Đối tác chiến lược được chọn sẽ cùng đồng hành với Vietnam Airlines thực hiện Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2012 – 2015, với mục tiêu vào năm 2015, Vietnam Airlines sẽ là hãng hàng không 4 sao.
Cùng với buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu tại TP.HCM vừa được tổ chức ngày 30/10, một buổi roadshow tương tự với sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước sẽ được tổ chức vào ngày 31/10 tại Hà Nội.
Cần phải nói thêm rằng, giá khởi điểm của cổ phiếu Vietnam Airlines cho phiên đấu giá ngày 14/11 tới đây được chốt ở mức 22.300 đồng/cổ phiếu, nhưng nếu tiến hành điều chỉnh giá trị sổ sách, cổ phiếu Vietnam Airlines chỉ có giá trị khoảng 10.300 đồng/cổ phần - một mức giá khá hợp lý so với các cổ phiếu của các tập đoàn nhà nước dự kiến IPO đợt này.
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn cổ phần hóa, giá trị lợi ích của chiến lược cổ phần hóa Vietnam Airlines không chỉ dừng lại ở mục tiêu IPO thành công, mà còn tạo tiền đề quan trọng cho việc chào bán cho các đối tác chiến lược tiếp sau.
Thách thức lớn nhất đối với cổ phiếu Vietnam Airlines trong đợt IPO tới chính là sự hờ hững của nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với thị trường OTC, đặc biệt là các cổ phiếu có vốn hóa lớn, do thanh khoản thấp, biến động giá hẹp và thiếu thông tin hỗ trợ. Tuy nhiên, với tên tuổi, lĩnh vực kinh doanh đặc thù, sự kiện IPO của Vietnam Airlines có thể tạo ra sự khác biệt, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Liên quan tới quá trình lựa chọn đối tác chiến lược kéo dài khoảng 6 tháng, Vietnam Airlines cho biết, Hãng đã khởi động công tác từ hai tuần nay, với việc gửi các bản thông tin tóm tắt cho các đối tác tiềm năng. Theo ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, Hãng đã nhận được một số lời đề nghị của các đối tác nước ngoài mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược.
“Quan điểm của chúng tôi khi tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược là họ phải đồng hành trong quá trình phát triển dài hạn, chia sẻ lợi ích, mục tiêu phát triển Vietnam Airlines với giá trị cốt lõi là hàng không, chứ không phải là bất động sản hay ngân hàng”, ông Minh cho biết.
Đây là những người chắc chắn không chỉ nhìn vào bản báo cáo tài chính trong giai đoạn hiện tại, mà còn chờ đón cơ hội đầu tư trong tương lai, bao gồm cả lợi tức kỳ vọng và việc trở thành đối tác thị trường của Vietnam Airlines. “Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ năm 2016 ước đạt 14,42-18,97%, nên Vietnam Airlines có khả năng trả cổ tức ở mức hấp dẫn cho cổ đông”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải, mặc dù chỉ có thể sở hữu tối đa khoảng 20% vốn điều lệ, nhưng các đối tác chiến lược vẫn sẽ có vị trí quan trọng trong Hội đồng Quản trị và bộ máy điều hành Công ty mẹ Vietnam Airlines khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Như vậy, trong trường hợp được chọn làm đối tác chiến lược, các nhà đầu tư sẽ cùng đồng hành với Vietnam Airlines thực hiện Đề án Tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2012 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, với mục tiêu thay đổi hoàn toàn diện mạo của Tổng công ty, không chỉ đội tàu bay, mà cả công nghệ, phương thức điều hành hiện đại, đem lại tiện nghi, lợi ích cho khách hàng. Trong đó, vào năm 2015 - năm cuối trong lộ trình tái cơ cấu, Vietnam Airlines sẽ là hãng hàng không 4 sao, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á.
“Năm 2015 sẽ là năm thay đổi về chất đối với Tổng công ty để dần chuyển cơ cấu hành khách theo hướng tăng tỷ trọng khách thương gia, công vụ, khách có thu nhập cao để tăng doanh thu trung bình”, đại diện Vietnam Airlines tiết lộ.
>>> Xem thêm clip: Nữ tiếp viên hàng không VietNam Airlines bị bắt
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA