Thành phố trong mơ 13 tòa nhà cao 25-50 tầng, toàn bộ tầng hầm thông nhau, tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ, hơn 7 năm về trước trở thành điểm nóng của người mua nhà Thủ đô.
Viễn cảnh thành phố hoa lệ đó không chỉ của khách hàng mà của cả chính chủ đầu tư.
Nhưng, sau hơn 7 năm trải qua nhiều sóng gió thành phố trong mơ đó vẫn chỉ dừng lại ở những cột bê tông, sắt thép hoen gỉ, những đống phế liệu ngổn ngang, dự án hoang vắng mặc cho cỏ dại mọc đầy…những khối bê tông heon gỉ đã đắp chiếu 4-5 năm.
Dù cả người mua nhà và chủ dự án đã nổ lực không biết mệt mỏi để giải cứu dự án, nhưng nay cũng chỉ có 3 tòa tạm bàn giao còn vắng bóng người bởi phần hạ tầng khối đế và hệ thống kỹ thuật chưa đồng bộ.
Không ít lần các khách hàng tâm huyết tìm cách "trục vớt" dự án nhưng đều thất bại; không còn ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào "dám" mạo hiểm thêm tiền vào dự án.
Chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long luôn ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi sức ép của hàng trăm nghìn lá đơn khiếu kiện, tố cáo và các quyết định của cơ quan chức năng…
Dường như “vũng lầy Usilk City” mỗi lần sa xuống sâu thêm.
Để dự án đến tình cảnh này, có lẽ trước hết đó là lỗi của chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Trí Dũng Chủ tịch Sông Đà Thăng Long đã nhiều lần phải nhận lỗi trước khách hàng: "STL đã sai lầm trong đầu tư, dùng vốn góp của khách hàng để đầu tư dàn trải khiến Dự án bị chậm tiến độ...".
Song, cũng có phần lỗi từ chính khách hàng đã quá dễ dãi trong việc đóng tiền mà không giám sát tiến độ thi công, thậm chí khi dự án đã có dấu hiệu đình trệ một thời gian mà khách hàng vẫn tin vào chiêu thức "khuyến mại tặng sàn thương mại".
Đỉnh điểm của “vũng lầy” này là “hành trình đòi nhà” của khách hàng Usilk City, và nay hành trình đó vẫn đang tiếp diễn.
Họ tập hợp thành các nhóm để gây sức ép lên Chủ đầu tư, có lúc căng thẳng lên đến đỉnh điểm.
Mặc dù, chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng khắc phục lỗi lầm, nhằm “trục vớt” trước tiên là các tòa 101, 102 và 103 cụm CT1, và kết quả ít nhất cũng đã tạm hoàn thành cơ bản.
Ông Chủ tịch cũng đã từng nói “cứu Usilk City là cứu chính mình”.
Tiếp đó, Sông Đà Thăng Long đã ký hợp đồng tổng thầu để triển khai tiếp tòa CT1-104, đồng thời chuyển nhượng dự án CT2-105 cho chủ đầu tư mới.
Những tưởng, trên đà của cụm CT1,CT2 như vậy thì dự án Usilk đã có cơ hội được giải cứu.
Nhưng, ngay trước thềm năm mới 2016, Sông Đà Thăng Long lại nhận được "trát" cưỡng chế thuế, kèm theo chế tài "đóng băng" toàn bộ hóa đơn - diễn biến này đã gần như khóa chặt cánh cửa chuyển nhượng dự án vừa mới hé mở của Sông Đà Thăng Long.
Và mới đây nhất, ngày 16/02/2016, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 830/UBND-XDGT với nội dung: “giao Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện đối với dự án Usilk City Khu đô thị Văn Khê mở rộng”.
Chưa cần bàn tới câu chuyện cưỡng chế thuế và thanh tra này, chỉ cần suy ngẫm về số phận dự án này sẽ ra sao, tại sao Usilk City là “vũng lầy” bế tắc dù cả khách và chủ đều có cùng mong muốn và nổ lực giải cứu?
Usilk City im lìm, không một bóng người sau khi có quyết định thanh tra toàn diện Nhìn lại tổng thể lịch sử thăng trầm của dự án Usilk, có lẽ đã tìm thấy câu trả lời:
Thứ nhất, năng lực và nguồn vốn cạn kiệt của chủ đầu tư khiến cho mọi nỗ lực của Sông Đà Thăng Long đều trở thành nửa vời, lực bất tòng tâm, không thể có một giải pháp đồng bộ cho tổng thể dự án Usilk City.
Thứ hai, sự phân hóa trong bộ phận khách hàng với các nhóm lợi ích khác nhau, mục tiêu khác nhau, dẫn đến tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược":
- Trong khi một bộ khách hàng mua nhà để ở mong muốn được nhận nhà, thì nhóm khách hàng là các nhà đầu cơ chỉ muốn đòi lại tiền do thị trường suy thoái.
- Trong khi các khách hàng ở tòa X mong muốn dự án được chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới thực hiện tiếp để đưa dự án về đích, thì các khách hàng ở tòa Y lại gửi đơn kiện tụng, tố cáo với mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý Sông Đà Thăng Long, thu hồi dự án.
- Thậm chí ngay ở cùng một tòa, ví dụ như CT2-105, khi mà đã được chuyển nhượng và chủ đầu tư mới đã tích cực thi công, thì vẫn có một số đáng kể khách hàng không muốn làm thủ tục chuyển sang chủ đầu tư mới mà vẫn yêu cầu thanh lý hợp đồng, đòi lại tiền.
Rõ ràng, với số lượng khách hàng lên đến hàng ngàn người, thì sự khác nhau thậm chí đối lập nhau về mục tiêu của các nhóm khách hàng là không thể tránh khỏi.
Vấn đề là, khi mà tỷ lệ nhóm khách hàng không muốn dự án hoàn thành để nhận bàn giao nhà chiếm tỷ lệ lớn, thì cho dù chủ đầu tư và các khách hàng khác có nỗ lực đến đâu, dự án Usilk City cũng khó mà thoát khỏi vũng lầy bế tắc, bế tắc và bế tắc.