Ngày 21.12.2014, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đi kiểm tra đê biển tại tỉnh Thái Bình.
Chương trình này nằm trong khuôn khổ chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tham gia Đoàn công tác có ông Nguyễn Hạnh Phúc – Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền – Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng – Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Trần Cẩm Tú – Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Thái Bình, bà Lê Tuyết Mai – Phó Giám Đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, bà Bùi Thị Hương – Giám Đốc Điều Hành, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk).
Trong chuyến công tác Đoàn đã thăm quan đê biển, cồn Vành và vị trí dự kiến xây dựng đường cao tốc ven biển đoạn qua huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Kết hợp chuyến công tác, Đoàn đã tham dự buổi lễ trao tặng sữa cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Tỉnh Thái Bình do chương trình Quỹ sữa “Vươn Cao Việt Nam” đã tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đây là điểm dừng chân thứ tư của hành trình trao sữa năm 2014 của Quỹ sữa "Vươn Cao Việt Nam", đánh dấu một chặng đường 6 năm thành công của Quỹ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao sữa và học bổng cho trẻ em nhiễm chất độc da cam tại Thái Bình.
Tại Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Tỉnh Thái Bình, xã Đông Hòa, Tp.Thái Bình, 54.000 ly sữa với tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng đã được trao cho 600 em học sinh (chủ yếu là các em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin) tỉnh Thái Bình.
Toàn bộ số sữa này sẽ được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cùng Vinamilk chuyển trực tiếp đến các Trường và Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, đến các gia đình có trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tại 8 huyện, thị của tỉnh Thái Bình để các em nhỏ sử dụng liên tục trong vòng 3 tháng.
Như vậy, tính đến nay tổng số lượng sữa mà Quỹ sữa đã đem đến cho hơn 310 ngàn trẻ em khó khăn tại Việt Nam là gần 23 triệu ly sữa, tương đương khoảng 84 tỷ đồng.
Nhân dịp này, Vinamilk cùng với Văn phòng Quốc hội và Bộ LĐ TB & XH tổ chức đi thăm 10 gia đình quân nhân nghèo có con em bị ảnh hưởng chất độc da cam tại Thái Bình và tặng quà cùng tiền mặt cho các gia đình khó khăn, mỗi suất 3 triệu đồng.
Đánh giá về tác động của Chương trình này, bà Phạm Thị Hải Chuyền nhận định: “Hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chưa được chăm sóc đầy đủ về mặt dinh dưỡng, rất ít được uống sữa hoặc thậm chí không biết đến sữa là gì dẫn đến việc phát triển về mặt thể chất và trí tuệ của các em còn nhiều hạn chế.
Chính vì thế, sự kiên trì của hành trình Quỹ sữa "Vươn cao Việt Nam" chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Hành trình 6 năm của Quỹ sữa đã góp phần đem đến cho hàng trăm nghìn trẻ em có cơ hội dùng sữa thường xuyên hơn để cải thiện tình trạng thể chất và trí tuệ của bản thân.
Vì vậy, tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của Vinamilk và sự đồng hành của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với chương trình Quỹ sữa "Vươn cao Việt Nam' và mong rằng chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện trong nhiều năm tới.”
Là đơn vị tài trợ duy nhất cho chương trình Quỹ sữa “Vươn Cao Việt Nam” liên tiếp 6 năm liền, bà Bùi Thị Hương - Giám đốc Điều hành Vinamilk chia sẻ: “Trẻ em ở Tỉnh Thái Bình đặc biệt con em của các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do di chứng của chiến tranh để lại, tuy vậy các em vẫn vượt khó để vươn lên, đó là điều rất đáng được xã hội quan tâm.
Chính vì vậy, thông qua Quỹ sữa "Vươn cao Việt Nam", với tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng, Vinamilk mong muốn được góp phần xoa dịu nỗi đau da cam mà các em đang phải gánh chịu.
Qua đó cho thấy cam kết của Vinamilk đối với các thế hệ người Việt, đặc biệt là trẻ em Việt Nam với mong muốn để “Mọi trẻ em Việt Nam đều được uống sữa mỗi ngày”, góp phần tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng của trẻ em Việt Nam về cả thể chất và trí tuệ, vì một Việt Nam luôn vươn cao.
Bên cạnh đó cũng cho thấy Việt Nam cần phải có một chương trình quốc gia về sữa học đường để tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện, góp phần tạo nguồn nhân lực tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.”