Sau khi Bộ Thông tin Truyền thông ban hành chỉ thị về nguyên tắc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được cho là sẽ phải đề xuất phương án khác thay cho đề xuất sáp nhập hai mạng di động VinaPhone - MobiFone nhưng tập đoàn này vẫn đề xuất phương án sáp nhập.
Trong chỉ thị trên, Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu,
đối với một số thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng (cố định, di
động, internet băng thông rộng…) cần đảm bảo mỗi thị trường có ít nhất
ba doanh nghiệp mạnh tham gia hoạt động nhằm thúc đẩy cạnh tranh…
Theo tinh thần chỉ thị này thì thị trường viễn thông di động sẽ là nơi cạnh tranh của ba doanh nghiệp mạnh Viettel, MobiFone và VinaPhone, bởi ba doanh nghiệp này chiếm tới 95% thị phần.
Các chuyên gia cho rằng, VNPT cần phải đề xuất phương án khác thay cho đề nghị sáp nhập VinaPhone - MobiFone thì mới mong đạt được sự chấp thuận cho kế hoạch tái cơ cấu của mình.
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông của Bộ Thông tin Truyền thông, cho biết VNPT vẫn đề xuất lên bộ này và các bộ ngành liên quan cho sáp nhập hai mạng di động MobiFone - VinaPhone. Bộ Thông tin Truyền thông giao cho Cục Viễn thông xem xét đề xuất này.
Cục Viễn thông đang nghiên cứu, phân tích xem việc sáp nhập của hai mạng này tác động thế nào đến toàn bộ thị trường, liệu có đảm bảo duy trì cạnh tranh lành mạnh hay không.
“Bộ Thông tin Truyền thông đang tổ chức nghiên cứu việc sáp nhập hai mạng này và hiện chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, quan điểm của bộ là phải duy trì ít nhất ba doanh nghiệp tương đương nhau trên thị trường. Từ giờ đến cuối năm, bộ sẽ có ý kiến chính thức về việc sáp nhập hai mạng MobiFone - VinaPhone", ông Hải nói.
Phát biểu tại tọa đàm “Kịch bản nào cho thị trường viễn
thông Việt Nam?” được Câu lạc bộ nhà báo Công nghệ Thông tin tổ chức
mới đây, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh
tế Trung ương, cho rằng không nên sáp nhập hai mạng di động trên bởi thị trường viễn thông di động có đặc thù là số lượng doanh
nghiệp tham gia hạn chế nên một trong những cách để tạo cạnh tranh là cổ
phần hóa.
Ông Thành cho rằng, khi cổ phần hóa thì đối tác chiến lược đem vào kỹ năng quản trị, công nghệ, cách thức dịch vụ mới, tạo tiêu chuẩn để các doanh nghiệp khác phải theo. Đó là cách thức tạo áp lực cạnh tranh trên thị trường.