Tại Diễn đàn Hiệu quả viện trợ lần thứ 4 (AEF-4) vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24/11, ông Eamonn Murphy, Giám đốc quốc gia Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho biết vai trò viện trợ của tư nhân ngày càng tăng, dự kiến đạt từ 49 tỷ USD đến 60 tỷ USD/năm, tài trợ cho các chương trình sáng tạo dự kiến khoảng 37 tỷ USD đến 60 tỷ USD, trong đó phần lớn dành cho vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường.
Việt Nam là một trong 5 nước nhận ODA lớn nhất thế giới. Trong đó, ODA thuần đã tăng từ 2,5 tỷ USD lên 3,7 tỷ USD từ năm 2007 đến năm 2009 (chiếm từ 3,6 đến 4,2% tổng thu nhập quốc gia).
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết sách nhằm thực hiện nhiệm vụ duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm.Theo đó, Việt Nam tập trung vào 3 bước đột phá để phát triển đất nước, đó là cải cách thể chế, tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Bốn giải pháp quan trọng Việt Nam cần sự giúp đỡ của các nhà tài trợ là cải cách các doanh nghiệp; cải cách hệ thống ngân hàng, tài chính; huy động sử dụng nguồn lực hiệu quả; hợp tác trong hội nhập và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong năm 2011, Việt Nam sẽ thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và khung chiến lược ODA xác định vai trò và ưu tiên hỗ trợ phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì sửa đổi Nghị định 131/2006/NĐ-CP quy định về quản lý và sử dụng ODA để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV/2011.
Tại Diễn đàn, bà Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, rào cản lớn nhất cho các nhà tài trợ đầu tư vào Việt Nam là thủ tục hành chính. Do đó, Việt Nam cần có sự cải cách trong thủ tục hành chính, cần có sự nhất quán giữa các cơ quan bộ, ngành. Với vai trò là cơ quan điều phối của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có tầm nhìn rõ ràng để điều phối hợp lý.
Theo Hoàng Linh
BDVN