan trọng nhất của cuộc đời cho rong chơi, lang thang, ca hát và yêu đương!

Kính nể Nguyên Ngọc vì ông khơi thức văn hoá Tây Nguyên một cách giản dị, tựa lẽ đương nhiên... - Ảnh 5.

Hoặc quan niệm không thể đúng hơn về nghệ thuật: "Ở Tây Nguyên không có người nghệ sĩ chuyên nghiệp. Người ta không làm nghề nghệ thuật. Nghệ thuật tuyệt đối không phải là một nghề. Nghệ thuật là đời sống, cách sống, thế thôi. Là hơi thở. Là không khí" (tr.38). 

Trong bài viết về Tượng gỗ rừng già, nhà văn giúp chúng ta nhận chân nghệ thuật từ chính cách làm nghệ thuật của người Tây Nguyên: "Nhìn kỹ các pho tượng nhà mồ Tây Nguyên mà xem. Mặc cho các nhà chuyên môn uyên bác giải thích, nào là hình tượng con khỉ, nao là hình tượng con người suy tưởng nào là hình tượng bào thai của sự sinh thành..., kỳ thực, chúng chẳng giống cai gì hết. Chúng không chép hiện thực. Chúng chỉ là sự bùng lên của một khát vọng đột ngột đến, vì sự kích thích của môt dịp thiêng liêng nào đó. Đến, rồi đi, có khi mãi mãi, mãi mãi không bao giờ người nghệ sĩ tài ba bât thần một phút ấy còn sáng tác được nữa. Không bao giờ thành chuyên nghiệp" (tr. 39)!!! 

Tôi những muốn chép đoạn văn minh triết và thấu đạt này gửi tặng một vài nhà phê bình văn học thời hiện đại thích chứng tỏ sự uyên bác qua cách cắt nghĩa văn chương theo tư duy xã hôi học dung tục, cao giọng lên án tư tưởng trọng nam khinh nữ trong Truyện Kiều hay hành vi bất chấp luật pháp của Chí Phèo..., những nhà phê bình muốn "phân chất một mùi hương" (Xuân Diệu), muốn ngắt " hoa trong gương", vớt "trăng dưới nước" (từ của Tạ Trăn, đời Minh)! 

Tôi càng thấm thía thức nhận xấu hổ của một nhân vật trong bài Hiền minh của rừng khi nhận ra "những người hiện đại ngu dốt chúng ta...cứ muốn đến đây để dạy dỗ cho họ về nền văn minh của mình" (tr.45), có phải đó là những bước lùi của xã hội loài người so với cái hiền minh nguyên thủy khi chúng ta từng tranh cãi nhau cả thập kỷ về vị nghệ thuật hay vị nhân sinh, đinh ninh đang nghiên cứu về bản chất nghệ thuật mà không biết rằng đối tượng chúng ta tranh cãi chỉ là cái thân xác thô thiển thực dụng có hình hài na ná nghệ thuật mà không được sinh thành linh hồn, không thoát thai từ chính linh hồn nghệ sĩ rừng mê đắm, ngẫu hứng, bất chợt, không thể định đoán, không thể kiềm giữ, cũng chẳng thể chủ định hun đúc hay tạo tác, cứ như hơi thở, tự nhiên nhi nhiên, như ngọn lửa chợt bùng chợt tắt...! 

Đọc các bài viết về đẽo tượng nhà mồ, đàn Klong Put, chế men rượu... mới càng thấy xấu hổ cho những khái niệm chỉ có ở thế giới tham sân si tăm tối mông muội người hiện đại về nhuận bút hay tác quyền... - hoá ra, người Tây Nguyên đã dạy cho chúng ta những bài học sâu sắc nhất về bản chất nghệ thuật: đó là niềm mê đắm bùng cháy bất thần, không cưỡng nổi trong tiềm thức, hiện hữu thành những pho tượng tuyệt đẹp, và khi ngọn lửa tắt, những pho tượng sau khi thỏa mãn niềm hưng phấn sáng tạo, ngay lập tức và mãi mãi bị phó mặc cho hoang phế, gió mưa..., tất nhiên không ai lưu giữ, chẳng ai bán mua...! 

Cũng như trong bài viết về cây đàn Klong Put của Tây Nguyên - Nguyên Ngọc đã đưa tới cho người đọc một "triết lý Klong Pút làng", triết lý của thứ nghệ thuật lộn xộn, tuỳ hứng, những bản nhạc "Chỉ chợt sáng tạo hết sức tuỳ hứng, rồi để cho tan biến đi luôn, không bao giờ còn thấy lại, nghe lại, lần sau lại là một sáng tạo khác, và cũng lại biến mất đi mãi mãi như vậy, cho đến lần sau nữa, bất tận..." ( tr. 257). 

Kính nể Nguyên Ngọc vì ông khơi thức văn hoá Tây Nguyên một cách giản dị, tựa lẽ đương nhiên... - Ảnh 6.

Đàn klông pút mang hồn Mẹ Lúa. Ảnh: T.N, báo Kon Tum

Tôi có nghe đâu đó câu chuyện về một nhạc sĩ cả cuộc đời tựa một kiếp du ca, sáng tác theo sự mách bảo, xui khiến của nỗi đam mê trong tiềm thức, hát lên niềm đam mê ấy, để rồi quên, không bao giờ lưu giữ những ca từ, những giai điệu trong phút loé sáng của "ngẫu hứng", phải chăng đó mới chính là nghệ thuật đích thực, như Tây Nguyên, thứ nghệ thuật thuần khiết trong sạch, không vướng bụi!

Khi viết về "Người hát rong giữa rừng" Tây Nguyên, Nguyên Ngọc đã chạm tới một vấn đề khá nhạy cảm của nghệ thuật - Y Yơn, một ngọn gió lang thang của Tây Nguyên đã làm công tác dân vận, địch vận bằng những khúc tình ca muôn đời, tuyệt nhiên không nhắc tới căm thù, giác ngộ hay kháng chiến..., " không "kịp thời" kiểu thực dụng, không chính trị kiểu bây giờ thường gọi là "minh hoạ"... cứ bình thản nói về cái muôn đời, cái thường ngày và nhỏ nhoi, nhưng lại là cái bền vững, trường tồn..." (tr. 161) - thật kỳ lạ khi người nghệ sĩ hát rong của Tây Nguyên ấy không bao giờ biết rằng, ông đã lặng lẽ chứng minh cho sức mạnh vĩnh hằng của nghệ thuật đích thực trong xung đột với cái thực dụng nhất thời của "văn nghệ minh họa" (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Minh Châu).

Một người phụ nữ Tây Nguyên chia sẻ cảm giác khi nghe âm nhạc Tây Nguyên: "Chị bảo mỗi lần nghe chỉ muốn khóc, đang làm gì cũng dừng lại, ngồi một mình mà ứa nước mắt, không vì duyên cớ gì cả, chỉ vì... hay quá, không sao chịu nổi" (tr.193). Đó cũng là cảm giác của tôi, khi tới với Tây Nguyên của Nguyên Ngọc qua những trang viết hiền minh và mê đắm Các bạn tôi ở trên ấy

Tập sách có một bài viết về "Loại hình sống Condo", nhan đề xuất phát từ câu nói của Condo: "Với tôi, dân tộc học là một loại hình sống", qua diễn giải của Nguyên Ngọc, "loại hình sống" không phải là nghề nghiệp, nó được hiểu như sự chọn lựa của ban thân, sự áp đặt của số phận, sự ân thưởng của tạo hoá, nói giản dị, đó là "loại hình sống" của người sinh ra cho một niềm đam mê tiền định! Tôi luôn nghĩ Tây Nguyên cũng chính là "loại hình sống" của Nguyên Ngọc khi nhận ra cái hay phát khóc của tập sách có cội nguồn từ rừng, từ niềm đam mê!

* Tựa đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại