Xe sang xếp hàng mua lễ ông Công, ông Táo

camnhung |

Dịp này, con phố Hàng Mã (Hà Nội) luôn ken cứng người đi sắm lễ ông Công, ông Táo...

Chỉ còn 1 ngày nữa là đến ngày Tết ông Công - ông Táo, nhiều bãi gửi xe quanh khu vực phố Hàng Mã (Hà Nội) đã chật kín các loại xế hộp sang trọng. Tuy không được phép đi xe con vào khu vực này, nhưng nhiều đại gia vẫn chấp nhận đi bộ cả km để sắm được những bộ lễ ưng ý.

Bỏ hàng chục triệu mua đồ lễ vàng mã

Theo phong tục, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Táo lên trời, vì vậy, mọi gia đình phải làm lễ, mua sắm tiền vàng và phương tiện để ông Táo lên trầu trời. Lễ vật trong ngày này không thể thiếu bộ ông Công, ông Táo (bao gồm 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày) và đặc biệt là cá chép - phương tiện để ông Táo lên trời.

Dịp này, con phố Hàng Mã (Hà Nội) luôn ken cứng người đi sắm lễ ông Công, ông Táo

Phố Hàng Mã, Hà Nội - nơi được coi là thủ phủ buôn bán các mặt hàng dành cho người cõi âm đã khởi động sôi động từ hơn nửa tháng nay. Các mặt hàng cúng lễ được bày biện đỏ rực cả góc phố.

Chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã, Hà Nội cho hay, năm nay, thị trường đồ cũng lễ đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Ngoài các đồ cũng quen thuộc như: áo, mũ, giày, cá chép giấy, tiền vàng,…thì thị trường năm nay cũng có thêm một số sản phẩm mới như: thỏi vàng, hũ vàng, dây vàng, cành lộc vàng, bông lúa vàng, quả dứa vàng...Ngoài ra, còn có nhiều loại vàng mã thuộc loại xa xỉ khác như: ôtô Audi mui trần, Mercedes, BMW hay Lexus...

Nhiều xế hộp phải đỗ từ xa để mua đồ lễ vàng mã

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát, giá các mặt hàng này tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Cụ thể, một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo dao động khoảng 150.000 đồng, tăng 20.000 – 30.000 đồng so với năm ngoái.

Các loại quần áo, mũ dép, tiền vàng... cũng tăng 1.000-2.000 đồng/cái và dao động quanh mức 10.000-12.000 đồng/cái. Quần áo chúng sinh có giá khoảng 35.000-40.000 đồng cho 100 bộ.

Còn một số mặt hàng xa xỉ như các loại ô tô vàng mã thì thường có giá lên đến hàng trăm nghìn đồng. Mỗi chiếc xe loại 4 chỗ có giá khoảng 200 nghìn đồng. Còn dòng xe 7 chỗ thì giá thường khoảng 300 nghìn đồng. Đặc biệt, có một số loại ô tô “khủng” thì giá có thể lên đến vài triệu đồng.

Chị Hà, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, tuy là các mặt hàng đắt tiền, nhưng nhiều đại gia vẫn không ngán. Vì giá của mặt hàng này quá “chát” nên nhiều chủ cửa hàng không dám nhập nhiều, nên người mua hàng thường phải đặt hàng trước ít nhất 2 – 3 hôm.

“Có những đại gia mỗi lần sắm lễ tại cửa hàng tôi thường tốn đến hàng chục triệu đồng cho 1 bộ đồ lễ. Thậm chí, với dịp lễ Tết Nguyên Đán, có bộ lễ tiêu tốn cả trăm triệu đồng”, chị Lan nói.

Các mặt hàng hàng mã rất đa dạng

Cũng theo chị Lan, khác với năm ngoái, năm nay kinh tế khó khăn, nên cách đây từ nửa tháng, nhiều gia đình đã rục rịch mua sắm tiền vàng cho lễ ông Công ông Táo vì sợ cận ngày giá bán của các mặt hàng này tăng cao.

“Tuy nhiên, từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, lượng khách thường đông lên rõ rệt, giá các loại đồ lễ cũng tăng ít nhất 5 – 10% tùy mặt hàng”, chị Hà cho biết.

Riêng đối với các loại tiền polyme vàng mã, do không được phép lưu hành nên thường không được bày bán công khai. Tuy nhiên, khách có nhu cầu thì hầu như hàng nào cũng bán, thậm chí với số lượng lớn. Giá của loại tiền này khá rẻ. Một cọc tiền polyme (100 tờ, các loại mệnh giá) có giá chỉ từ 5.000 – 10.000 nghìn đồng.

Cá chép đắt hàng

Bên cạnh đồ lễ, cá chép là mặt hàng không thể thiếu được trong ngày lễ ông Công, ông Táo. Ngoài các loại cá vàng, năm nay cũng xuất hiện nhiều loại cá mới.

Làng Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) là một trong những nơi cung cấp cá chủ yếu cho thị trường Hà Nội vào dịp Tết ông Công, ông Táo. Thông thường việc đặt mua với số lượng lớn các loại cá chép thường phải báo trước từ 1 tuần, nhưng nếu mua với số lượng vừa phải thì đến cận ngày đặt mua vẫn có thể có hàng.

Làng cá Yên Phụ rục rịch chuẩn bị cá chép cho thị trường Hà Nội

Đa số, những bể cá vàng, cá chép được các gia đình ở Yên Phụ nhập về thường có giá khá bình dân. Năm nay, do thời tiết lạnh, nên các tiểu thương không dám lấy hàng sớm vì sợ cá chết.

Theo anh Nam, chủ một bể cá ở làng Yên Phụ, càng cận ngày 23 tháng Chạp, không khí mua sắm càng nhộn nhịp hơn. Mỗi ngày trung bình bể cá nhà anh thường bán khoảng 1.000 con, riêng ngày 23 tháng Chạp có thể xuất 3.000 – 4.000 con.

Giá của các loại cá năm nay chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái, từ 5 – 10%. Mỗi con chép Nhật vàng (khoảng 200g/con) có giá 70.000 đồng, chép ngũ sắc nhỏ hơn một chút giá khoảng 30.000 đồng/con, cá vàng nhỏ thì giá từ 15.000 – 20.000 đồng/con.

Đặc biệt, theo anh Nam, loại cá chép ngọc trai năm nay được rất nhiều khách hàng đặt mua. Tuy nhiên, giá của loại cá này tương đối cao. Với một con lớn, giá dao động khoảng 10.000 nghìn đồng/con.

Một số loại cá được nhập từ Trung Quốc như chép kỳ lân vàng cũng rất hút khách, giá từ 80.000 – 10.000 đồng/đôi.

Tại một số chợ ở Hà Nội, cá chép cũng được bày bán rất đông đúc. Theo nhiều tiểu thương, do một năm chỉ có một lần, lại là phương tiện thiết yếu để ông táo nhanh chóng về trời, nên dù giá có tăng giá nhẹ, nhưng cũng không lo ế hàng và người mua cũng dễ dàng chấp nhận.

Theo Châu Anh

VTC.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại