Vụ thâu tóm Ocean Mart: Một bước đi khôn ngoan của VinGroup?

Phương Nhi |

Theo chuyên gia dự đoán: Sau khi mua lại chuỗi Ocean Mart, Tập đoàn VinGroup có thể sẽ kết hợp bán lẻ trên chính hệ thống VinEcom của mình cùng với xu hướng SMAC.

Ngày 3 tháng 10 năm 2014 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) đã công bố thông tin chuyển nhượng cổ phần tại công ty CP bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (ORC). Theo đó, 10% cổ phần của công ty ORC đã được chuyển nhượng cho các đối tác, trong đó 70% cổ phần được chuyển nhượng cho Tập đoàn VinGroup và đổi tên thành Công ty CP Siêu thị VinMart.

Vụ chuyển nhượng Ocean Mart: “Tôi không ngờ là bán nhanh thế” Vụ chuyển nhượng Ocean Mart: “Tôi không ngờ là bán nhanh thế”

Thông tin Tập đoàn Đại Dương chuyển nhượng Ocean Mart khiến chuyên gia kinh tế tỏ ra vô cùng bất ngờ vì chuỗi hệ thống siêu thị này mới mở ra từ đầu năm 2013.

Xung quanh thương vụ mua bán đang khiến dư luận khá quan tâm, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Tập đoàn VinGroup lại mạnh tay chi tiền để mua lại chuỗi hệ thống siêu thị mới chỉ đi vào hoạt động được hơn 1 năm. Thậm chí, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú còn cho rằng: VinGroup không phải mua “thương hiệu” Ocean Mart mà đơn thuần chỉ là mua địa điểm bởi thông thường, để một tên tuổi có “thương hiệu”, doanh nghiệp phải xây dựng khoảng 5 năm.

Trả lời câu hỏi này, ông David Nguyễn, chuyên gia trong ngành F&B (Food and Beveragesales: buôn bán đồ ăn uống) cho rằng: Là doanh nghiệp hàng đầu trong kinh doanh bất động sản, với hàng loạt dự án to nhỏ rải khắp cả nước cùng kinh nghiệm quản lý lâu năm của mình, chắc chắn VinGroup đã tính toán cho mình một bước đi khôn ngoan mà chưa một nhà bán lẻ FMCG (Nhóm hàng tiêu dùng nhanh) nào hướng tới. Đó là kết hợp bán lẻ trên chính hệ thống VinEcom của mình kèm theo đó là kết hợp xu hướng SMAC (S là social network - mạng xã hội, M là mobility - di động, A là analytic - phân tích dữ liệu lớn, C là cloud computing - điện toán đám mây) vào hệ thống bán lẻ.

Tái cơ cấu lại Ocean mart, VinMart kỳ vọng sẽ trở thành một trong số ít các chuỗi siêu thị có tốc độ phát triển nhanh và bao phủ rộng nhất Việt Nam

Tái cơ cấu lại Ocean Mart, VinMart kỳ vọng sẽ trở thành một trong số ít các chuỗi siêu thị có tốc độ phát triển nhanh và bao phủ rộng nhất Việt Nam

Bởi trước đó không lâu, Tập đoàn này đã thành lập thương hiệu mới mang tên VinEcom nhằm góp phần đưa vị thế của VinGroup trong lĩnh vực bán lẻ lên một tầm cao mới. Mục tiêu của VinEcom là tạo ra kênh bán lẻ trực tuyến đáng tin cậy, chuyên nghiệp và quy mô cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ không chỉ của VinGroup mà còn của các đối tác, bao gồm các khách hàng đang thuê diện tích trong trung tâm thương mại của VinGroup và khách hàng bên ngoài.

Hơn nữa, bán lẻ tại Việt Nam đang được xem là một thị trường màu mỡ, dư địa phát triển khá lớn. Tại các cửa hàng bán lẻ hay chợ truyền thống vốn được xem là chiếm tỉ lệ rất cao trong ngành bán lẻ, người tiêu dùng vẫn còn lo lắng về tính an toàn và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vì mặt bằng lương không tương xứng nên người dân vẫn chấp nhận sử dụng chợ truyền thống thay vì đi siêu thị.

Theo ông David Nguyễn, để giải bài toán này, VinGroup chắc chắn sẽ kết hợp hệ thống VinEcom vào chuỗi VinMart của mình nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt.

Chuyển nhượng Ocean Mart: Lợi nhuận kếch xù rơi vào tay ai? Chuyển nhượng Ocean Mart: Lợi nhuận 'kếch xù' rơi vào tay ai?

Tổng giám đốc Ocean Group tiết lộ, việc chuyển nhượng Ocean Mart là điều lãnh đạo Ocean Group rất trăn trở tuy nhiên việc này đã được quyết bởi khoản lợi nhuận thu về rất lớn.

Bên cạnh đó, SMAC đã và đang được Wall Mart áp dụng trên hệ thống của mình từ nhiều năm qua. Thời điểm hiện tại thông tin dữ liệu về khách hàng được xem là giá trị lớn nhất.

