Báo cáo về tình hình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp vừa được Vinashin trình Chính phủ cho thấy tập đoàn này đang tiếp tục gặp khó khăn về nguồn tiền chi trả lương cũng như các khoản phúc lợi đối với người lao động.
Do vậy, Vinashin đề nghị Chính phủ cho phép và chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục giải ngân cho các đơn vị của tập đoàn hỗ trợ chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động.
Người lao động ở một số doanh nghiệp của Vinashin chỉ nhận được lương tối thiểu trong vòng 2 - 3 tháng qua. Ảnh minh họa: Vietnamnews
Trước đó, Theo quyết định số 87/2010 của Thủ tướng, Vinashin được vay vốn với lãi suất 0% từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thanh toán các khoản nêu trên với người lao động và cơ quan bảo hiểm trong 2 năm 2010, 2011. Thời hạn vay tối đa là 12 tháng và sẽ kết thúc thời gian hiệu lực vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả khi nhận được nguồn hỗ trợ từ VDB, việc trả lương cho người lao động tại nhiều doanh nghiệp thuộc Vinashin cũng rất khó khăn.
Lý giải về tồn tại này, bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, Vinashin cho biết nguyên nhân chủ yếu là các công ty có góp vốn bằng tiền và tài sản của tập đoàn hoạt động không hiệu quả, dư nợ đối với ngân hàng lớn. Vì vậy, việc chuyển nhượng phần vốn góp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn thị trường đang đi xuống, khả năng thu hồi vốn đầu tư không cao.
Do vậy, Vinashin đề nghị Chính phủ cho phép hạch toán giảm vốn góp với một số trường hợp doanh nghiệp dự án khi thoái vốn để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đồng thời, Vinashin này cũng đề nghị Bộ và Sở Kế hoạch & Đầu tư các tỉnh đẩy nhanh thủ tục đăng ký lại, rút vốn thương hiệu Vinashin tại các công ty con rút khỏi tập đoàn.
Theo VnExpress