Thông tin giá xăng giảm 300 đồng/lít từ tối 22.8 gần như không được người dân, doanh nghiệp đón nhận một cách hồ hởi, bởi điệp khúc “tăng cao, giảm nhỏ giọt” này chưa thật sự giúp người dân, doanh nghiệp bớt khó khăn hơn.
Trong khi đó, mặt hàng dầu diesel - có tác động rất lớn đến các hoạt động sản xuất, lưu thông - thì giá vẫn không thay đổi, đứng ở mức cao.
Xăng giảm nhỏ giọt, dầu diesel đứng yên
Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm giá bán xăng RON 92 tối thiểu 300 đồng/lít và dầu madut giảm 257đ/lít là tính đến thời điểm giảm giá (22.8), mức chênh lệch giữa giá cơ sở bình quân 30 ngày so với giá bán lẻ hiện hành của các mặt hàng này chỉ đủ để khôi phục lại lợi nhuận định mức và ngừng sử dụng Quỹ bình ổn giá (300đ/lít). Nhưng để không gây áp lực lạm phát, liên bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu các DN xăng dầu giảm tối thiểu ở mức nêu trên.
Đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hoả, Bộ Tài chính cho biết: Nếu tính toán đầy đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở theo quy định hiện hành thì phải tăng giá mặt hàng diesel tối đa 627 đồng/lít và dầu hoả 1.051đ/lít.
Nhưng cũng để giữ ổn định giá, bộ vẫn yêu cầu các DN không điều chỉnh tăng giá bán, đồng thời DN phải cắt giảm lợi nhuận định mức theo quy định 200đ/lít (từ 300đ/lít xuống còn 100đ/lít), cho phép các DN tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với dầu diesel thêm 100đ/lít và dầu hoả thêm 500đ/lít so với mức cũ.
Tuy nhiên, ghi nhận từ phía người dân và các DN sử dụng xăng dầu lại cho thấy, việc xăng giảm nhỏ giọt 300đ/lít chưa thể giúp gì nhiều cho DN cũng như người dân vượt qua những khó khăn hiện tại. Thực tế tính từ đầu năm 2013 đến nay, mặt hàng xăng đã 8 lần điều chỉnh giá (4 lần tăng, 4 lần giảm). Đáng nói, mức điều chỉnh tăng giá thường cao hơn các đợt điều chỉnh giảm giá.
Chẳng hạn, mức điều chỉnh giá tăng sốc nhất là 1.430 đồng/lít (ngày 28.3), trong khi mức giảm tối đa trong các đợt vừa qua cũng chỉ dừng ở mức 500đ/lít (ngày 9.4). So sánh giữa các lần tăng (tổng mức tăng khoảng 2.691đ/lít), nhưng giảm (tổng mức giảm chỉ khoảng 1.520 đồng/lít). Hiện mức chênh lệch tăng/giảm vẫn còn hơn 1.100 đồng/lít.
Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, kiêm Phó TGĐ hãng Vinasun taxi - phân tích: “Chỉ tính riêng từ giữa tháng 6 đến 23.8, giá xăng đã điều chỉnh tăng 3 lần, với mức tăng tổng cộng khoảng 1.260 đồng. Tuy vậy, trong khoảng thời gian này, phần lớn các DN taxi đều vẫn “bấm bụng” chịu đựng, chứ không tăng giá cước vì sợ mất khách hàng. Vì vậy, giá xăng giảm lần này chỉ 300 đồng/lít thì chúng tôi vẫn chưa thể bù đắp lại được khoản bù lỗ trước đó nên đợt này cũng không thể giảm giá cước”.
Trong khi đó, dưới góc độ người dân, bà Nguyễn Thị Lan (P. An Khánh, Q.2) cho rằng: “Mức giảm 300đ/lít xăng thật sự chẳng thấm vào đâu so với những lần tăng giá trước và cũng khó lòng ổn định thị trường hàng hóa. Thực tế, các đợt giá xăng dầu tăng cao trước đây thì lập tức các mặt hàng tiêu dùng, thủy - hải sản khác ngoài thị trường đều tăng theo. Còn với mức xăng giảm giá nhỏ giọt kiểu này còn lâu giá cả ngoài thị trường mới hạ nhiệt”.
Ngày 23.8, phóng viên đã có cuộc khảo sát các siêu thị lớn tại Hà Nội và TPHCM, đều nhận được câu trả lời với mức giảm giá xăng như trên, các siêu thị chưa nhận được thông báo giảm giá sản phẩm của các đơn vị cung cấp và trong thời gian tới ít có khả năng các nhà sản xuất thông báo giảm giá. Bởi thời gian qua khi xăng dầu và nhiều khoản chi phí khác tăng, một số nhà sản xuất đã gồng mình để hạn chế tăng giá sản phẩm. Nay xăng dầu giảm giá nhỏ giọt, chi phí sản xuất giảm không đáng kể chưa tạo động lực để giảm giá sản phẩm.
Dầu diesel vẫn đứng yên
Trong khi giá xăng giảm nhỏ giọt thì giá dầu diesel vẫn đứng ở mức cao (22.310đ/lít). Theo ông Lương Hoàng Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - đặc thù của ngành vận tải hàng hóa, giá cước vận tải tính với khách hàng được thể hiện bằng hợp đồng, trong đó có điều khoản ràng buộc khi giá nhiên liệu điều chỉnh tăng hoặc giảm từ 5% trở lên mới xem xét điều chỉnh giá cước. Trường hợp giá nhiên liệu tăng hoặc giảm dưới mức 5% thì tương ứng với việc đơn vị vận tải phải chịu bù lỗ mức chênh lệch cho khách hàng hoặc ngược lại.
“Với mức giá cước vận tải hàng hóa đang áp dụng hiện nay, các DN vận tải đang phải gánh khoản lỗ chênh lệch 750 đồng/lít dầu diesel. Thời gian qua, DN vận tải vẫn hy vọng nhà nước sớm điều chỉnh giảm giá dầu diesel để bớt khó khăn, nhưng điều này chưa được đáp ứng qua điều chỉnh giá nhiên liệu ngày 22.8, giá dầu diesel vẫn giữ nguyên ở mức cao” - ông Lương Hoàng Trung chia sẻ.
Trong khi đó, luật sư Thái Văn Chung (Văn phòng Luật sư Thái Chung và liên danh) cho rằng, mặt hàng dầu diesel có tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Ngoài đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của nông dân, doanh nghiệp, dầu diesel còn phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, nhất là vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ chiếm khoảng 70 - 80% và giá nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 40% chi phí giá cước vận tải.
Do đó, khi giá nhiên liệu giảm sẽ kéo theo giá cước giảm và tác động làm giảm giá thành sản xuất hàng hóa tiêu dùng, ngược lại. Chính vì vậy, việc Bộ Tài chính chỉ điều chỉnh giảm giá xăng, trong khi vẫn giữ nguyên giá dầu diesel ở mức cao như hiện nay, người dân, doanh nghiệp chưa thể vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.