Từ những thông tin về thói quen tiêu dùng của từng người mà hệ thống SMAC sẽ xử lý và đưa ra cho từng khách hàng một sự lựa chọn và quyền lợi mua hàng khác nhau. Từ đó tạo sự tiện lợi cũng như niềm tin trong khách hàng, đồng thời giúp doanh nghiệp xây dựng cho mình một hệ thống hàng hóa tiêu chuẩn cao phục vụ khách hàng tốt hơn.

“Nếu đi theo hướng này, chắc chắn VinMart sẽ là đối thủ đúng tầm với B'mart của người Thái đang tổng tấn công bán lẻ vào thị trường Việt Nam. Mở ra VinEcom cùng với việc mua lại Ocean Mart với giá cao, tôi nghĩ: VinGroup muốn khẳng định quyết tâm giữ vị trí trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam” – ông David Nguyễn nói.

Vinmart có thể sẽ là đối thủ đúng tầm với Bmart của người Thái đang tổng tấn công bán lẻ vào thị trường Việt Nam.

VinMart có thể sẽ là đối thủ đúng tầm với B'mart của người Thái đang tổng tấn công bán lẻ vào thị trường Việt Nam.

Trước đó, ngày 3/10/2014, cùng với việc mua lại 70% cổ phần hệ thống siêu thị Ocean Mart, VinGroup đã đồng thời công bố hai thương hiệu mới: VinMart và VinMart+ với kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trên khắp Việt Nam trong vòng 3 năm tới.

Theo đó, hệ thống VinMart sẽ là các siêu thị có diện tích từ 3.000m2 đến 15.000m2 và chuỗi VinMart+ là các cửa hàng tiện ích có diện tích từ 150 đến 300m2. Dự kiến đến năm 2017, VinMart sẽ có khoảng 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước từ đầu tư xây dựng mới hoặc mua lại thông qua các giao dịch M&A.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, với dân số trẻ gia nhập thị trường lao động, mức chi tiêu trung bình của mỗi người tiêu dùng Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng vào năm 2012 - 2016. Năm 2012, dự kiến chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống của người tiêu dùng Việt sẽ đạt 276 USD/người/năm.

Đến năm 2016, tổng chi tiêu của người tiêu dùng với thực phẩm và đồ uống sẽ tăng lên 25,2 tỷ USD so với mức 17,7 tỷ USD năm 2011. Việt Nam là một trong những thị trường dẫn đầu thế giới về mức độ tin tưởng tiêu dùng với mức tăng doanh số bán lẻ là 24% năm 2011 và chi tiêu cá nhân chiếm 68% GDP năm 2011.

Kèm theo đó là chính sách quy hoạch phát triển mới của Hà Nội sẽ mở thêm 1000 siêu thị từ nay cho tới năm 2020 sẽ là những điểm cộng cho VinMart khi dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển hệ thống siêu thị này.

Có lẽ đó là những lý do khiến Tập đoàn VinGroup sẵn sàng bỏ ra một số tiền “khủng” để thâu tóm chuỗi hệ thống siêu thị Ocean Mart. Như Tổng Giám đốc Ocean Group, ông Dương Trọng Nghĩa từng tiết lộ với báo chí: Tập đoàn này đã bán Ocean Mart với mức giá hấp dẫn nhất. Trước đó, Ocean Group đã đàm phán với một đối tác Thái Lan từ đầu năm, nhưng nhận thấy nhiệt huyết và sự quyết tâm rất cao của VinGroup nên đã đi đến quyết định cuối cùng chỉ trong vòng 2 tuần đàm phán.

So với các đối tác đến từ Pháp, Mỹ, Hong Kong, Hàn Quốc... đối tác Thái Lan và VinGroup đặt vấn đề nghiêm túc nhất. Trong đó, VinGroup - là một doanh nghiệp Việt Nam, có nhiều thế mạnh cùng các đối tác khác đã đề nghị mua toàn bộ hệ thống (trong đó VinGroup mua 70%), còn đối tác Thái Lan chỉ đặt vấn đề tham gia góp vốn.

“Khi làm việc với VinGroup và nghe kế hoạch của họ, chúng tôi tin rằng VinMart sẽ cạnh tranh tốt với các nhà bán lẻ nước ngoài. Kinh doanh ngành bán lẻ không có gì cao siêu lắm, quan trọng là đã làm thì phải làm bài bản, đầu tư manh mún nhỏ nhỏ khó thành công và khó cạnh tranh với nước ngoài” – Tổng Giám đốc Ocean Group, ông Dương Trọng Nghĩa từng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nghĩa, khi VinGroup thâu tóm Ocean Mart, các nhà bán lẻ ngoại khó có thể cạnh tranh bởi điểm mạnh của VinGroup là hiểu biết về văn hoá, về quan hệ với các nhà đầu tư, đối tác địa phương, lựa chọn vị trí, địa điểm.

>>> Xem thêm clip: Kinh doanh siêu thị :"Lượm bạc cắc, lãi tỷ đô"

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại