Vụ ACB bị "tố" trả vàng nhái: ACB chưa thực hiện đúng Luật bảo vệ NTD

thanhchung |

ACB không ghi lại rõ số sêri rõ ràng là khuyết điểm cực lớn và chưa thực hiện đúng Luật bảo vệ NTD

Liên quan đến việc chị Trương Ánh Tuyết ở Hoàng Mai (Hà Nội) phản ánh, 6/16 lượng vàng SJC được rút ra từ ngân hàng ACB khi đi đổi vỏ mới ở chi nhánh công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, được nhân viên công ty SJC phát hiện là vàng nhái thương hiệu SJC và giữ lại.

Vụ ACB bị "tố" trả vàng nhái: ACB chưa thực hiện đúng Luật bảo vệ NTD 1
Thư trả lời của Phó TGĐ ACB Nguyễn Thanh Toại gửi chị Tuyết.

Trong hai công văn trả lời khách hàng, ACB đều cho rằng: "Trước khi chi vàng SJC cho khách hàng, ACB cũng kiểm tra số lượng bao bì, miếng vàng SJC và khách hàng phải kiểm đếm lại trước khi rời khỏi quầy.

Việc chi 16,1 lượng vàng SJC cho quý khách hàng thực hiện vào ngày 30/8/2012 được lập bảng kê, không ghi rõ số sêri và đã được khách hàng kiểm nhận trước khi rời khỏi quầy giao dịch.

Theo đó, ACB không có cơ sở để xác định 6 lượng vàng nhái thương hiệu SJC đã được công ty SJC miền Bắc xác nhận, kiểm định ngày 19/10/2012 chính là số vàng SJC trong 16,1 lượng vàng mà ACB đã thực hiện chi cho quý khách hàng vào ngày 30/08/2012. Do đó, ACB không đáp ứng được nhu cầu theo khiếu nại của quý khách hàng”.

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, giúp đỡ công tác khiếu nại tố cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho rằng:

“Ngân hàng nói rằng, trước khi chi vàng SJC cho khách hàng, ACB đã kiểm tra số lượng, bao bì, miếng vàng SJC và trên văn bản giấy tờ ghi là vàng SJC và người tiêu dùng vì tin tưởng nên cũng ghi nhận như vậy.

Tuy nhiên, thực tế thì không có biên pháp kỹ thuật nào kể cả từ phía ACB và người tiêu dùng xác định đây có phải là vàng và chính xác là vàng SJC hay không”.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc ACB không ghi lại rõ số sêri rõ ràng là khuyết điểm cực lớn và thực chất giao dịch giữa ACB với chị Tuyết ở đây là giao dịch trao tay.

“Một miếng vàng có giá trị, thương hiệu như vậy, khi giao dịch phải có chứng từ, cách thức khẳng định đó là vàng và vàng đó có phải của SJC hay không, kể cả nhãn, mác, số sêri…cũng phải thể hiên đầy đủ nội dung liên quan.

Nhưng ở đây, việc không có chứng từ rõ ràng này chẳng khác gì việc, doanh nghiệp có thể đưa một cục sắt có màu vàng cho khách hàng. Còn khách hàng quá nhẹ dạ, cả tin coi đó là vàng mà không có bất cứ biện pháp nào để kiểm tra”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đứng trên phương diện pháp luật, vị chuyên gia này khẳng định: “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định 1 trong 8 quyền của người tiêu dùng là quyền: “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. Nhưng rõ ràng ở đây, ACB đã không đưa đầy đủ thông tin như qui định trong Luật cho khách hàng hay nói cách khác là chưa thực hiện đúng theo qui định của Luật".

Xác nhận với PV vào chiều ngày 13/11/2012, một đại diện của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho biết, đã nhận được đơn khiếu nại của chị Trương Ánh Tuyết, đồng thời, Hội cũng đã chuyển đơn khiếu nại và toàn bộ chứng từ đến ACB để xem xét.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại