Kỳ 1: Căn bệnh khiến người mắc chắc chắn tử vong
Các triệu chứng bệnh Kuru xảy ra dần dần nhưng không thể thay đổi được, bắt đầu bằng những cơn đau đầu, đau khớp, run ở bàn tay và bàn chân, lúc đầu nhẹ nhưng tăng dần về cường độ. Các cử động của nạn nhân ngày càng trở nên vụng về, không thể phối hợp, còn tư thế và dáng đi không vững. Chẳng mấy chốc, họ không thể đi lại được nữa, gặp tình trạng run nghiêm trọng và co thắt cơ bắp. Sau đó là những triệu chứng đáng báo động nhất, khi các nạn nhân bắt đầu bật khóc hoặc cười không kiểm soát được mà không cần có lý do. Sau đó là tình trạng lú lẫn, mê sảng và tê liệt, cho đến khi họ không di chuyển, nói, ăn hoặc giao tiếp bằng mắt được. Cuối cùng, 12 tháng sau khi xuất hiện các triệu chứng, cái chết không thể tránh khỏi đã đến.
Một đứa trẻ người Fore mắc Kuru giai đoạn tiến triển. Ảnh: Wikipedia
Năm 1914, trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Thế giới thứ nhất, quân đội Australia đã xâm lược và chiếm đóng thuộc địa New Guinea của Đế quốc Đức. Những khu vực mà sau này là Papua New Guinea vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Australia trong 70 năm nữa. Trong những thập kỷ tiếp theo, các nhà truyền giáo và Sĩ quan Tuần tra Thuộc địa đã thâm nhập ngày càng sâu hơn vào nội địa nhằm nỗ lực truyền bá Cơ đốc giáo, luật pháp, hành chính và thực hành y tế phương Tây cho người dân bản địa trên đảo.
Vào đầu những năm 1950, các quan chức thuộc địa bắt đầu lọc lại các báo cáo về một căn bệnh kỳ lạ và nan y đang hoành hành người dân bản địa ở Cao nguyên phía Đông, gồm người Fore và cả người Awa, Yate, Usurfa ở vùng lân cận. Người Fore gọi bệnh này là Kuru, bắt nguồn từ từ “kuria” có nghĩa là “rung lắc” hoặc “run rẩy”. Căn bệnh này gây ra tình trạng mất kiểm soát cơ bắp dần dần và kết cục luôn là tử vong.
Kuru còn được gọi là nagi-nagi, tức là "bệnh cười", do nạn nhân có xu hướng cười tự phát trong giai đoạn sau của bệnh. Được cho là bắt nguồn từ khoảng đầu những năm 1900, đến những năm 1950, Kuru đã trở thành một dịch bệnh bùng phát toàn diện, giết chết khoảng 200 người Fore, tức 1% dân số, mỗi năm.
Người phương Tây đầu tiên mô tả về bệnh Kuru là sĩ quan tuần tra thuộc địa Arthur Carey. Carey đã quan sát thấy trong một báo cáo năm 1951 rằng căn bệnh này ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em Fore nhiều hơn nam giới. Các nhà nhân chủng học Ronald và Catherine Berndt cũng mô tả bệnh này vào năm 1952 và sĩ quan tuần tra John McArthur nói về bệnh này vào năm 1953. Tuy nhiên, tất cả đều bác bỏ thông tin rằng dịch bệnh này là một hiện tượng tâm lý thuần túy, một dạng cuồng loạn tập thể bắt nguồn từ niềm tin của người Fore vào ma thuật và sự chiếm hữu linh hồn.
Trong thực tế, ban đầu, chính những người Fore tin rằng Kuru do những phù thủy độc ác từ các nhóm đối thủ gây ra. Các phù thủy lấy các bộ phận trên cơ thể nạn nhân như tóc hoặc móng tay và kết hợp với quần áo, lá cây, máu và các thứ khác để tạo thành một “bó kuru”. Sau đó, thầy phù thủy lắc bó kuru này hàng ngày cho đến khi nạn nhân mục tiêu bị run rẩy và mắc bệnh Kuru.
Tuy nhiên, nhà virus học người Mỹ Daniel Gajdusek và bác sĩ Vincent Zigas không tin Kuru là bệnh hoàn toàn mang tính tâm lý. Ông viết thư cho Ronald Berndt nói rằng: “Ý kiến hiện tại của chúng tôi là rằng bệnh Kuru chết người không thể là chứng cuồng loạn, rối loạn tâm thần hoặc căn bệnh tâm lý nào đã biết. Bằng chứng về tổn thương hệ thần kinh trực tiếp là quá rõ ràng như lác mắt (mắt rũ xuống hoặc lác), và trong các ca bệnh giai đoạn sau, xuất hiện hình ảnh của bệnh thần kinh tiến triển”.
Người Kuru. Ảnh: Wikimedia Commons
Do đó, vào năm 1957, ông Gajdusek và Zigas đã tiến hành nghiên cứu khoa học đầu tiên về Kuru. Phân tích của họ được công bố trên Tạp chí Y khoa Australia, cho rằng Kuru có thể có nguồn gốc di truyền, được truyền lại theo dòng họ. Tuy nhiên, việc xác nhận giả thuyết này sẽ cần nghiên cứu kỹ hơn về mối quan hệ họ hàng giữa những người Fore. Vì vậy, vào năm 1961, nhờ khoản tài trợ nghiên cứu từ Quỹ Rockefeller, nhà nghiên cứu y học Michael Alpers và nhà nhân chủng học Shirley Lindenbaum đã tới Cao nguyên phía Đông của Papua New Guinea để tiến hành một nghiên cứu nhân chủng học và dịch tễ học kỹ lưỡng về người Fore.
Trong hai năm tiếp theo, ông Alpers và Lindenbaum phát hiện ra rằng mối quan hệ họ hàng giữa người Fore không hoàn toàn dựa trên mối liên hệ sinh học, mà là một hệ thống phức tạp của liên kết xã hội và gắn kết với các cá nhân xung quanh. Họ phát hiện ra Kuru lây lan chủ yếu theo quan hệ họ hàng nhưng không phải chỉ lây lan giữa các cá thể có quan hệ sinh học với nhau, khiến bệnh này khó có thể được truyền qua di truyền. Dữ liệu dịch tễ học loại trừ khả năng lây truyền qua không khí, côn trùng hoặc nước bị ô nhiễm.
Vậy bệnh lây truyền như thế nào? Câu trả lời bất ngờ sẽ khiến giới khoa học choáng váng và mở ra một chương mới kỳ lạ trong nghiên cứu về bệnh tật của con người.
Đón đọc kỳ cuối: Nguồn gốc bệnh gây sốc