Từ trước đến nay, giá cước vận tải luôn ăn theo xăng dầu nhưng là theo chiều tăng, chứ không bao giờ ngược lại. Theo thông lệ, mỗi khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải lại “rục rịch” “té nước theo mưa”, đòi tăng giá cước với lý do… bù lỗ. Tuy nhiên, có không ít lần dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh, giảm hai lần, nhưng cước vận tải vẫn im lìm, không “động đậy". Trong khi đó, giá xăng vừa mới tăng hôm trước, hôm sau các hãng vận tải lại kiến nghị tăng giá vé, tăng cước vận tải.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản
lý Kinh tế Trung ương cho rằng, từ trước đến nay, việc “té nước theo
xăng” diễn ra không còn xa lạ. Thực tế, giá cả tiêu dùng, dịch vụ, vận
tải vốn ăn theo xăng. Tuy nhiên, một điều bất thường là chỉ ăn theo
chiều tăng, chứ không bao giờ ngược lại. Ngay cả việc giảm giá xăng, nếu
không có sức ép từ phía dư luận, từ cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh
nghiệp cũng không bao giờ tính đến bài toán hạ giá. Đây quả là một điều bất hợp lý trong cơ chế vận hành cũng như hoạt động của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam.
Còn nhớ hồi tháng 3 năm nay, Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giá bán các chủng loại xăng dầu trong nước Xăng điều chỉnh tăng 2.100 đồng/lít (xăng RON 92 từ 20.800 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít); Dầu diezel điều chỉnh tăng 1.000 đồng/lít (diezel 0,05S từ 20.400 đồng/lít lên mức 21.400 đồng/lít); Dầu hỏa điều chỉnh tăng 600 đồng/lít(dầu hỏa từ 20.200 đồng/lít lên mức 20.800 đồng/lít); Ma zút điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg(madut 3,5S từ 16.800 đồng/lít lên mức 18.800 đồng/kg) thì lập tức, các doanh nghiệp vận tải, mà đứng đầu là các doanh nghiệp taxi lại "nháo nhác" đòi tăng giá.
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội khẳng định: “Giá xăng dầu chi phối rất nhiều lĩnh vực cuộc sống, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh vận tải, vì thế ngay khi xăng tăng giá Hiệp hội đã nhận được rất nhiều đề xuất của các hãng taxi ở Hà Nội đề nghị tăng giá cước để bù lỗ, tất cả các hãng taxi đều đòi tăng phí vận chuyển. Tôi cho rằng đây là việc cần thiết phải thực hiện để đảm bảo hoạt động kinh doanh của các hãng cũng như đời sống của người lao động”.
So sánh với những gì vị chủ tịch này đã nói cách đó không lâu rằng: "Doanh nghiệp không thể cứ vì giá vừa tăng lên 500 đồng hay giảm 200 đồng là lại điều chỉnh, trong khi chi phí cho mỗi lần điều chỉnh tăng giảm cước với doanh nghiệp là rất nhiều” ta thấy đó quả là một nghịch lý. Chẳng lẽ giá cước vận tải chỉ có được phép tăng mà không thể giảm.
Dẫu biết rằng các hãng taxi chịu tác động mạnh mẽ nhất của việc tăng giá
xăng dầu nhưng phát ngôn có phần gây sốc và gây sốc của vị lãnh đạo cao
cấp này khiến ông nhận được không ít lời phế phán, chỉ trích vì sự
"thiếu suy nghĩ".
Và lần tăng giá gần đây nhất của xăng dầu là hôm 13/8. Theo đó, giá bán lẻ trong nước tăng lên 1.100 đồng/lít. Đây cũng là lần tăng gây "choáng" nhất đối với các doanh nghiệp vận tải.
Các doanh nghiệp vận tải taxi đã “nhảy dựng” sau khi thông tin xăng dầu tăng giá được công bố, thậm chí ngay trong chiều tối qua Tập đoàn Mai Linh đã có cuộc họp bàn khẩn cấp để thống nhất quyết định điều chỉnh giá cước theo giá xăng đối với từng đơn vị/khu vực/miền mà Mai Linh tham gia kinh doanh taxi tại 53 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội sáng 14/8 cũng khẳng định xăng dầu tăng giá nên chắc chắn giá vận tải cũng sẽ tăng, trong đó cước taxi chắc chắn sẽ điều chỉnh sớm. Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: chắn chắn giá vận tải sẽ phải điều chỉnh, mức tăng tối thiểu có thể là 5%”.
Động thái nóng vội này của các doanh nghiệp vận tải đã phần nào phơi bày mặt trái trong cơ chế hoạt động cũng như các quản lý của chúng. Xăng dầu tăng giá là chuyện "thường như cơm bữa" nhưng trái ngược hoàn toàn với tâm lý lo lắng của cộng đồng và các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công cộng lại không hề tỏ một chút băn khoăn dù chỉ là "giả tạo".
Trái lại, mỗi lần giá xăng tăng già là một họ có cơ hội "đục nước béo cò". Như vậy, trong khi toàn xã hội lo ngại thì việc tăng giá này đã vô tình tạo ra cơ hội hợp pháp cho doanh nghiệp vận tải trục lợi, o ép, làm giá, đòi tăng cước đối với người dân. Cuối cùng, tất cả mọi gánh nặng và thiệt thòi đều đổ lên vai của những người dân lao động chân chính.