Cuối tháng 9/2012, Hội chợ thương mại Trung Quốc –
ASEAN khép lại tại Nam Ninh (Trung Quốc) với những nhận thức mới về câu
chuyện kinh tế tại một trong những khu vực năng động nhất thế giới.
Sự có mặt của lãnh đạo các nền kinh tế, các doanh nghiệp lớn cũng như cộng đồng nhà đầu tư… khiến người ta phần nào mường tượng được về dòng vốn, đang có dấu hiệu trở lại mạnh mẽ tại khu vực này.
Trong bài bình luận của mình, bản thân Tân Hoa Xã, dù cho rằng Trung Quốc vẫn có những cơ hội thể thu hút dòng vốn phát triển, nhưng cũng phải thừa nhận nhiều nền kinh tế ASEAN đang khởi động quá trình thay thế nước này trở thành “công xưởng thế giới”.
Việt Nam được hãng tin này lấy làm “ví dụ sống động” khi vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường gia công giày chủ yếu của hãng sản xuất đồ thể thao hàng đầu thế giới Nike trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự chuyển dịch dòng vốn khỏi Trung Quốc
Cách đây ít tháng, tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn được coi là đáng lo ngại khi báo cáo năm 2011 của Tổ chức Thương mại và phát triển Liên hợp quốc công bố
(UNCTAD) cho thấy Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị sụt giảm
FDI tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, những chuyến thăm, khảo sát liên tiếp đoàn doanh nghiệp, đại diện thương mại… các nước thời gian qua lại phát đi tín hiệu về những dòng vốn ngoại đang "ấm dần".
Đầu tháng 9, Đại diện thương mại Mỹ - Ron Kirk cùng một số doanh nghiệp có mặt tại Hà Nội với thông điệp “Mỹ muốn có vai trò lớn hơn trong kinh tế Việt Nam”.
Cùng thời điểm này, một khảo sát của Bộ Thương mại và Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore, cũng cho thấy 57% số doanh nghiệp được hỏi muốn mở rộng sản xuất sang Việt Nam, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tại Thái Lan hay Indonesia.
Đến giữa tháng, chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức – Philipp Roesler cùng 230 doanh
nghiệp nước này tiếp tục hâm nóng không khí đầu tư vào Việt Nam. Lần
lượt sau đó đến cuối tháng, các đoàn doanh nghiệp đến từ Anh, Pháp, Nhật…
tiếp tục tìm tới Việt Nam với mối quan tâm đặc biệt dành cho các lĩnh
vực tài chính, cảng biển, năng lượng, cơ sở hạ tầng…
Theo Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật (JCCI) - Tadashi Okamura thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam hiện đã trở thành chủ trương của Chính phủ nước này.
Kinh tế trưởng
của Vinacapital - Alan Phạm và chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đều cho
rằng đang có sự quan tâm ngày một lớn của vốn ngoại đối với thị trường
Việt Nam.
Điều này phần nào được thể hiện bởi các con số thống
kê khi lượng giải ngân vốn ngoại trong 9 tháng đầu năm, theo Bộ Kế hoạch
& Đầu tư đạt khoảng 8,1 tỷ USD, suýt soát cùng kỳ năm ngoái, mặc dù
kinh tế trong nước và thế giới khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia, điều này chưa đáng chú ý bằng sự thay đổi về “khẩu vị” của giới đầu tư khi đặt chân vào Việt Nam.
Tiến sĩ Alan Phạm cho rằng thay đổi quan trọng nhất là việc các nhà đầu tư ngoại đã có cái nhìn dài hơi hơn đối với thị trường Việt Nam.“Khác với giai đoạn cách đây khoảng 10 năm khi giới đầu tư rất muốn kiếm lời nhanh thông qua đầu tư tài chính. Nay họ chủ yếu đưa vốn vào thông qua kênh FDI, đồng nghĩa với cam kết ở lại lâu dài. Điều này có thể thấy rõ qua các khoản đầu tư vào công nghiệp từ các nhà đầu tư Nhật hay Mỹ thời gian qua”, chuyên gia này phân tích.
Doanh nghiệp Việt cũng phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ nước ngoài. Ảnh:F.T
Một thay đổi khác, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, là việc nhà đầu tư ngoại hiện chú ý nhiều tới thị trường nội địa, thay vì chỉ tập trung đầu tư sản xuất tại Việt Nam, rồi xuất khẩu như giai đoạn trước. Minh chứng rõ nhất của điều này là sự xuất hiện ngày một rầm rộ của các hãng sản xuất đồ ăn nhanh hay đại gia bán lẻ tại thị trường Việt Nam.
“Sau Metro, Big C… sắp tới người ta có thể chứng kiến sự xuất hiện của các hệ thống bán lẻ lớn khác như Carrefour hay thậm chí là Walmart”, ông Thành dự báo.
Cũng theo chuyên gia này, bên cạnh những lợi ích từ việc tiêu thụ sản phẩm, việc thâm nhập của các chuỗi bán lẻ nước ngoài cũng mang đến thách thức cho doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối nội địa: “Họ đều là các đại gia, có vị thế toàn cầu. Nếu một doanh nghiệp để họ tiêu thụ 30 – 40% sản lượng, khả năng bị phụ thuộc vào họ sẽ rất cao. Đó là chưa kể việc thanh toán chậm, chiếm dụng vốn của các nhà phân phối như vậy”, chuyên gia này cảnh báo.
Một nguy cơ khác cũng được ông Bùi Kiến Thành chỉ ra
là giá trị doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường chứng khoán hiện rất
thấp, dễ dẫn tới hiện tượng lợi dụng, thâu tóm của giới đầu tư ngoại.
Chia sẻ lo ngại với ông Bùi Kiến Thành, nhưng theo
Tiến sĩ Alan Phạm việc thâu tóm các doanh nghiệp quan trọng của giới đầu
tư ngoại phần nào được hạn chế bởi các giới hạn về góp vốn (tối đa 30%
tại các ngân hàng và 49% tại các doanh nghiệp khác) mà pháp luật Việt
Nam đang quy định.